Lời Bác dạy cán bộ những ngày đầu lập nước: Bài học còn nguyên giá trị
09:19, 25/08/2018
Sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, chính quyền cách mạng được thiết lập trong cả nước. Ở một số địa phương, do cán bộ chưa quán triệt đầy đủ chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng ta và Hồ Chủ tịch nên đã gây ra những ảnh hưởng nhất định đến sự đoàn kết và cuộc sống của nhân dân.
Chỉ 15 ngày sau khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nắm bắt được một số thông tin về vấn đề nêu trên. Ngay lập tức, Người đã có những ý kiến cụ thể. Trong “Thư gửi cho các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An” ngày 17-9-1945, Người chỉ rõ “những khuyết điểm to nhất” như sau: Thứ nhất là “Khuynh hướng chật hẹp và bao biện”, cứ “việc gì cũng do người Việt Minh làm, không biết đem những người có danh vọng hoặc có tài cán ở địa phương vào giúp việc”. Thứ hai là “Lạm dụng hình phạt”. Người nghiêm khắc chỉ dạy: “Những đứa phản quốc có chứng cớ rõ ràng phải trừng trị đã đành. Nhưng chúng ta không nên đào bới những chuyện cũ ra làm án mới. Đối với những người không nguy hiểm lắm thì nên dùng chính sách cảm hóa, khoan dung, không nên bắt bớ lung tung, không nên tịch thu vô lý, làm cho dân kinh khủng”. Thứ ba là “Kỷ luật không đủ nghiêm”. Kỷ luật không nghiêm nên “để cho bọn giả mạo tiếng Chính phủ hoặc tên Việt Minh ức hiếp dân, xoáy tiền dân, lấy đồ đạc của dân, làm cho dân oán”.
Trong thư, Người nêu gương những cán bộ có lòng trung thành với nhiệm vụ, “cúc cung tận tụy” phục vụ nhân dân nhưng Người cũng vạch rõ “cũng có người hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là độc hành độc đoán, hoặc là dĩ công dinh tư. Thậm chí là dùng pháp công để báo thù tư, làm cho dân oán đến Chính phủ và đoàn thể”. Những khuyết điểm đó, “nhỏ thì làm cho dân chúng hoang mang, lớn thì làm cho nền đoàn kết lay động”. Chính vì thế mà Người chỉ thị: “Chúng ta phải lập tức sửa đổi ngay. Chúng ta không sợ có khuyết điểm…” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, tr.19). Đó chính là tư tưởng lớn, là đạo đức sáng ngời của Người. Theo Người thì trong bất cứ hoàn cảnh nào, điều kiện nào, người cán bộ cũng phải có lòng khoan dung, độ lượng để giúp con người nảy nở phần thiện, đẩy lùi phần ác, ngay cả đối với những người lầm đường lạc lối, nghe theo sự lừa phỉnh của kẻ thù bởi “có thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn vẻ vang” (Hồ Chí Minh toàn tập - t4).
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh tư liệu). |
Một tháng sau, ngày 17-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại có “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” trong cả nước. Trong thư, Bác lại tiếp tục chỉ ra 5 lỗi lầm nặng nề mà cán bộ ta hay mặc phải :
1. Cậy thế: Cậy thế mình ở trong ban này nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân.
2. Hủ hóa: Ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn, thử hỏi tiền bạc ấy ở đâu ra? Thậm chí lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức. Ông ủy viên đi xe hơi, rồi bà ủy viên, cho đến các cô các cậu ủy viên, cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó ai phải chịu?
3. Tư túng: Kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài năng gì cũng kéo vào chức này chức nọ. Người có tài có đức nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng việc là việc công, chứ không phải việc riêng gì dòng họ của ai.
4. Chia rẽ: Bênh vực lớp này, chống lại lớp khác, không biết làm cho các từng lớp nhân nhượng lẫn nhau, hòa thuận với nhau. Thậm chí có đôi nơi để đất ruộng bỏ hoang, nông gia ta thán. Quên rằng lúc này ta phải toàn dân đoàn kết, không chia già trẻ, giàu nghèo để giữ nền độc lập, chống kẻ thù chung.
5. Kiêu ngạo: Tưởng mình ở trong cơ quan Chính phủ là thần thánh rồi. Coi khinh dân gian, nói phô, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt "quan cách mạng" lên. Không biết rằng thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất lòng tin cậy của dân, sẽ hại đến oai tín của Chính phủ (Hồ Chí Minh toàn tập -T4, tr 36-37).
73 năm đã trôi qua, lời Bác cảnh báo cán bộ ta ngày nào vẫn còn nguyên giá trị thời sự sâu sắc. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, chúng ta nhớ đến những lời của Bác đã từng răn dạy, cảnh báo tức là chúng ta đang xây cho mình điểm tựa để tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nguyễn Thị Thọ
Ý kiến bạn đọc