Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Lắk năm 2019:

Tiềm năng của Đắk Lắk - Cơ hội của doanh nghiệp

16:24, 10/03/2019

Sáng 10-3, tỉnh Đắk Lắk phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2019 với chủ đề "Tiềm năng của Đắk Lắk - Cơ hội của doanh nghiệp"

Các đồng chí: Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn; Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương; Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Êban Y Phu, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì Hội nghị. Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện các cơ quan ngoại giao, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước, các vị khách quốc tế; lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk và một số tỉnh bạn; các doanh nghiệp…

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị phát biểu khai mạc Hội nghị.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: H.Gia

Nằm ở khu vực trung tâm vùng Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk có diện tích tự nhiên hơn 13.000 km2, trong đó gần 40% là đất bazan màu mỡ, khí hậu ôn hòa phù hợp với các loại cây công nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp chế biến, du lịch sinh thái, năng lượng tái tạo…  Được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh vừa phê duyệt Đồ án quy hoạch phân khu 1/2000 Khu công nghiệp Phú Xuân (huyện Cư M’gar) với quy mô gần 340 ha, ưu tiên thu hút các dự án chế biến nông lâm, thực phẩm áp dụng công nghệ cao, không gây ô nhiễm môi trường gắn với việc thúc đẩy phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao ở địa phương.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: H.Gia

Xác định môi trường đầu tư là yếu tố hàng đầu, những năm gần đây tỉnh Đắk Lắk đã triển khai nhiều hành động cụ thể, quyết liệt cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư; công khai, minh bạch thông tin đến nhà đầu tư; cập nhật đầy đủ hệ thống quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Các đại biểu phát biểu tham luận tại Hội nghị. Ảnh: H.Gia
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: H.Gia

Tại hội nghị, qua những phát biểu đầy tâm huyết của một số “tư lệnh ngành” đã nêu bật tiềm năng, cơ hội và thách thức của tỉnh Đắk Lắk trong công tác xúc tiến đầu tư, phát triển năng lượng tái tạo, tái cơ cấu nông nghiệp và chế biến nông lâm sản. Đặc biệt là các tham luận của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, các nhà đầu tư trong và ngoài nước một lần nữa khẳng định tiềm năng, thế mạnh và dự báo khả quan về sự phát triển của tỉnh Đắk Lắk trong bối cảnh hội nhập.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: H.Gia
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: H.Gia

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thời gian qua. Tuy nhiên, Đắk Lắk hiện vẫn là tỉnh khó khăn, đặc biệt đang đứng trước thách thức lớn về biến đổi khí hậu. Vì vậy, Chính phủ mong muốn, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục đổi mới tư duy, cùng với một tầm nhìn mới và trên hết nhiệt huyết vươn lên phải được lan tỏa tạo nguồn sinh khí mới, bứt phá, đổi mới, sáng tạo, tạo xung lực mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, dứt khoát không để tụt hậu so với cả nước.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh: “Không có một kế hoạch chiến lược nào thành công nếu thiếu đi khát vọng, nỗ lực hành động của các nhà lãnh đạo các cấp, doanh nghiệp, nhà đầu tư, sự đồng tình ủng hộ và tham gia tích cực của người dân. Chính vì vậy Đắk Lắk cần rà soát lại định hướng, tầm nhìn cũng như chỉ đạo công việc cụ thể về chính sách và các hành động phát triển đồng bộ, tạo ra sức bứt phá mạnh mẽ, hiệu quả, phấn đấu để Đắk Lắk sẽ trở thành một tỉnh phát triển mới”.

Lãnh đạo UBND tỉnh ký kết Ảnh: H.Gia
Lãnh đạo UBND tỉnh ký kết chương trình hợp tác và biên bản ghi nhớ với các  bộ, ngành. Ảnh: H.Gia

Để sớm đạt được mục tiêu này, ngoài tập trung chỉ đạo các bộ, ngành hoàn thiện thể chế pháp luật, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới, sáng tạo, khuyến khích khởi nghiệp, Chính phủ tiếp tục phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho các địa phương có những cơ chế, chính sách phù hợp, đặc thù để vùng Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng phát huy tối đa mọi nguồn lực, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tranh thủ có hiệu quả sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng đối tác, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Bí thư Tỉnh ủy  Êban Y Phu và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị trao Ảnh: H.Gia
Bí thư Tỉnh ủy Êban Y Phu và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư. Ảnh: H.Gia

Tại hội nghị, UBND tỉnh đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư cho 13 dự án với tổng số vốn đăng ký hơn 14 nghìn tỷ đồng; trao 19 biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với tổng giá trị cam kết trên 57 nghìn tỷ đồng; ký kết 3 chương trình hợp tác và biên bản ghi nhớ với các bộ: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư. Đây là tiền đề quan trọng, tạo sự chuyển biến và khởi sắc về đầu tư tại Đắk Lắk trong thời gian tới.

 Nguyên Hoa

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.