Multimedia Đọc Báo in

Kỳ họp thứ Tám, HĐND tỉnh khóa IX: Tập trung chất vấn về các vấn đề dân sinh

22:46, 10/07/2019
Chiều 10-7, Kỳ họp thứ Tám, HĐND tỉnh khoá IX bước vào nội dung chất vấn và trả lời chất vấn dưới sự chủ trì của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Y Biêr Niê. Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh và các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Nội vụ và Ban Dân tộc tỉnh đã trả lời nhiều vấn đề đang được đại biểu và cử tri quan tâm. 
 
Đại biểu Nguyễn Thiên Văn (Tổ đại biểu huyện Ea H’leo) chất vấn về việc Ngân hàng Agribank – Chi nhánh huyện Ea Súp không chấp nhận hợp đồng thế chấp Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất do UBND cấp xã chứng thực mà yêu cầu người dân phải công chứng tại Văn phòng công chứng Văn Đình Tùng mới được vay vốn. Trả lời chất vấn, Phó Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nguyễn Kim Cương khẳng định, Ngân hàng Nhà nước tỉnh và Ngân hàng Agribank Việt Nam không có quy định hoặc chỉ đạo việc thực hiện công chứng, chứng thực đối với các hợp đồng thế chấp nhà ở, Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất mà những quy định này được thực hiện theo Luật Nhà ở năm 2014 và Luật đất đai 2013. 
 
Đại biểu Nguyễn Thiên Văn (Tổ đại biểu huyện Ea H’leo) chất vấn
Đại biểu Nguyễn Thiên Văn (Tổ đại biểu huyện Ea H’leo) chất vấn tại phiên làm việc. Ảnh: Hoàng Gia
Theo đó, hiện nay pháp luật không có quy định việc công chứng hoặc chứng thực trên bản thế chấp Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thì cái nào có giá trị pháp lý cao hơn cho nên ngưòi dân có thể lựa chọn một trong hai hình thức này khi thực hiện công tác xác thực giao dịch thế chấp. Do đó, trong thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh sẽ chỉ đạo đơn vị cấp trên của Ngân hàng Agribank – Chi nhánh huyện Ea Súp là Chi nhánh Ngân hàng Bắc Đắk Lắk tiến hành chấn chỉnh kịp thời để hướng dẫn khách hàng lựa chọn hình thức công chức hoặc chứng thực nhằm đảm bảo chi phí, lợi ích cho người dân. 
 
Trả lời chất vấn của đại biểu Buôn Krông Tuyết Nhung (Tổ đại biểu huyện Ea H’leo) về tiêu chí lựa chọn tham gia nhóm quản lý rừng trên địa bàn các thôn, buôn, Giám đốc Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoài Dương cho biết, hiện nay không có quy định, tiêu chí hay giới hạn về việc giao quản lý rừng cho nhóm quản lý trên địa bàn thôn, buôn mà tất cả người dân sống tại địa phương có nhu cầu được giao rừng, nhận khoán bảo vệ rừng đều có thể nhận giao khoán bảo vệ, phát triển rừng theo đúng trình tự quy định tại Nghị định 156/2018/NĐ-CP, ngày 16-11-2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; Nghị định số 75/2015/NĐ-CP, ngày 9-9-2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020 .  
 
Đối với nội dung chất vấn của đại biểu Bùi Văn Bang (Tổ đại biểu huyện Krông Bông) về hiệu quả của việc ứng dụng thực tế các đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất, đời sống của nguời dân đã được nghiệm thu trong thời gian qua, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đinh Khắc Tuấn cho biết, kinh phí bố trí cho việc nghiên cứu khoa học từ 9-10 tỷ đồng/năm. Hằng năm tỉnh nghiệm thu khoảng 10-14 dự án, đề tài khoa học cấp tỉnh. Theo thống kê, số kết quả đề tài được ứng dụng vào đời sống sản xuất sản xuất trên địa bàn tỉnh đạt trên 75%.
 
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đinh Khắc Tuấn trả lời chất vấn của đại biểu. Ảnh: Hoàng Gia
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đinh Khắc Tuấn trả lời chất vấn của đại biểu. Ảnh: Hoàng Gia
Riêng trong năm 2018, tỉnh đã nghiệm thu được 14 đề tài, trong đó có 11 đề tài được các địa phương ứng dụng trực tiếp vào phát triển sản xuất và đời sống, qua đó mang lại hiệu quả thiết thực, điển hình như: nghiên cứu, ứng dụng, tạo các giống lúa mới có triển vọng về năng suất, chất lượng; phát triển chỉ dẫn địa lý giúp các hộ dân liên kết với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm cà phê mang chỉ dẫn địa lý Cà phê Buôn Ma Thuột; chuyển giao công nghệ thụ tinh nhân tạo, cải tạo đàn bò lai; công nghệ sấy, đông lạnh và bảo quản bơ bằng màng bao dược liệu…
 
Ngoài ra, tại phiên làm việc, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh và các Sở, ngành liên quan cũng đã giải trình, trả lời chất vấn các vấn đề mà cử tri quan tâm như: việc giải tỏa, đền bù cho các hộ gia đình trong khu dự án Bảo tàng Cà phê Trung Nguyên; tiến độ và nguồn lực để triển khai các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn; việc sắp xếp, bố trí cán bộ không chuyên trách đội ngũ Bí thư, Phó Bí thư các chi bộ dôi dư…
 
Kết thúc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Y Biêr Niê ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh và các Sở, ban, ngành có liên quan nghiêm túc tiếp thu, giải quyết và kiểm tra việc giải quyết các vấn đề chất vấn của đại biểu. Các Ban của HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh chú trọng giám sát việc thực hiện những nội dung chất vấn để hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND đạt chất lượng, hiệu quả cao.
 
Lan Anh
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.