Việt Nam với APEC
Với thế và lực của đất nước không ngừng được nâng cao sau hơn 30 năm đổi mới và kinh nghiệm tổ chức thành công năm 2006, việc một lần nữa Việt Nam đăng cai Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) là đóng góp quan trọng của Việt Nam đối với APEC nhằm thúc đẩy quan tâm chung trong bối cảnh mới.
APEC năm 2017 còn có ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 20 năm Việt Nam trở thành thành viên của Diễn đàn (1998-2018).
Ý tưởng về APEC lần đầu tiên đề cập công khai trong diễn văn của Thủ tướng Australia Bob Hawke tại Seoul (Hàn Quốc) vào ngày 31-1-1989. Mười tháng sau đó, 12 nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương đã nhóm họp tại Canberra (Australia) để hình thành APEC. Các thành viên sáng lập gồm: Ausralia, Brunei, Canada, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Hoa Kỳ.
Trung Quốc, Hồng Kông – Trung Quốc và Đài Loan – Trung Quốc tham gia APEC năm 1991. Năm 1993 có thêm Mexico và Papua New Guinea tham gia. Chile gia nhập APEC năm 1994. Đến năm 1998, Peru, Nga và Việt Nam đã tham gia, đưa tổng số thành viên của Diễn đàn lên 21.
Từ năm 1989 đến năm 1992, APEC đã tổ chức các cuộc đối thoại không chính thức ở cấp các quan chức cao cấp và cấp Bộ trưởng. Năm 1993, theo sáng kiến của nguyên Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton, APEC đã thống nhất tổ chức Hội nghị đầu tiên của các Nhà lãnh đạo kinh tế hằng năm nhằm xác lập các tầm nhìn và định hướng chiến lược cho hợp tác khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các Tập đoàn kinh tế dự Tuần lễ cấp cao APEC 2017. (Ảnh: TTXVN) |
Hiện nay, APEC gồm 21 nền kinh tế thành viên, đại diện 39% dân số thế giới, 57% GDP và 47% thương mại toàn cầu. Các nền kinh tế thành viên APEC cùng hướng tới mục tiêu chung xây dựng một cộng đồng châu Á-Thái Bình Dương năng động, hài hòa và tự cường, thông qua việc đi đầu tự do hóa và mở cửa thương mại và đầu tư, đẩy nhanh liên kết kinh tế khu vực, khuyến khích hợp tác kinh tế và kỹ thuật và thúc đẩy hình thành môi trường kinh doanh thuận lợi và bền vững. Các sáng kiến APEC nhằm đưa các mục tiêu chính sách và các thỏa thuận thành những kết quả và lợi ích cụ thể, thiết thực đối với người dân và doanh nghiệp.
Trong gần 30 năm hình thành và phát triển, APEC đã đạt nhiều thành tựu đáng kể, góp phần quan trọng thúc đẩy xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển tại khu vực cũng như đưa châu Á - Thái Bình Dương trở thành động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu; góp phần tích cực nâng cao năng lực hội nhập, liên kết của các nền kinh tế thành viên đang phát triển, đồng thời góp phần vào sự phát triển và liên kết kinh tế của châu Á-Thái Bình Dương.
Quá trình tham gia hợp tác APEC đã và đang tạo điều kiện thuận lợi để thành viên chia sẻ kinh nghiệm, các thông lệ tốt, khuyến khích nỗ lực riêng của từng thành viên thông qua các chương trình cải cách và hoàn thiện cơ chế chính sách trong 15 lĩnh vực của Kế hoạch Hành động quốc gia (IAP), các chương trình hợp tác liên quan đến thuận lợi hóa thương mại, đầu tư của APEC như Kế hoạch Hành động về kết nối (SCFAP), Chuỗi giá trị toàn cầu (GVCs), hàng hóa và dịch vụ môi trường (EGS), Rà soát chính sách đầu tư ... Đặc biệt, APEC còn tập trung hợp tác xây dựng năng lực thông qua các dự án trong khuôn khổ chương trình hợp tác kinh tế - kỹ thuật (Ecotech), tạo thuận lợi cho đi lại của doanh nhân (thẻ ABTC), hợp tác về y tế, giáo dục, thành lập Quỹ học bổng APEC...
Thực tế cho thấy, thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực tận dụng các chương trình hợp tác trong khuôn khổ APEC, từng bước điều chỉnh cơ chế, chính sách, xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, tháo gỡ dần các rào cản về thương mại và đầu tư cho phù hợp với luật chơi chung. |
Việt Nam đã và đang tận dụng hợp tác APEC cũng như các quan hệ song phương với các thành viên của Diễn đàn nhằm mở rộng cơ hội thu hút các dòng vốn đầu tư trực tiếp dồi dào và ổn định, cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường chuyển giao công nghệ hiện đại; góp phần tích cực thúc đẩy năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nội địa. Việt Nam còn có thể tận dụng các kênh quan trọng như Đối thoại giữa Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) và Chính phủ hằng năm; Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (CEO Summit) bên lề Tuần lễ cấp cao APEC và Chương trình Doing business with Viet Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, để giải quyết những vướng mắc, khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực đồng thời mở ra những cơ hội lớn về hợp tác kinh doanh.
Việt Nam luôn là một trong những thành viên tích cực có trách nhiệm của Diễn đàn APEC. Năm 2006, lần đầu tiên đảm nhận trọng trách chủ nhà APEC, Việt Nam đã tổ chức thành công Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 14 và hơn 100 hoạt động liên quan cũng như đảm nhận vai trò Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC quốc tế nhiệm kỳ 2005-2006. Tại Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 21 họp ngày 5 đến 7-10-2013 ở Bali (Indonesia), các nền kinh tế thành viên đã nhất trí ửng hộ Việt Nam tổ chức Năm APEC 2017. Điều này thể hiện sự tín nhiệm cao của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam sau gần 20 năm gia nhập diễn đàn này.
Việc đăng cai Năm APEC 2017 đã giúp Việt Nam có thêm những cơ hội mới để tranh thủ nhiều hơn sự ủng hộ và hỗ trợ của APEC nhằm hoàn tất các mục tiêu trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 của đất nước. Việc tổ chức thành công Năm APEC 2017 cũng là một trọng tâm của đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng.
Nguyễn Văn Thanh
Ý kiến bạn đọc