Multimedia Đọc Báo in

Krông Bông đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước

08:36, 22/10/2018

Để góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hướng tới xây dựng chính quyền điện tử, thời gian qua, huyện Krông Bông đã tập trung thực hiện đồng bộ các chương trình phát triển ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn.

Anh Vũ Văn Hùng (thôn 1, xã Yang Reh) đến Bộ phận một cửa UBND xã đăng ký khai sinh cho con gái đầu lòng. Sau khi nộp đầy đủ giấy tờ thủ tục liên quan, cán bộ Tư pháp xã nhập dữ liệu với các thao tác đơn giản trên hệ thống máy tính kết nối mạng, chưa đầy 5 phút, tất cả các thông tin cần thiết cấp khai sinh cho con anh đã hoàn tất. Vài phút sau, anh Hùng đã nhận được kết quả khai sinh mà không phải tốn nhiều thời gian chờ đợi như trước. Tương tự, chị Trần Thị Thu Hoài ở thôn 3 kể, chị có con bị khuyết tật nên lên UBND xã làm thủ tục chuyển giấy chứng nhận từ khuyết tật qua khuyết tật đặc biệt. Mặc dù thời gian nhà nước quy định để xử lý trường hợp này là 45 ngày, nhưng chỉ 20 ngày sau chị đã nhận được giấy chứng nhận như mong muốn. Đó là nhờ UBND xã đã ứng dụng Hệ thống dịch vụ hành chính công trực tuyến tích hợp một cửa điện tử liên thông (iGate).

Chị Phạm Thị Mỹ Huệ, cán bộ Bộ phận một cửa xã Yang Reh (huyện Krông Bông)  thao tác trên hệ thống iGate.
Chị Phạm Thị Mỹ Huệ, cán bộ Bộ phận một cửa xã Yang Reh (huyện Krông Bông) thao tác trên hệ thống iGate.

Bí thư Đảng ủy xã Yang Reh Nguyễn Thị Thanh Tâm cho biết, mặc dù là xã vùng 3 còn nhiều khó khăn nhưng từ năm 2010, cán bộ công chức xã Yang Reh đã dần được trang bị máy vi tính phục vụ công việc. Đến nay, 100% cán bộ xã đã sử dụng thành thạo máy tính, hòm thư điện tử, các phần mềm lưu trữ số liệu… 2 năm trở lại đây, thực hiện chỉ đạo của tỉnh và huyện, xã đã ứng dụng có hiệu quả các phần mềm kế toán, quản lý hộ tịch trong công tác quản lý tài chính, quản lý công dân, được ghi nhận và đánh giá cao. Chị Phạm Thị Mỹ Huệ, cán bộ tại Bộ phận một cửa UBND xã Yang Reh chia sẻ thêm: "Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào lưu trữ hồ sơ, quản lý phần mềm hộ tịch, kế toán… đã tạo điều kiện thuận lợi cho cả cán bộ và người dân, giảm thời gian đi lại và các chi phí không cần thiết. Nếu như trước đây văn bản chỉ đạo từ huyện đưa xuống xã hay báo cáo từ xã gửi lên huyện phải mất cả ngày thì nay chỉ một cái nhấp chuột là văn bản đã được gửi đến nơi”.

Không chỉ Yang Reh mà hầu hết các đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện Krông Bông đều đã triển khai sử dụng tốt hệ thống iGate, cho phép quản lý, theo dõi tình trạng tiếp nhận, xử lý hồ sơ của người dân tại UBND cấp xã, nhằm chuẩn hóa, thống nhất về quy trình, thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ cũng như thống kê tình hình xử lý hồ sơ một cách thuận tiện, nhanh chóng, tránh tình trạng “ngâm”, thất lạc hồ sơ. Ông Phạm Đình Tấn, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Ứng dụng CNTT huyện cho biết, nhiều năm nay huyện Krông Bông đã luôn quan tâm ứng dụng CNTT vào công tác chuyên môn và chỉ đạo điều hành, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên địa bàn. Hằng năm huyện đều dành một phần kinh phí để trang bị, bổ sung mua máy tính và các thiết bị phụ trợ cho các phòng, ban, xã, thị trấn; tăng cường đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ, công chức cấp xã nhằm nâng cao trình độ, từng bước chuyển đổi phương thức làm việc truyền thống sang ứng dụng CNTT trong công việc.

Anh Vũ Văn Hùng ở thôn 1, xã Yang Reh đến làm thủ tục tại Bộ phận một cửa UBND xã Yang Reh, huyện Krông Bông.
Anh Vũ Văn Hùng ở thôn 1, xã Yang Reh đến làm thủ tục tại Bộ phận một cửa UBND xã Yang Reh, huyện Krông Bông.

Theo ông Phạm Đình Tấn, hiện nay 100% cơ quan, đơn vị trên địa bàn có mạng nội bộ, hầu hết cán bộ, công chức làm việc trên máy tính, trao đổi thông tin qua thư điện tử và khai thác hiệu quả Internet. Năm 2017, huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai hệ thống một cửa điện tử liên thông, đến nay đang từng bước cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 1, 2, 3. Tỷ lệ máy tính kết nối Internet băng thông rộng đạt 96,3%... Bên cạnh đó, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của huyện cũng đã được đưa vào hoạt động, góp phần rút ngắn thời gian di chuyển, tiết kiệm chi phí tổ chức. Trang thông tin điện tử huyện cũng đã trở thành kênh thông tin quan trọng để người dân, doanh nghiệp và các tổ chức khác có thể tìm kiếm thông tin, theo dõi, giám sát, góp phần minh bạch hóa hoạt động của cơ quan nhà nước.

  Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.