Multimedia Đọc Báo in

Phấn đấu đưa Đắk Lắk sớm trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng Tây Nguyên

22:13, 27/01/2017

Năm 2016 - với sự quyết liệt, sáng tạo và thiết thực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc, tỉnh Đắk Lắk đã giành được nhiều kết quả quan trọng về kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng, tạo tiền đề tốt để tiếp tục hoàn thành các mục tiêu đặt ra năm 2017. Nhân dịp đón Xuân Đinh Dậu - năm 2017, đồng chí ÊBAN Y PHU, Bí thư Tỉnh ủy đã dành thời gian trả lời phỏng vấn Báo Đắk Lắk.

Đồng chí Êban Y Phu, Bí thư Tỉnh ủy.
Đồng chí Êban Y Phu, Bí thư Tỉnh ủy.

* Năm 2016, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Vậy, xin đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho biết những dấu ấn rõ nét nhất của tỉnh ta đạt được trong năm 2016?

Năm 2016 là năm có ý nghĩa rất quan trọng - năm đầu thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và là năm diễn ra nhiều hoạt động, sự kiện quan trọng của đất nước, của tỉnh. Quá trình tổ chức thực hiện, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, vẫn còn nhiều khó khăn như: hạn hán kéo dài, bão lụt, thiên tai đã ảnh hưởng nặng nề đối với nền kinh tế và đời sống của nhân dân tỉnh nhà. Tuy nhiên, với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự cố gắng của các cấp, các ngành và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân, nên các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016 đã đạt kết quả tích cực. 

Nền kinh tế tăng trưởng ổn định, tổng sản phẩm xã hội (GRDP- theo giá so sánh 2010) ước đạt hơn 44.500 tỷ đồng, tăng 7,02% so với năm 2015; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 36,7 triệu đồng/người. Các chính sách xã hội được quan tâm triển khai, đặc biệt là chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, do đó đời sống nhân dân trong tỉnh được cải thiện. Nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Công tác giao, nhận quân đảm bảo kế hoạch, chỉ tiêu trên giao. Tổ chức diễn tập tác chiến khu vực phòng thủ tỉnh theo cơ chế Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị đảm bảo an toàn, đạt kết quả đề ra. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được các cấp ủy, chính quyền quan tâm triển khai thực hiện; đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 thành công tốt đẹp, tỷ lệ cử tri đi bầu cử đạt 99,84%. 

* Phong trào xây dựng nông thôn mới những năm qua đạt được kết quả rất tích cực, nhiều địa phương người dân tự nguyện, chung sức đồng lòng cùng Nhà nước góp phần xây dựng để bộ mặt nông thôn được khởi sắc. Đồng chí cho biết ý nghĩa về kết quả phong trào này?

Tuyến đường nội thôn Tân Trung (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc) được làm từ sức dân. Ảnh: P.Đình
Tuyến đường nội thôn Tân Trung (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc) được làm từ sức dân. Ảnh: P.Đình

Xây dựng nông thôn mới là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước để phát triển toàn diện nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các Nghị quyết, Kế hoạch và Chương trình cụ thể để thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. 

Năm 2011, khi bắt đầu triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, hầu hết các xã của tỉnh đều ở xuất phát điểm rất thấp so với mặt bằng chung toàn quốc. Toàn tỉnh mới có 3 xã đạt từ 10-12 tiêu chí nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 2%; 51 xã đạt từ 5-9 tiêu chí, chiếm tỷ lệ 34%, 81 xã đạt dưới 5 tiêu chí, chiếm tỷ lệ 53%, toàn tỉnh chỉ mới đạt 508/2.888 tiêu chí, chiếm tỷ lệ 17,6%; bình quân toàn tỉnh chỉ mới đạt 3,34 tiêu chí/xã. Nhiều xã ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ở các huyện nghèo, huyện biên giới chỉ đạt 1-2 tiêu chí.

Qua 6 năm triển khai thực hiện, chương trình nông thôn mới ở tỉnh ta đã thu được những kết quả khá tích cực. Đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 20 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 13,2%. Đến nay, toàn tỉnh đạt 1.699 tiêu chí/2.888 tiêu chí, bằng 58,8%; tăng 1.191 tiêu chí so với năm 2011, bình quân toàn tỉnh đạt 11,18 tiêu chí/xã, tăng 0,74 tiêu chí so với cuối năm 2015.

Những chuyển biến đó là hết sức ý nghĩa và là kết quả của một quá trình nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của các thành phần kinh tế trong tỉnh và sự quan tâm hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương; đồng thời có sự đồng thuận, tích cực hưởng ứng, trực tiếp tham gia, đóng góp cả về vật chất và tinh thần của đông đảo nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Trong quá trình thực hiện đã xuất hiện nhiều cách làm hay, nhiều mô hình hiệu quả, nhiều tấm gương điển hình rất đáng trân trọng. Qua đó, có thể khẳng định rằng, xây dựng nông thôn mới là chương trình có ý nghĩa quan trọng, là động lực để phát huy nguồn lực của toàn xã hội vào công cuộc thay đổi bộ mặt của nông thôn nói riêng và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk nói chung.

