Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng ở Đảng bộ thị xã Buôn Hồ

08:05, 24/07/2018

Trong những năm qua, Ban Thường vụ Thị ủy Buôn Hồ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở (TCCS) đảng và đảng viên.

Đảng bộ thị xã Buôn Hồ hiện có 35 TCCS đảng trực thuộc, trong đó, khối xã, phường có 12 đảng bộ; khối doanh nghiệp có 5 TCCS đảng (4 đảng bộ và 1 chi bộ); khối sự nghiệp có 7 TCCS đảng; khối cơ quan hành chính có 9 TCCS đảng và khối lực lượng vũ trang có 2 đảng bộ; 149/149 chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố có đảng viên là người tại chỗ; 100% trường học công lập có chi bộ đảng; 10/12 trạm y tế xã, phường đã có chi bộ. Toàn Đảng bộ có 3.287 đảng viên, trong đó, 1.241 đảng viên nữ; 622 đảng viên là người dân tộc thiểu số; 120 đảng viên là người có đạo.

Bên cạnh việc không ngừng giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, Đảng bộ thị xã luôn quan tâm đến việc thực hiện chủ trương trẻ hóa, tiêu chuẩn hóa, nhất thể hóa chức danh cán bộ ở cơ sở. Theo đó, trên cơ sở quy hoạch các chức danh cán bộ lãnh đạo quản lý từ thị xã đến cơ sở, Ban Thường vụ Thị ủy Buôn Hồ đã xem xét cử đi đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao. Xác định công tác đào tạo cán bộ, công chức, viên chức là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ngoài việc cử cán bộ, công chức đi đào tạo, thị xã luôn khuyến khích cá nhân tự đi học để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời đảm bảo yêu cầu công tác ở đơn vị phân công phụ trách. Từ năm 2009 đến nay, toàn Đảng bộ đã cử 25 cán bộ, công chức đi đào tạo chuyên môn nghiệp vụ đại học; đào tạo lý luận chính trị 235 đồng chí, trong đó 36 cao cấp, 199 trung cấp. Ngoài ra, còn có 12 cán bộ, công chức tự sắp xếp đi học để đạt chuẩn và trên chuẩn.

Đường bê tông được xây dựng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” ở phường Thống Nhất (thị xã Buôn Hồ).   Ảnh: L. Hương
Đường bê tông được xây dựng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” ở phường Thống Nhất (thị xã Buôn Hồ). 

Đồng chí Y Vinh Tơr, Bí thư Thị ủy Buôn Hồ cho biết, xác định chi bộ là hạt nhân chính trị lãnh đạo ở cơ sở, Thị ủy đã chỉ đạo các cấp ủy đảng thực hiện nhiều giải pháp để củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của chi bộ. Trong đó, chất lượng sinh hoạt chi bộ luôn được cấp ủy đảng các cấp thực hiện tốt, chú trọng đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt, bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCS đảng. Bên cạnh đó, việc phát hiện, giới thiệu, bồi dưỡng quần chúng để kết nạp vào Đảng được Thị ủy chỉ đạo triển khai đồng bộ, trong đó quan tâm những nhân tố trẻ, người dân tộc thiểu số có năng lực, tâm huyết; quán triệt quan điểm “việc theo người”, “lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo chất lượng cán bộ, đảng viên”.  Qua đó, đã phát huy tính năng động, sáng tạo, toàn tâm, toàn ý của cán bộ, đảng viên đối với công việc và nhiệm vụ được giao. Với cách làm quyết liệt, bám sát cơ sở, rõ người, rõ việc, các cấp ủy cơ sở đã tạo được sự chuyển biến mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Để tiếp tục không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCS đảng, Đảng bộ thị xã đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII “Về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tạo nguồn, phát triển Đảng trong đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo, những chi bộ còn ít đảng viên là người tại chỗ. Đồng thời, chỉ đạo đảng ủy các xã, phường, chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp sinh hoạt, làm tốt công tác quy hoạch cán bộ.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.