Multimedia Đọc Báo in

Sức sống vững bền của Tuyên ngôn Độc lập

07:53, 02/09/2019

Thành quả lớn nhất của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chính là sáng lập một nhà nước kiểu mới - nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2-9-1945 đã khắc ghi vào tâm khảm mỗi người con đất Việt.

Tuyên ngôn Độc lập là văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên tuyên bố khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Lần đầu tiên trong lịch sử, một nhà nước công nông ra đời, gắn bó mật thiết với nhân dân, hướng lên tầm cao mới trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Sự ra đời của nhà nước dân chủ nhân dân ở Việt Nam không những là bước nhảy vọt vĩ đại trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam mà còn có tác dụng to lớn, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc bị áp bức chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc trên phạm vi toàn thế giới, của các phong trào giải phóng dân tộc, phong trào cộng sản quốc tế trong thế kỷ 20. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào mà giai cấp lao động và các dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào”[1].

Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945.   Ảnh tư liệu
Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945. Ảnh tư liệu

Ra đời vào giữa thế kỷ 20, bản Tuyên ngôn Độc lập của Nhà nước cách mạng Việt Nam không lấy điểm tựa “thần quyền” và “thiên thư” như Nam Quốc sơn hà, cũng không thể dựa vào “quân quyền”, lực lượng “thay trời hành hóa” như trong Bình Ngô đại cáo mà căn cứ vào nhân quyền, pháp quyền đã được chính các nước đồng minh thừa nhận. Bản Tuyên ngôn Độc lập khẳng định quyền tự nhiên của con người là quyền được hưởng tự do, bình đẳng. Mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn hai đoạn văn bất hủ trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1789. Qua đó, Người gián tiếp khẳng định rằng: Cách mạng Việt Nam là sự kế tục dòng chảy văn minh chính trị của nhân loại, là sự tiếp nối cuộc đấu tranh vì mục tiêu giải phóng con người.

Người đặt cách mạng Việt Nam vào vị thế ngang hàng với các cuộc cách mạng vĩ đại của thế giới và tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho quyền độc lập dân tộc của Việt Nam cũng như cho chính quyền cách mạng non trẻ vừa mới ra đời. Sau câu trích từ các bản tuyên ngôn trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”[2]. Nếu so sánh với đoạn văn được trích dẫn từ Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ thì có thể nhận thấy một cụm từ khác nhau “Tất cả mọi người” được thay bằng “Tất cả các dân tộc” và “dân tộc nào cũng có quyền”, như vậy từ quyền của tất cả mọi người, quyền của từng cá thể được nhìn nhận ở mức độ cao hơn và khái quát hơn, đó là quyền của các dân tộc trên thế giới.

Rõ ràng, nhận thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền bình đẳng của các dân tộc được đúc kết từ tấm lòng thiết tha với vận mệnh của dân tộc Việt Nam và từ sự thể nghiệm qua cuộc hành trình thế giới trước tình cảnh nhiều dân tộc châu Á, Phi, Mỹ latinh vẫn đang bị nô dịch. Cho nên, sự  “Suy rộng ra…” của Người mang tính nhân văn cao cả, có ý nghĩa quốc tế, đã mở rộng khái niệm và nâng tầm nhìn về quyền tự nhiên cùng đối tượng được hưởng quyền tự nhiên ấy. Sau khi tố cáo chế độ cai trị tàn bạo của thực dân Pháp, phát xít Nhật và nền quân chủ phong kiến; công bố việc giành chính quyền lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ lâm thời trịnh trọng tuyên bố “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Chỉ trong một đoạn văn ngắn, đã ba lần Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến “tự do, độc lập” với ba ý nghĩa nối tiếp nhằm thể hiện khát khao tự do, khát khao độc lập đến nhường nào! Bởi vậy, trong tuyên ngôn hành động của Bác, từ lời tuyên thệ “quyết giữ vững tự do và độc lập” trong kháng chiến chống Pháp đến chân lý ngời sáng: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” trong kháng chiến chống Mỹ đã cổ vũ, khích lệ nhân dân Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng trong sự nghiệp giải phóng và thống nhất Tổ quốc. Đó là minh chứng hùng hồn cho sức sống vĩnh cửu của Tuyên ngôn Độc lập.

Có thể khẳng định, Tuyên ngôn Độc lập là tác phẩm đầu tiên trong lịch sử Việt Nam làm xích lại gần nhau những quan niệm về quyền tự quyết của các dân tộc trên thế giới. Tuyên ngôn là sự kết tinh khát vọng độc lập mấy nghìn năm của dân tộc. Đó là một mốc son chói lọi, góp phần làm rạng rỡ nền văn hiến Việt Nam, chấm dứt chính thể quân chủ chuyên chế và chế độ thực dân áp bức, mở ra kỷ nguyên mới dân chủ cộng hòa ở nước ta. Trong cuốn hồi ký “Những năm tháng không thể nào quên” của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: “Bản án chế độ thực dân Pháp đã có từ 30 năm trước đây. Nhưng hôm nay mới chính là ngày chế độ thực dân Pháp bị đưa ra cho toàn dân Việt Nam công khai xét xử. Lịch sử đã sang trang. Một kỷ nguyên mới bắt đầu: Kỷ nguyên độc lập, tự do, hạnh phúc… Cả dân tộc đã hồi sinh”.

Kế thừa tư tưởng đó, từ Hiến pháp đầu tiên (1946) cho đến Hiến pháp năm 2013, quyền con người luôn được đề cao và đổi mới sao cho con người được hưởng trọn vẹn nhất những giá trị đáng có, phù hợp với xu thế và thực tiễn cuộc sống. Cũng vì lẽ đó, Đảng ta vẫn luôn nêu cao ngọn cờ dân chủ, phát huy sức mạnh toàn dân để tạo được khối đại đoàn kết vững chắc. Hơn bao giờ hết, để bảo đảm quyền con người, giữ vững độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ phát triển và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, trong xu thế toàn cầu hóa, chúng ta cần phải nắm vững những quan điểm, tư tưởng của Hồ Chí Minh về quyền con người và quyền dân tộc, đặc biệt là cách tiếp cận, nhận thức về mối quan hệ biện chứng giữa quyền con người và quyền dân tộc trong Tuyên ngôn Độc lập.

Cẩm Trang

 

----------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.6, tr.159

(2) Hồ Chí Minh: Sđd, t.4, tr.1


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.