Multimedia Đọc Báo in

Phát huy vai trò đảng viên trẻ

08:54, 22/08/2019

Xác định công tác tạo nguồn, bồi dưỡng đoàn viên ưu tú để giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp là nhiệm vụ trọng tâm, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn tỉnh đã chú trọng tạo môi trường thuận lợi cho đoàn viên thanh niên (ĐVTN) rèn luyện, cống hiến, trưởng thành. Tuy nhiên, để công tác phát triển Đảng trong ĐVTN thực sự đạt chất lượng theo yêu cầu đề ra đòi hỏi sự quan tâm, nỗ lực từ nhiều phía.

Được tổ chức Đoàn tin tưởng, dìu dắt, tạo điều kiện phấn đấu, trưởng thành để vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng, nhiều đảng viên trẻ đã không ngừng cố gắng, nỗ lực thể hiện mình, bảo đảm tính kế thừa, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn tỉnh đã giới thiệu cho Đảng 8.346 đoàn viên ưu tú, trong đó có 3.516 đoàn viên vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Theo Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Y Lê Pas Tơr, việc giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp được tiến hành chặt chẽ, bảo đảm quy trình. Các đảng viên trẻ đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và tham gia công tác xã hội.

 

“Hầu hết các đoàn viên ưu tú sau khi được kết nạp vào Đảng đã phát huy tốt vai trò, vị trí trên lĩnh vực công tác, luôn gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế, tham gia hoạt động xã hội, tạo được uy tín với cấp ủy đảng. Nhiều đảng viên trẻ đã được đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và bố trí giữ chức vụ chủ chốt trong hệ thống chính trị cơ sở, tham gia cấp ủy và HĐND các cấp”.

 

 
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn

Một tấm gương đảng viên trẻ điển hình có thể kể đến là chị Ngô Thị Thân (SN 1992), cán bộ văn hóa xã hội xã Bình Thuận (thị xã Buôn Hồ). Năm 2013, chị Thân vinh dự được kết nạp Đảng khi mới 21 tuổi. Phát huy vai trò, trách nhiệm và sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, chị Thân đã cùng các ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, thi đua phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, chị Thân còn chịu khó tìm tòi, học hỏi để phát triển kinh tế gia đình từ nghề thu mua, sơ chế tinh bột nghệ. Tháng 4-2018, chị Thân mạnh dạn đứng ra thành lập Hợp tác xã Tinh bột Ngô Thân với 7 thành viên. Hợp tác xã đã liên kết với 15 hộ trồng nghệ ở xã Bình Thuận và thu mua thêm nghệ ở các xã Ea Đrông, Ea Blang, phường An Lạc (thị xã Buôn Hồ) nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu sản xuất. Sự ra đời của Hợp tác xã Tinh bột Ngô Thân đã tạo việc làm cho nhiều lao động và góp phần giải quyết đầu ra cho các hộ trồng nghệ ở địa phương.

Đảng viên trẻ Ngô Thị Thân, Giám đốc Hợp tác xã Tinh bột Ngô Thân (bên phải) giới thiệu về quy trình sản xuất,  chế biến tinh bột nghệ.
Đảng viên trẻ Ngô Thị Thân, Giám đốc Hợp tác xã Tinh bột Ngô Thân (bên phải) giới thiệu về quy trình sản xuất, chế biến tinh bột nghệ.

Ngoài chị Ngô Thị Thân, còn có rất nhiều đảng viên trẻ trưởng thành từ ĐVTN đã phát huy được vai trò, vị trí của mình trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chẳng hạn như: anh Trịnh Ngọc Hoàng, Bí thư Đoàn cơ sở Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Chi nhánh Đắk Lắk, Giám đốc Phòng giao dịch Ea Kar; anh Vũ Đình Tân, Bí thư Đoàn Viện KSND tỉnh; anh Y Linh Niê, Bí thư Chi đoàn thôn 4, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar; chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc, Phó Bí thư Đoàn Trường THPT Ngô Gia Tự, huyện Ea Kar…

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.