Multimedia Đọc Báo in

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh làm việc tại tỉnh

14:31, 20/09/2018

Sáng 20-9, Đoàn công tác của Bộ Công thương do đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động của ngành Công thương tỉnh 9 tháng đầu năm 2018, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới.

Tiếp và làm việc với Đoàn có các đồng chí: Êban Y Phu, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Ngọc Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

1
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh H.Gia

Theo báo cáo của UBND tỉnh, 9 tháng đầu năm 2018, hầu hết các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản phẩm xã hội ước thực hiện khoảng 31.656 tỷ đồng, bằng 61,49% (tăng 6,51%). Huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 18.767 tỷ đồng (tăng 14,3%). Thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 4.326 tỷ đồng (tăng 21,8%). An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản đảm bảo…

Về tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại 9 tháng đầu năm thực hiện 8.720 tỷ đồng (đạt 58% kế hoạch và tăng 20,28% so với cùng kỳ năm trước). Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu ước thực hiện 49.500 tỷ đồng (tăng 4,3%). Kim ngạch xuất khẩu ước 450 triệu USD (giảm 2,6%); kim ngạch nhập khẩu 71 triệu USD (tăng 81%); có 665 doanh nghiệp đăng ký mới (tăng 3,1%)…

2
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn phát biểu ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: H.Gia

Tại buổi làm việc, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đề nghị Bộ Công thương tạo điều kiện, giới thiệu xúc tiến các nhà đầu tư có năng lực vào Đắk Lắk đầu tư, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến nông, lâm sản; ưu tiên các dự án thu hút được nhiều lao động, các ngành công nghiệp phụ trợ để chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương; kiến nghị với Chính phủ cho tỉnh được gia hạn hưởng chính sách giá (9,35 cent/kwh) đối với các dự án năng lượng tái tạo đến hết năm 2020; sớm phê duyệt Quy hoạch điện mặt trời đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; bố trí vốn để tiếp tục triển khai dự án cấp điện nông thôn giai đoạn 2016-2020-EU; quan tâm hỗ trợ kinh phí từ nguồn xúc tiến thương mại quốc gia năm 2019 để tỉnh tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ VII năm 2019…

3
Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Phan Văn Chinh trao đổi về một số đề xuất của tỉnh với Bộ Công thương. Ảnh: H. Gia

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành Công thương nói riêng của tỉnh trong 9 tháng đầu năm 2018. Bộ trưởng ghi nhận các đề xuất của tỉnh; yêu cầu các Vụ, Cục thuộc Bộ tùy theo chức năng, nhiệm vụ nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động phối hợp với tỉnh Đắk Lắk để giúp địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, từ đó “đánh thức” tiềm năng, lợi thế về công nghiệp (nhất là chế biến nông, lâm sản), năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân. Về phía tỉnh Đắk Lắk, cần tiến hành đánh giá tiềm năng, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh… nhằm thu hút nhiều nhà đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng để phát triển bền vững.

4
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trao biểu trưng tặng 500 triệu đồng ủng hộ các hộ nghèo, khó khăn cho lãnh đạo tỉnh. Ảnh: H.Gia

Nhân chuyến làm việc, Bộ Công thương đã ủng hộ các hộ gia đình nghèo, khó khăn của tỉnh 500 triệu đồng.

Nguyên Hoa

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.