Nâng cao chất lượng cán bộ từ công tác đánh giá
Trong những năm qua, các cấp ủy đảng trong tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và quán triệt đầy đủ, bám sát nội dung, yêu cầu, mục đích của công tác đánh giá cán bộ; cụ thể hóa các tiêu chuẩn cán bộ đối với từng chức danh phù hợp với thực tế tình hình của mỗi địa phương, đơn vị.
Cùng với việc triển khai thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), việc đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý ngày càng đi vào chiều sâu. Trong đánh giá đã chỉ rõ những khuyết điểm của cán bộ lãnh đạo, quản lý để kịp thời khắc phục nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao. Các cấp ủy đảng cũng chú trọng làm tốt công tác cán bộ từ khâu nhận xét, đánh giá đến việc lựa chọn, tạo nguồn để đưa vào quy hoạch cấp ủy, các chức danh lãnh đạo chủ chốt và bố trí sử dụng một cách hợp lý, tạo động lực cho cán bộ, công chức nỗ lực phấn đấu. Đồng thời, tiến hành xây dựng kế hoạch và triển khai việc kiểm điểm tự phê bình, phê bình đối với tập thể, cá nhân và đánh giá, phân loại chất lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý hằng năm đến từng chi bộ và đảng viên để thực hiện.
Cần mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch trong đánh giá cán bộ; bên cạnh ý kiến nhận xét của cán bộ lãnh đạo quản lý, của cơ quan tham mưu, còn phải coi trọng ý kiến của tập thể cán bộ và ý kiến của đông đảo quần chúng. |
Nhìn chung, quy trình đánh giá cán bộ luôn được cấp ủy các cấp thực hiện đầy đủ theo các bước: Bản thân cán bộ tự kiểm điểm, nhận xét, đánh giá; người đứng đầu và tập thể cấp ủy, tập thể lãnh đạo nơi cán bộ công tác nhận xét đánh giá; tập thể chi ủy nơi cán bộ cư trú nhận xét, đánh giá; Ban thường vụ cấp ủy có thẩm quyền đánh giá và thông báo nội dung đánh giá đến từng cán bộ được đánh giá. Kết quả nhận xét, đánh giá, phân loại cán bộ là cơ sở quan trọng để lựa chọn cán bộ có phẩm chất chính trị, có năng lực trong thực thi nhiệm vụ làm căn cứ xem xét quy hoạch cán bộ, giới thiệu cán bộ ứng cử, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, khen thưởng cán bộ…
Tuy nhiên, việc đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý ở một số nơi vẫn còn hình thức, chưa phản ánh đúng thực chất phẩm chất chính trị, đạo đức và năng lực thực tiễn cán bộ; chưa lấy hiệu quả công việc làm thước đo chủ yếu; việc đánh giá còn cảm tính, “dĩ hòa vi quý”, xuê xoa, mang tính hình thức. Thực hiện tự phê bình và phê bình trong công tác đánh giá cán bộ hằng năm chưa thật sự nghiêm túc, chưa phát huy được tính chiến đấu; việc góp ý, nhận xét đối với cán bộ có nơi thực hiện chưa khách quan, chưa thẳng thắn góp ý xây dựng, nhất là các khuyết điểm đối với cán bộ. Công tác nhận xét, đánh giá cán bộ một số nơi chưa sâu, có trường hợp thiếu chính xác, thiếu căn cứ khách quan, cảm tính, có nơi còn có tình trạng nể nang, né tránh... Nội dung kết luận nhận xét, đánh giá cán bộ còn chung chung, thiếu cụ thể, chưa phản ánh đúng kết quả công tác của cán bộ, cán bộ lãnh đạo.
Để nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt, thiết nghĩ các cấp ủy đảng, chính quyền cần nhận thức sâu sắc hơn nữa tầm quan trọng của việc đánh giá cán bộ đối với vấn đề quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm, bố trí, sử dụng cán bộ… Qua đó, nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, nâng cao trách nhiệm của người cán bộ đảng viên trong tự phê bình và phê bình. Việc đánh giá cán bộ phải dựa vào những quy định về quy trình đánh giá cán bộ, thể hiện ở hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị theo chức trách nhiệm vụ được giao, khối lượng, chất lượng, hiệu quả công tác trên các lĩnh vực lãnh đạo, quản lý và sự tín nhiệm của nhân dân; dựa vào những quy định cụ thể về tiêu chuẩn của từng chức danh và tiêu chí đánh giá đối với từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý. Kết quả phải thông báo công khai cho người được đánh giá, cán bộ, nhân viên trong đơn vị biết và báo cáo lên lãnh đạo cấp trên xem xét.
Bên cạnh đó, cần lưu ý khắc phục những hiện tượng lệch lạc, thành kiến cá nhân, tư tưởng bè phái trong tổ chức trước khi tiến hành đánh giá cán bộ, công chức. Tăng cường trách nhiệm đánh giá và sử dụng cán bộ của cấp có thẩm quyền, các cơ quan tham mưu và người đứng đầu các cấp, các ngành, các đơn vị. Cần nghiên cứu, tổng kết công tác quản lý, đánh giá cán bộ thời gian qua để phát huy những điểm mạnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Nguyễn Phú Lập
Ý kiến bạn đọc