Multimedia Đọc Báo in

Tập trung phát triển bền vững để ổn định lâu dài

10:50, 05/04/2017

Tại Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh quý I và triển khai nhiệm vụ quý II-2017 do UBND tỉnh tổ chức sáng 4-4, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị đã nhấn mạnh lại ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: “Đắk Lắk cần phải phát triển bền vững để ổn định lâu dài…”.

Theo đó, quan điểm chỉ đạo của UBND tỉnh là ưu tiên phát triển kinh tế.

Những tín hiệu đáng mừng

Báo cáo của Văn phòng UBND tỉnh cho thấy, trong quý I, tình hình sản xuất nông nghiệp ổn định, các chỉ số sản xuất, phát triển công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Công tác an sinh xã hội được quan tâm triển khai; dịch bệnh trên người và vật nuôi được kiểm soát ổn định. Tình hình trật tự an toàn xã hội được kiểm soát, công tác khiếu nại tố cáo được quan tâm thực hiện…

Theo đồng chí Phạm Ngọc Nghị, trong quý I-2017, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các địa phương, các sở, ngành đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Đáng biểu dương là các cơ quan, đơn vị đã phối hợp tốt, cùng với tỉnh tổ chức thành công Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6, Liên hoan Văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên 2017 và Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên lần thứ 4 -2017 để lại ấn tượng tốt đẹp cho doanh nghiệp, du khách gần xa và bạn bè quốc tế.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị phát biểu tại hội nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị phát biểu tại hội nghị.

Một trong những tín hiệu đáng mừng, theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị chính là nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội tăng cao so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, hoạt động xúc tiến đầu tư đã thu hút được 19 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư trên 1.863 tỷ đồng, tăng 11 dự án so với cùng kỳ năm ngoái, tổng vốn đầu tư tăng gấp 10 lần. “Các chỉ tiêu như: kim ngạch xuất khẩu (tăng 9,3%), nhập khẩu (tăng 381%), doanh nghiệp thành lập mới (tăng 50 doanh nghiệp), và đặc biệt, lần đầu tiên cân đối thu – chi ngân sách của tỉnh gần tương đương nhau (thu đạt 25,8% và chi là 25,7%) cho thấy có những chuyển biến đáng mừng. Những kết quả đạt được chính là cơ sở và động lực để các cấp, các ngành phấn đấu thực hiệt tốt nhiệm vụ trong quý II cũng như cả năm 2017” – đồng chí Phạm Ngọc Nghị nhấn mạnh.

Vẫn chưa hết khó

Đánh giá cao những kết quả đạt được, tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị vẫn không quên lưu ý một số “điểm nghẽn” ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cần tập trung tháo gỡ. Điển hình là quá trình chuyển đổi doanh nghiệp; công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên; quản lý đất đai, quản lý đô thị…

Dẫn chứng những bất cập trong công tác quản lý khoáng sản, đồng chí Phạm Ngọc Nghị thẳng thắn: “Qua kiểm tra thực tế tại một số địa phương như Krông Bông, Krông Ana, Cư Kuin cho thấy tình trạng khai thác cát tràn lan, nhiều đoạn bờ sông sụt lở, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đất đai, môi trường. Đi đến đâu cũng nghe lãnh đạo địa phương “kêu” về thực trạng này. Tuy nhiên chưa thấy có huyện nào có văn bản đề nghị thu hồi giấy phép của các doanh nghiệp thai thác cát cả. Ở đây có vấn đề gì đó!?”.

Trong lĩnh vực quản lý đất đai, ông Vũ Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị cần rà soát, điều chỉnh lại diện tích đất của các địa phương, doanh nghiệp đang quản lý để có đất “sạch” cho doanh nghiệp vào đầu tư tái cơ cấu ngành nông – lâm nghiệp. Bởi thực tế hiện tại đất đai đang bị chồng lấn và người dân xâm canh quá nhiều, gây khó khăn trong kêu gọi đầu tư. Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh cũng nêu lên thực trạng quản lý đất đai, quản lý đô thị trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập. “Đụng vô dự án nào cũng “dính” hết. Xã thì đổ cho huyện, công an lại đổ cho địa phương; xây dựng trái phép thì tràn lan… Chính những vấn đề này đã ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương” – đồng chí Phạm Ngọc Nghị chỉ rõ.

Để giải quyết triệt để những vướng mắc đó, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị rà soát lại các chỉ tiêu để bổ sung giải pháp thực hiện, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể gắn với vai trò của người đứng đầu để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn. Bằng mọi giá phải bảo đảm được tốc độ tăng trưởng trong năm 2017 này đạt 7% theo nghị quyết của Tỉnh ủy và HĐND tỉnh đề ra. Muốn thực hiện đạt được chỉ tiêu này là rất khó, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cũng như sự đồng thuận và nỗ lực của người dân. 

Nhiều chỉ tiêu tăng cao

Trong quý I-2017, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt 10.880 tỷ đồng, tăng trưởng 4,47% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 4.040 tỷ đồng, tăng 2,3%; công nghiệp – xây dựng ước đạt 1.655 tỷ đồng, tăng 4,2%; dịch vụ ước đạt 5.185 tỷ đồng, tăng 6,3%. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ trên thị trường ước đạt 15.549 tỷ đồng, tăng 9,8%. Kim ngạch xuất khẩu đạt 125 triệu USD, tăng 9,3%; nhập khẩu ước đạt 8 triệu USD, tăng 381%. Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước thực hiện được 1.162.668 triệu đồng, đạt 25,8% dự toán HĐND tỉnh giao…  


Việt Cường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.