Những kết quả tích cực trong xây dựng tổ chức đảng ở khu dân cư
Trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp đẩy mạnh phát triển đảng viên, xây dựng và củng cố tổ chức đảng ở khu dân cư, từng bước xóa thôn, buôn “trắng” về đảng viên và tổ chức đảng.
Theo đồng chí Lê Năng Hảo, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Từ năm 2002, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Chỉ thị số 14-CT/TU, ngày 19-9-2002 “về một số nhiệm vụ cấp bách nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở thôn, buôn, khối phố” và năm 2006 ban hành Kế hoạch số 11a-KH/TU, ngày 17-7-2006 “về xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở”. Theo đó, hằng năm Nghị quyết lãnh đạo của Tỉnh ủy đều nhấn mạnh đến nhiệm vụ phát triển đảng viên, xóa thôn, buôn “trắng” đảng viên và tổ chức đảng. Ban Tổ chức Tỉnh ủy cũng có kế hoạch phân công cán bộ xuống từng thôn, buôn chưa có đảng viên, chưa có chi bộ đảng để cùng cấp ủy cơ sở tìm nguồn, hướng dẫn bồi dưỡng phát triển Đảng. Với biện pháp chỉ đạo sát sao, quyết liệt, trong 2 nhiệm kỳ gần đây, hằng năm Đắk Lắk đều vượt chỉ tiêu phát triển đảng viên mới.
Một trong những địa phương làm tốt công tác phát triển đảng là huyện Cư M’gar. Từ năm 2009, Cư M’gar đã hoàn thành mục tiêu 100% thôn, buôn có chi bộ đảng và có đảng viên tại chỗ. Không những xóa thôn, buôn “trắng” về đảng viên tại chỗ và “trắng” tổ chức đảng, Cư M’gar còn tích cực xây dựng chi bộ thôn, buôn có cấp ủy. Đồng chí Lê Nam Cao, Phó Bí thư Huyện ủy cho hay: “Đến đầu năm 2017, toàn huyện có 73/189 chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố có cấp ủy, đạt 38,62%”.
Chi bộ Ban Tổ chức Huyện ủy Cư M’gar sinh hoạt chuyên đề về phát triển đảng viên vùng dân tộc thiểu số. |
Hay tại TX. Buôn Hồ nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số và người có đạo, việc phát triển đảng viên rất khó khăn nhưng Thị ủy Buôn Hồ đã thực hiện khá hiệu quả. Đồng chí H’Blă Mlô, Trưởng Ban Tổ chức Thị ủy Buôn Hồ nhớ lại: “Khoảng 10 năm trước, ở địa bàn đông đồng bào Công giáo toàn tòng như xã Cư Bao, phường Bình Tân và phường Thống Nhất xảy ra tình trạng: quần chúng cứ vào Đảng là bỏ đạo, dẫn tới đảng viên xa rời quần chúng, thậm chí còn bị cô lập trong cộng đồng giáo dân. Để khắc phục tình trạng này, cấp ủy địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Khi phát triển được đảng viên, cấp ủy quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đảng viên tham gia các hoạt động của giáo họ, giáo xứ, làm cho phong trào của giáo dân nơi đó phát triển mạnh hơn, theo đúng tinh thần của giáo lý và phương châm “sống tốt đời, đẹp đạo”, “kính Chúa, yêu nước”. Ngày 1-12-2011, Thị ủy Buôn Hồ ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU, về việc xây dựng chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố và phát triển đảng viên trong hệ thống chính trị cơ sở xã, phường; kết quả, từ năm 2012 đến 2016, TX. Buôn Hồ đã phát triển được 894 đảng viên mới, các năm đều vượt chỉ tiêu phát triển đảng viên. Đến cuối năm 2016, Đảng bộ TX. Buôn Hồ có 35 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, với 3.116 đảng viên; 100% thôn, buôn, tổ dân phố có chi bộ đảng và có đảng viên là người tại chỗ, trong đó 115/149 thôn, buôn, tổ dân phố có đủ đảng viên người tại chỗ để thành lập chi bộ.
Song song với công tác phát triển đảng viên, củng cố tổ chức đảng, Tỉnh ủy còn chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt của chi bộ đảng khu dân cư. Như ở huyện Cư M’gar, nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, Huyện ủy đã thực hiện việc phân công cấp ủy cấp trên trực tiếp dự sinh hoạt chi bộ khu dân cư. Theo đó, các đồng chí lãnh đạo ban, cơ quan trực thuộc Huyện ủy được phân công dự sinh hoạt định kỳ tại chi bộ khu dân cư; Đảng bộ các xã, thị trấn cũng phân công cấp ủy viên phụ trách địa bàn theo dõi, kiểm tra nền nếp, nội dung sinh hoạt của các chi bộ. Nhờ đó, chất lượng sinh hoạt chi bộ khu dân cư được nâng lên. Đồng chí Lê Nam Cao, Phó Bí thư Huyện Cư M’gar nhấn mạnh: “Ngày 21-2-2017, Huyện ủy Cư M’gar ban hành Kế hoạch số 35-KH/HU về triển khai nhiệm vụ “năm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”. Theo đó, hằng quý các đồng chí huyện ủy viên, chuyên viên các ban, cơ quan thuộc huyện ủy; cấp ủy cơ sở trực tiếp tham dự, theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn, đóng góp ý kiến đối với việc sinh hoạt chi bộ tại địa bàn được phân công. Trong năm 2017, Đảng bộ huyện phấn đấu 100% chi bộ được kiểm tra đánh giá về nền nếp, chất lượng sinh hoạt và thực hiện các nội dung lãnh đạo theo quy định”.
Đồng chí Lê Năng Hảo, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho rằng, để phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng ở khu dân cư, trước hết tổ chức đảng, từng đảng viên phải quán triệt sâu sắc nhiệm vụ được phân công; nắm chắc tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; bám sát nghị quyết lãnh đạo của chi bộ và của cấp ủy cấp trên. Hằng năm, Ban Tổ chức Tỉnh ủy có kế hoạch kiểm tra tình hình hoạt động của các tổ chức đảng và kế hoạch lãnh đạo của cấp ủy. Dựa trên kết quả kiểm tra, Ban Tổ chức Tỉnh ủy có văn bản chỉ đạo, nhắc nhở tổ chức đảng và đảng viên còn yếu kém, khuyết điểm có biện pháp khắc phục vươn lên.
Năm 2017 và những năm tiếp theo, Tỉnh ủy xác định tập trung thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) ngày 30-10-2016 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Đảng bộ tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2017 có 100% thôn, buôn, tổ dân phố có đảng viên tại chỗ, nâng cao tỷ lệ chi bộ khu dân cư có cấp ủy.
-Năm 2005, toàn tỉnh có 33.881 đảng viên; 28,7% thôn, buôn, tổ dân phố chưa có chi bộ và 3,82% thôn, buôn, tổ dân phố chưa có đảng viên tại chỗ. -Năm 2016, toàn tỉnh đã có 70.179 đảng viên; 100% thôn, buôn, tổ dân phố có chi bộ đảng và chỉ còn 4 thôn, buôn vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số di cư tự do chưa có đảng viên là người tại chỗ. |
Kiều Bình Định
Ý kiến bạn đọc