Multimedia Đọc Báo in

Kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập huyện Ea Súp (30-8-1977 - 30-8-2017)

Ea Súp - 40 năm một chặng đường

15:05, 26/08/2017

Cách đây tròn 40 năm, ngày 30-8-1977 Chính phủ ban hành Quyết định số 230/CP thành lập huyện Ea Súp trên cơ sở chia tách từ huyện Krông Búk.

Sau 2 lần chia tách địa giới hành chính để thành lập huyện Cư M’gar (1984) và thành lập huyện Buôn Đôn (1995), hiện nay huyện Ea Súp có diện tích 1.765,5 km2, dân số 76.200 người, với 29 dân tộc cùng chung sống.

 Trong quá trình xây dựng và phát triển, bằng quyết tâm chính trị cao, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong huyện đã phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết một lòng, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tập trung khắc phục mọi khó khăn xây dựng quê hương Ea Súp phát triển về mọi mặt. Đặc biệt trong giai đoạn 2010-2016, Đảng bộ và nhân dân huyện Ea Súp đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi trên các lĩnh vực. Kinh tế duy trì ở mức tăng trưởng cao, bình quân 16,5%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó giá trị sản xuất ngành công nghiệp và dịch vụ ngày càng tăng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 22 triệu đồng. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Giang, Bí thư Huyện ủy Ea Súp (bìa trái) thăm nhà máy chế biến nông sản tại cụm công nghiệp Ea Lê.  Ảnh: N.Hoa
Đồng chí Nguyễn Hoàng Giang, Bí thư Huyện ủy Ea Súp (bìa trái) thăm nhà máy chế biến nông sản tại cụm công nghiệp Ea Lê.  Ảnh: N.Hoa

Sản xuất nông nghiệp là thế mạnh của huyện tiếp tục được phát huy hiệu quả. Nhiều tiến bộ khoa học, kỹ thuật được ứng dụng thành công, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Mô hình kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình phát triển nhanh đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Từ một ngành nhỏ lẻ, lạc hậu của những năm 1980, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện đã đa dạng hóa ngành nghề với 20 doanh nghiệp và 449 cơ sở sản xuất theo hướng tập trung thông qua việc hình thành các cụm công nghiệp trọng điểm.

Những kết quả đạt được trên lĩnh vực phát triển kinh tế đã tạo sự chuyển biến tích cực trên lĩnh vực văn hóa - xã hội. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được nhân dân đồng tình hưởng ứng, bản sắc văn hóa các dân tộc được giữ gìn, phát huy. Công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội thu được nhiều kết quả. Đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận nhân dân không ngừng được cải thiện. Một điều rất đáng tự hào là có nhiều người con của quê hương Ea Súp thành đạt trong học tập, công tác, sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học đóng góp một phần nhỏ bé vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của đất nước.

Là huyện biên giới, cùng với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng luôn được địa phương xác định là một trong những nhiệm vụ chiến lược đặc biệt quan trọng. Các lực lượng vũ trang của huyện được tổ chức, xây dựng có chiều sâu, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ giữ vững ổn định an ninh, trật tự trên tuyến biên giới.

Bí thư Huyện ủy Ea Súp Nguyễn Hoàng Giang (thứ 3 từ trái sang) trò chuyện, thăm hỏi bà con dân tộc thiểu số  ở buôn M’tha, xã Ea Rốk.    Ảnh: N. Hoa
Bí thư Huyện ủy Ea Súp Nguyễn Hoàng Giang (thứ 3 từ trái sang) trò chuyện, thăm hỏi bà con dân tộc thiểu số ở buôn M’tha, xã Ea Rốk. Ảnh: N. Hoa

Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội được chú trọng. Từ một chi bộ với 7 đảng viên lúc mới thành lập, đến nay Đảng bộ huyện có 40 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc với hơn 2.600 đảng viên, trong đó đảng viên dân tộc thiểu số chiếm gần 24%. Tất cả các thôn, buôn, tổ dân phố đều có chi bộ Đảng. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở thường xuyên được củng cố, kiện toàn và có bước phát triển. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên tiếp tục được nâng lên. Hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành trên các lĩnh vực của chính quyền hai cấp cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội có nhiều đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, đa dạng các hình thức tập hợp quần chúng nhân dân.

Huyện Ea Súp vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: 2 lần được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2007). Nhân kỷ niệm 40 năm thành lập huyện, Đảng bộ và nhân dân huyện Ea Súp vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì lần thứ hai.

40 năm qua, huyện Ea Súp đã vươn mình mạnh mẽ. Tuy nhiên so với các địa phương trong tỉnh, Ea Súp vẫn là huyện nghèo, phía trước vẫn còn nhiều thử thách. Với phương châm “Đoàn kết, dân chủ, sáng tạo, kiên trì, quyết liệt”, Đảng bộ và nhân dân toàn huyện sẽ tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt các giải pháp chủ yếu: đẩy mạnh phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, thương mại-dịch vụ, tạo động lực cho sự phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hàng hóa; tập trung nguồn lực phấn đấu hoàn thành chương trình nông thôn mới. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng then chốt; đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng môi trường hấp dẫn, thu hút các dự án đầu tư, giải quyết việc làm, phát triển ngành nghề mới ở nông thôn.

Giai đoạn 2016-2020, Ea Súp phấn đấu tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm 16% trở lên; thu ngân sách Nhà nước năm sau cao hơn năm trước 10%; thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2020 đạt 26 triệu đồng/người/năm. Chăm lo đời sống văn hóa tinh thần, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, kịp thời giải quyết những vấn đề xã hội nảy sinh. Củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, giữ vững ổn định an ninh chính trị. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, các đoàn thể nhân dân trong sạch, vững mạnh.

Nguyễn Hoàng Giang

(Bí thư Huyện ủy Ea Súp)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.