* Năm 2016, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng tỉnh ta đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Để Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI tiếp tục đi vào cuộc sống, xin đồng chí cho biết những định hướng lớn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thời gian tới?

Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra những mục tiêu cụ thể nhằm xây dựng và phát triển tỉnh nhà trong tình hình mới, đưa Đắk Lắk phát triển toàn diện, tạo nền tảng để sớm trở thành trung tâm kinh tế, vănhóa, xã hội của vùng Tây Nguyên. Trong bối cảnh tình hình, điều kiện cụ thể của năm 2016, tuy vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt nhưng kết quả thực hiện nhiệm vụ đạt được những dấu ấn rất tích cực, nhiều chỉ tiêu quan trọng vượt kế hoạch đề ra. Do đó, có thể nói về cơ bản, việc thực hiện nhiệm vụ năm 2016 của Đảng bộ tỉnh đã đạt được mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. 

Trước tình hình diễn biến phức tạp với nhiều khó khăn, thử thách như hiện nay, tỉnh đã xác định những định hướng lớn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo cũng như giải pháp chủ yếu để hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ như sau:

Một là, triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 4, khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; Nghị quyết số 06-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 4, khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. 

Hai là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tái cơ cấu kinh tế, tăng cường thu hút đầu tư, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới; triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường. Nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, xúc tiến đầu tư, tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước.

Ba là, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo; tiếp tục kiềm giảm tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí, làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch.

Bốn là, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tập trung giảm tỷ lệ hộ nghèo, tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội. 

Năm là, tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ. Triển khai nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” vàChỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tiếp tục củng cố, xây dựng hệ thống chính trị các cấp vững mạnh, gắn công tác xây dựng Đảng với nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và điều hành của các cấp chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị.

Sáu là, trên cơ sở những kết quả đã đạt được và căn cứ tình hình thực tiễn của tỉnh, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền Nghị quyết và việc thực hiện Nghị quyết đến với cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận xã hội; cụ thể hóa từng chỉ tiêu vào các chương trình, kế hoạch của tỉnh và của từng ban, ngành, địa phương để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện bảo đảm đạt kết quả.

* Xin đồng chí cho biết thực trạng công tác xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ đảng viên của tỉnh hiện nay; những yêu cầu để đáp ứng trong thời kỳ hội nhập?

Đảng ta luôn xác định xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên là khâu then chốt trong sự nghiệp phát triển đất nước. Trong những năm qua, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khóa VIII về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Trung ương đã ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết cùng các văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đại bộ phận cán bộ, đảng viên trong tỉnh có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, có ý thức tổ chức kỷ luật, trách nhiệm trong công tác, không ngừng học tập, rèn luyện và trưởng thành, tin tưởng vào chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng; phát huy những yếu tố tích cực, khắc phục những hạn chế trong lãnh đạo, quản lý, vận động quần chúng thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, chính trị ở địa phương. 

Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh được hình thành từ nhiều nguồn, nhiều địa phương khác nhau nên trình độ chuyên môn, nghiệp vụ không đồng đều; một số cán bộ trình độ, phẩm chất, năng lực còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, chế độ đãi ngộ cho cán bộ luân chuyển còn nhiều bất cập nên chưa tạo được động lực thu hút đội ngũ cán bộ về địa phương công tác, nhất là ở cơ sở. Mặt khác, các thế lực thù địch vẫn đang thực hiện âm mưu chiến lược “diễn biến hoà bình”, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vượt biên trái phép; tình hình dân di cư tự do từ các tỉnh khác đến có chiều hướng gia tăng đã ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và toàn thể hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh đã nhận thấy việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực và rèn luyện tác phong của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là yếu tố cơ bản quyết định đến sự phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập. Tỉnh đã xác định những nhiệm vụ chính cần thực hiện như sau: 

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu về vai trò của công tác cán bộ trong sự nghiệp đổi mới và công cuộc cải cách hành chính; phối hợp chặt chẽ với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp nói chung, đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số tại chỗ nói riêng.

Hai là, trên cơ sở làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại. Trước mắt, cần tập trung đào tạo cán bộ dự nguồn và đào tạo cán bộ theo chức danh; trong đó quan tâm đào tạo cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số. Phát hiện, tuyển chọn cán bộ có tài năng, có phẩm chất đạo đức tốt, có kinh nghiệm trong thực tiễn nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ về số lượng, tinh về chất lượng.

Ba là, quan tâm hơn nữa tới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, xây dựng các kế hoạch phát triển và tăng cường nhận thức đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý tại từng địa phương, đơn vị trên cơ sở xác định rõ những hạn chế, thiếu hụt về kỹ năng công tác theo chức năng nhiệm vụ, công việc của từng vị trí cũng như quyền hạn và nghĩa vụ công tác đối với cán bộ quản lý.

Bốn là, tăng cường công tác hợp tác quốc tế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển cán bộ quản lý qua việc cử cán bộ ở địa phương đi đào tạo, bồi dưỡng ở ngoài nước hoặc đào tạo trong nước nhưng do giáo viên nước ngoài đảm nhận với những ngành, môn học mà trong nước chưa có điều kiện đào tạo hoặc đào tạo chưa tốt, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế.

* Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nguyên Hoa (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc