Nâng cao chất lượng công tác luân chuyển cán bộ
Điều động, luân chuyển cán bộ nhằm tạo điều kiện rèn luyện, bồi dưỡng, thử thách cán bộ, nhất là đội ngũ trẻ có triển vọng, giúp họ trưởng thành nhanh, toàn diện và vững vàng, đáp ứng yêu cầu đào tạo, xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành vừa có kiến thức, vừa có kinh nghiệm thực tiễn; từng bước điều chỉnh, bố trí lại cán bộ cho phù hợp, tăng cường nhân sự cho những nơi có yêu cầu cấp bách, nhất là cơ sở và các cơ quan, đơn vị, địa bàn trọng điểm, khó khăn.
Trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương và của Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng, ban ngành, đoàn thể trong tỉnh đã bám sát nội dung, yêu cầu của công tác luân chuyển cán bộ; cụ thể hóa các tiêu chuẩn chức danh, thực trạng và yêu cầu xây dựng đội ngũ trong tình hình mới, tiến hành xây dựng kế hoạch luân chuyển phù hợp với thực tế tình hình của mỗi địa phương, đơn vị. Trong nhiệm kỳ 2010-2015, các cấp ủy đảng trong tỉnh đã tiến hành luân chuyển từ tỉnh về cấp huyện 23 đồng chí, từ cấp huyện về tỉnh 10 đồng chí, từ huyện này sang huyện khác 5 đồng chí, từ ngành này sang ngành khác 398 đồng chí, từ cấp huyện về cấp xã 127 đồng chí, từ cấp xã về cấp huyện 104 đồng chí và từ xã này sang xã khác là 30 đồng chí. Bên cạnh đó, chế độ chính sách cũng được quan tâm nhiều hơn nhằm động viên, hỗ trợ cho cán bộ luân chuyển khắc phục khó khăn bước đầu trong thực hiện nhiệm vụ mới.
Bí thư Huyện ủy Ea Súp Nguyễn Hoàng Giang (giữa) tìm hiểu đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Ảnh: N.Hoa |
Nhìn chung, công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý ở tỉnh trong thời gian qua đã được các cấp ủy đảng, các cơ quan, đơn vị thực hiện đúng quy trình, cơ bản đạt được các mục đích, yêu cầu đề ra. Quá trình thực hiện luân chuyển đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư tưởng, nhận thức của cán bộ, đảng viên, đưa việc luân chuyển vào nền nếp, thường xuyên trong công tác cán bộ; tạo được môi trường để họ rèn luyện, thử thách, sát dân, sát thực tiễn cuộc sống, qua đó có điều kiện trưởng thành, phát triển toàn diện hơn; tạo điều kiện để cấp quản lý cán bộ đánh giá, quy hoạch nhân lực sát hơn; góp phần khắc phục tình trạng khép kín, tư tưởng cục bộ và những hạn chế, tiêu cực trong công tác cán bộ.
Tuy nhiên, công tác luân chuyển cán bộ vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như: tình trạng cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện ngại về công tác ở xã, phường, thị trấn, cán bộ ở các cơ quan quản lý Nhà nước ngại sang công tác ở cơ quan Đảng, đoàn thể còn khá phổ biến. Công tác luân chuyển đôi lúc chưa dựa trên cơ sở quy hoạch cán bộ dự nguồn để thực hiện chiến lược công tác cán bộ của cấp mình. Việc xây dựng kế hoạch luân chuyển ở một số địa phương, đơn vị còn chậm; chưa làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ được luân chuyển, nơi địa phương, đơn vị có cán bộ luân chuyển đi và đến, chính sách hỗ trợ còn nhiều bất cập nên một số cán bộ luân chuyển chưa yên tâm công tác.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác luân chuyển cán bộ trong thời gian tới, thiết nghĩ các cấp ủy đảng cần phải chủ động xây dựng kế hoạch luân chuyển cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ; điều chỉnh việc bố trí cán bộ hợp lý hơn, tăng cường nhân lực cho những nơi có nhu cầu cấp bách, nhất là cho cơ sở có nhiều khó khăn. Mỗi cấp ủy phải xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ hằng năm; tránh tình trạng gây xáo trộn bộ máy quá lớn, làm ảnh hưởng đến hoạt động của địa phương, đơn vị. Công tác điều động, luân chuyển cán bộ có thể tiến hành trong cùng cấp, có thể cấp trên tăng cường cho cấp dưới, từ địa phương này luân chuyển sang địa phương khác... Số cán bộ trong diện điều động, luân chuyển là những cán bộ trong diện quy hoạch. Thời gian điều động, luân chuyển cán bộ nói chung từ 3 năm trở lên. Đối với những trường hợp có dự định rõ thời gian luân chuyển thì trước khi kết thúc thời hạn luân chuyển, các cơ quan quản lý cán bộ có nhận xét, đánh giá và cân nhắc việc bố trí nhiệm vụ mới theo chức danh đã được quy hoạch trước khi luân chuyển hoặc chức danh tương đương phù hợp với những cống hiến của cán bộ đó.
Điều quan trọng là việc luân chuyển cán bộ phải tạo ra được những khâu đột phá, góp phần đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo, quản lý; chủ động tạo môi trường tốt và điều kiện thuận lợi trong việc rèn luyện, thử thách cán bộ một cách chủ động, toàn diện, chủ động xây dựng chiến lược cán bộ đáp ứng cả nhu cầu về nhân sự trước mắt và lâu dài trong toàn bộ hệ thống chính trị. Mặt khác, thực hiện chặt chẽ quy trình của công tác luân chuyển cán bộ sẽ tạo nên động lực mạnh mẽ trong công tác cán bộ, đối với cán bộ; đồng thời góp phần quan trọng khắc phục những nhận thức lệch lạc, sự trì trệ, cục bộ, khép kín…trong công tác cán bộ.
Nguyễn Phú Lập
Ý kiến bạn đọc