Diện mạo mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Buôn Ma Thuột
06:54, 14/08/2018
Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 39/KH-UBND, ngày 28-3-2012 về phát triển kinh tế - xã hội các thôn, buôn, cụm dân cư đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của UBND TP. Buôn Ma Thuột, đến nay, bộ mặt nhiều thôn, buôn trên địa bàn thành phố đã có nhiều khởi sắc, đời sống nhân dân ngày càng phát triển.
Những con đường ở buôn Tuôr (xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) đã được bê tông hóa. |
Dù chỉ nằm cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột hơn 10 km, thế nhưng những năm trước đây, đời sống người dân ở các thôn, buôn đồng bào DTTS trên địa bàn xã Hòa Phú hết sức khó khăn. Trong đó, cuộc sống các hộ nghèo càng vất vả hơn khi không có đất rẫy sản xuất hay thiếu nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế. Từ khi UBND TP. Buôn Ma Thuột triển khai Kế hoạch số 39 (từ năm 2013 - 2015), nhiều hộ dân ở 2 buôn M’rê, Tuôr và thôn 1, thôn 9 đã có nguồn thu nhập ổn định nhờ được hỗ trợ vốn đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi.
Đơn cử như hộ anh Hoàng Văn Phước (thôn 1), do cuộc sống của cả nhà chỉ trông chờ vào việc làm thuê trong khi hai đứa con đều bị bệnh tim nên kinh tế gia đình luôn trong cảnh thiếu trước, hụt sau. Ước mơ có một số vốn nho nhỏ để đầu tư vào chăn nuôi nhưng mãi chẳng thực hiện được. Đến năm 2015, khi UBND thành phố hỗ trợ 17 triệu đồng, vợ chồng anh đã vay mượn thêm bà con, hàng xóm đủ mua một cặp bò mẹ con để phát triển kinh tế. Hai vợ chồng cần cù, chịu khó làm lụng, ngoài những lúc đi làm thuê lại tranh thủ đi cắt cỏ nuôi bò, nên sau gần 5 năm, đàn bò đã tăng lên 5 con. Đàn bò trở thành tài sản lớn nhất, đó cũng là động lực để vợ chồng anh tiếp tục phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế, hiện nay gia đình anh đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã.
Đàn bò của gia đình anh Hoàng Văn Phước (thôn 1, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) được chăm sóc phát triển tốt. |
Theo bà Lương Thị Phước, Trưởng thôn 1, khi Kế hoạch số 39 được triển khai, trong thôn có 15 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo được hỗ trợ phát triển kinh tế (17 triệu đồng/hộ). Nhờ chương trình hỗ trợ, nhiều hộ kinh tế đã tương đối ổn định, từ chăn nuôi bò và vươn lên thoát nghèo bền vững. Hiện nay, thôn có 300 hộ dân nhưng chỉ còn 9 hộ nghèo.
Ông Từ Văn Hợi, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho biết: “Những năm qua, nhờ sự hỗ trợ của các cấp, ban, ngành, nhất là Kế hoạch số 39 của UBND TP. Buôn Ma Thuột đã tạo sinh kế giúp nhiều hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống. Cụ thể, tổng số tiền địa phương được hỗ trợ là 1 tỷ đồng; trong đó, 895 triệu đồng mua 53 con bò và 2.000 cây cao su để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, 105 triệu đồng đầu tư cho thiết chế văn hóa”.
|
Hầu hết các hộ chăn nuôi sau khi được hỗ trợ bò đều được tập huấn kiến thức chăm sóc nên đàn bò phát triển tốt. Qua đó, các hộ dân khác ở trong thôn, buôn thấy hiệu quả cũng tự bỏ vốn để phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập. Kết thúc thời gian ưu đãi, người dân đã chấp hành nghiêm túc việc hoàn trả một phần vốn theo quy định. Cụ thể, đến nay có 32 hộ đã hoàn trả vốn với số tiền trên 200 triệu đồng để chuyển sang hỗ trợ cho 13 hộ khác đầu tư chăn nuôi bò (mỗi hộ 15 triệu đồng)…
Tương tự, ở xã Hòa Thắng, Kế hoạch số 39 đã hỗ trợ cho 100 hộ đồng bào DTTS trên địa bàn xã được vay vốn để phát triển chăn nuôi với tổng kinh phí gần 1,4 tỷ đồng. Đến nay, hầu hết các mô hình phát triển sản xuất, chăn nuôi đều mang lại hiệu quả cao. Sau thời hạn cho vay vốn, địa phương cũng đã tiến hành thu hồi số vốn theo quy định để tiếp tục chuyển sang cho các hộ khác tiếp tục vay phát triển kinh tế. Điều đáng mừng khi triển khai thực hiện chương trình là ý thức của người dân dần thay đổi, không còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách ưu tiên của nhà nước mà đã hăng hái, tích cực phát triển sản xuất, tham gia đóng góp xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới ở địa phương.
Có thể nói, sự hỗ trợ của chính quyền thành phố và các ban, ngành, địa phương chỉ là một phần nhỏ nhưng nó đã tạo cơ hội, tiếp thêm nghị lực, củng cố niềm tin và ý chí để người dân vùng đồng bào DTTS trên địa bàn mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng buôn làng ngày càng giàu đẹp, ấm no, hạnh phúc. Theo Phòng Dân tộc thành phố, việc phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt theo Kế hoạch số 39 đã mang lại hiệu quả nhất định, tạo đà cho bà con DTTS phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố từ 5,46% vào năm 2011, đến cuối năm 2017 giảm xuống còn 1,18%; trong đó hộ đồng bào DTTS chiếm khoảng 43%.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc