Multimedia Đọc Báo in

"Dân vận khéo" ở xã vùng sâu Cư Pui

08:44, 04/04/2019

Thời gian qua, nhờ làm tốt công tác dân vận, xã Cư Pui (huyện Krông Bông) đã vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của, hiến đất, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần làm thay đổi diện mạo của địa phương.

Xã Cư Pui là vùng căn cứ cách mạng, có 14 dân tộc anh em cùng chung sống, dân số 13.607 người, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 85,3%, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số di cư ngoài kế hoạch chiếm trên 63%, đời sống người dân còn nhiều khó khăn.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, để khơi dậy sức mạnh của cộng đồng, xã Cư Pui đã tích cực tuyên truyền cho người dân nắm được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới, qua đó tạo được sự đồng thuận cao. Từ năm 2014 đến 2018, người dân đã tự nguyện đóng góp gần 2,9 tỷ đồng, hơn 3.900 ngày công, hiến 34.763 m2 đất, phá bỏ 897 cây cà phê và 11.000 m2 cây hoa màu khác để làm đường giao thông, trường học.  Đến nay, trên địa bàn xã đã có hơn 13 km đường giao thông nông thôn được bê tông hóa và cứng hóa, tạo điều kiện cho việc đi lại sản xuất và sinh hoạt thuận lợi. Đặc biệt, sau khi điểm trường Ea Hlang - Trường Tiểu học Cư Pui 2 được đưa vào sử dụng, nhân dân các thôn vùng dân di cư ngoài kế hoạch trong khu vực đã tự nguyện đóng góp 30 triệu đồng và ngày công, cùng với sự hỗ trợ của ngân sách xã 60 triệu đồng làm sân trường, tạo cảnh quan sạch đẹp...

Người dân góp sức làm sân trường học.
Người dân góp sức làm sân trường học.

Mặc dù là một xã có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 46,48%, hộ cận nghèo chiếm 26,74%, nhưng với phương châm “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”, người dân - trong đó kể cả hộ nghèo đã sẵn sàng đóng góp tự nguyện được 184,425 triệu đồng Quỹ Vì người nghèo ủng hộ các tỉnh bị thiên tai bão lụt trên 23 triệu đồng, hỗ trợ xây dựng 3 nhà Đại đoàn kết và 147 nhà theo Quyết định 167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Bà Ngô Thị Hợi, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Cư Pui cho biết: Cư Pui là một trong những xã nghèo của huyện. Để người dân thấy rõ được quyền lợi và trách nhiệm của mình, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, Mặt trận Tổ quốc xã và các tổ chức thành viên thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền đến từng thôn, buôn vận động người dân. Khi đã thông suốt, người dân đồng tình ủng hộ, đóng góp tiền bạc, công sức, đặc biệt là việc hiến đất không đòi đền bù để làm những công trình, phần việc; góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới…

Người dân thôn Ea Hlang góp công và kinh phí làm sân điểm trường Ea Hlang - Trường Tiểu học Cư Pui 2.
Người dân thôn Ea Hlang góp công và kinh phí làm sân điểm trường Ea Hlang - Trường Tiểu học Cư Pui 2.

Không chỉ “khéo” trong việc vận động đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng, mà trong việc giúp nhau phát triển kinh tế, tăng thu nhập, ổn định đời sống người dân cũng được chú trọng. Trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế có thu nhập ổn định như: trồng cây cà phê, cao su tiểu điền, trồng dâu nuôi tằm, nuôi bò vỗ béo… Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp, tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và bước đầu mang lại hiệu quả. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 13 triệu đồng/năm.

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.