Thực hiện Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy: Tạo đột phá trong bảo đảm an ninh nông thôn (Kỳ 2)
[links(left)]
Kỳ 2 : “Cánh tay nối dài” của Công an tỉnh
Đến thời điểm này, huyện Ea Súp, huyện Cư Kuin và TP. Buôn Ma Thuột là 3 địa phương đã hoàn thành mục tiêu 100% số xã bố trí công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã. Đây là tiền đề cơ bản, quan trọng hướng tới mục tiêu 100% các xã trên địa bàn tỉnh được bố trí công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã trong năm 2019.
Theo đánh giá của Công an tỉnh, trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở, Đảng ủy, lãnh đạo Công an tỉnh đã tích cực tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng lực lượng công an xã trên địa bàn tỉnh vững mạnh, cơ bản đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự tại địa bàn nông thôn.
Lực lượng Công an xã đã tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền về các chủ trương, giải pháp, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự an toàn xã hội; làm nòng cốt trong xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phối hợp các lực lượng chức năng tại cơ sở và các tổ chức quần chúng tự quản triển khai công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần tích cực trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng tại địa phương.
Tuy nhiên, trong hoạt động của lực lượng Công an xã còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới; tổ chức hoạt động, quan hệ phối hợp của Công an xã bán chuyên trách phát sinh một số vấn đề vướng mắc so với quy định hiện hành.
Đại úy Mai Văn Hòa, Trưởng Công an xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột (bên phải) xử lý hồ sơ tại trụ sở làm việc. |
Thượng tá Bùi Trọng Tuấn, Trưởng Phòng tham mưu Công an tỉnh
|
Ngay sau khi Nghị quyết số 11 được ban hành, Công an tỉnh đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành tập trung nghiên cứu, tham mưu, chỉ đạo triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, chặt chẽ với quyết tâm cao, bảo đảm sự lãnh đạo xuyên suốt của Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Cùng với đó, Công an tỉnh cũng đã làm tốt công tác tổ chức cán bộ, chủ động rà soát, làm việc trực tiếp với cấp ủy, chính quyền các cấp huyện nhằm sắp xếp, bố trí lực lượng công an xã bán chuyên trách vào các chức danh phù hợp, làm cơ sở để điều động công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã.
Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã bố trí 400 cán bộ, chiến sĩ chính quy về đảm nhiệm chức danh công an xã tại 82/152 xã. Theo đánh giá của Thượng tá Bùi Trọng Tuấn, Trưởng Phòng tham mưu Công an tỉnh, tuy điều kiện cơ sở vật chất, nơi làm việc, ăn ở, phương tiện... còn khó khăn, thiếu thốn nhưng lực lượng công an xã vẫn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trình độ, năng lực để hoàn thành nhiệm vụ.
Lực lượng công an chính quy tại các xã bước đầu đã làm tốt công tác tham mưu cấp ủy, chính quyền cơ sở triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách và giải pháp về bảo đảm an ninh trật tự, huy động và tổ chức lực lượng tham gia xây dựng, củng cố thế trận an ninh nhân dân và phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; trực tiếp phối hợp các lực lượng chức năng tổ chức đấu tranh phòng, chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội... Nhờ đó, tình hình an ninh trật tự tại các địa bàn xã bố trí công an chính quy có nhiều chuyển biến tích cực, các vụ việc phức tạp được phát hiện và giải quyết kịp thời, một số địa bàn phức tạp về trật tự xã hội được chuyển hóa…
Đối tượng khai thác gỗ trái phép đã bị Công an xã Cư M'lan, huyện Ea Súp phát hiện và xử lý. (Ảnh do Công an xã Cư M'lan cung cấp). |
“Công an tỉnh Đắk Lắk quyết tâm phấn đấu đến hết năm 2019, hoàn thành bố trí công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã tại 100% xã trên địa bàn tỉnh như mục tiêu mà Nghị quyết số 11 của Tỉnh ủy đã đề ra, góp phần quan trọng trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh toàn diện” - Thượng tá Bùi Trọng Tuấn khẳng định.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc