Multimedia Đọc Báo in

Chiến thắng Buôn Ma Thuột qua hồi ức của những người trong cuộc

09:08, 10/03/2020

Ngày 8-3, tại TP. Buôn Ma Thuột, Bảo tàng Đắk Lắk phối hợp với Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ và Bảo tàng An Giang tổ chức chương trình giao lưu “Hồi ức về Đại thắng mùa Xuân năm 1975” nhân kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột (10-3-1975  –  10-3-2020) và Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2020).

Tham gia chương trình có các khách mời là nhân chứng lịch sử cùng đại diện các sở, ngành và đông đảo người dân, khách tham quan bảo tàng. Phóng viên Báo Đắk Lắk ghi lại những câu chuyện qua hồi ức của những nhân chứng trực tiếp góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Buôn Ma Thuột ngày ấy...

Đồng chí Ama H’Oanh (Tô Tấn Tài), nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy; nguyên Phó Bí thư Thị ủy, kiêm phụ trách đội công tác chính trị thị xã Buôn Ma Thuột:

Quân với dân một lòng làm nên chiến thắng

Thời điểm trước và sau ngày giải phóng Buôn Ma Thuột, tôi là Bí thư Thị ủy Buôn Ma Thuột, được cấp trên giao nhiệm vụ phụ trách việc tập hợp và tuyển chọn lực lượng chính trị; phát động quần chúng nổi dậy phối hợp với bộ đội chủ lực tấn công giải phóng Buôn Ma Thuột. Sau một thời gian chuẩn bị, lực lượng chính trị tập hợp được 83 đồng chí đủ bản lĩnh, thông thạo địa bàn, chia thành 3 trung đội để luồn vào nội thị phát động nhân dân cùng đứng lên giành chính quyền và kiểm soát thị xã sau khi bộ đội chủ lực của ta tiến công vào Buôn Ma Thuột.

Ban đầu vận động, nhiều người dân còn nghi ngại bởi họ sợ nếu bất thành như cuộc nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968 thì quân địch sẽ đàn áp dã man hơn. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị cao, các đồng chí trong lực lượng chính trị của thị xã đã khéo léo luồn sâu vào khu vực trọng điểm là ấp 3 (phường Thành Công ngày nay) và ấp 5 (phường Tân Tiến) cùng ăn, cùng ở với nhân dân để vận động.

Kế hoạch chuẩn bị để lực lượng bộ đội chủ lực đánh vào Buôn Ma Thuột hoàn toàn được giữ bí mật, kín kẽ. Ngày 10-3-1975, khi lực lượng chủ lực tấn công vào Buôn Ma Thuột, các tổ tác chiến cơ động ẩn nấp trong dân tấn công ra. Phía ngụy quân ngụy quyền hoàn toàn bị động, bất ngờ, mọi nỗ lực tái chiếm đều thất bại. Đến trưa 11-3-1975, quân và dân ta đã chiến thắng vẻ vang giải phóng được Buôn Ma Thuột. Lúc này người dân khắp nơi trong tỉnh mới vỡ òa trong niềm vui chiến thắng.

Nguyễn Thị Ngọc Lan, Tổ may vá, thuộc Ban Kinh tài khu căn cứ H4:

Niềm vui khôn tả khi cờ Tổ quốc do mình may tung bay trong ngày đại thắng

Ngày đó, Tổ may vá có 3 người vừa làm nhiệm vụ may cờ Tổ quốc, vừa đảm nhiệm công tác hậu cần. Do nguồn nguyên liệu vải rất khan hiếm, chúng tôi phải thường xuyên về cơ sở trong dân để liên hệ mua. Điểm tập kết chính là Đồn điền Rosi (phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ ngày nay). Khi cơ sở báo ra, nếu địa điểm được an toàn, không có lính ngụy mai phục thì mới bí mật đi lấy hàng về. Để có được chiếc máy may và vải là một thành công lớn của tổ công tác. Đây là khâu khó nhất, bởi đi đâu cũng có tai mắt của địch, mua nhiều là bị chú ý, xét hỏi, đặc biệt lại là vải màu đỏ và vàng dùng để may cờ.

Khoảng tháng 2-1975, chúng tôi được lệnh phải may cờ đỏ sao vàng liên tục, lúc này mọi người chưa nghĩ là có chiến dịch lớn sẽ diễn ra trên địa bàn. Ba người trong tổ may suốt ngày đêm, cứ tầm từ 3-4 ngày thì được khoảng 100 lá cờ với kích thước mỗi lá dài 1,2 m và rộng 80 cm. Làm được bao nhiêu thì có người trong đội công tác của tỉnh đến mang đi. Đêm ngày 10-3-1975, khi nghe tin trên radio về Chiến thắng Buôn Ma Thuột, các chị em trong Tổ may vá đều vỡ òa trong niềm sung sướng. Những lá cờ mà chúng tôi vẫn may trong bao năm đã tung bay trong ngày chiến thắng Buôn Ma Thuột và ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Huỳnh Thị Xuân, nguyên Bác sĩ Ban Dân y tỉnh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh:

Nỗ lực hết mình để cứu chữa thương bệnh binh

Để chuẩn bị công tác hậu cần cho giải phóng Buôn Ma Thuột, đầu năm 1975, tôi được điều động từ bệnh xá khu căn cứ H4 về Ban Dân y tỉnh, trực tiếp tham gia Đoàn tiếp quản y tế Buôn Ma Thuột, lấy địa điểm nhà hộ sinh 18 Hoàng Diệu (sau này là Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS của tỉnh) làm nơi hoạt động. Hằng ngày, các y bác sĩ trong Đoàn thường xuyên đóng giả dân đi nắm tình hình các cơ sở y tế, số lượng nhân lực, thuốc men của địch để báo với cấp trên; đồng thời, phối hợp với các đơn vị y tế của ta để sớm ổn định việc khám chữa bệnh cho dân.

Sau khi nắm bắt tình hình của địch và nhờ các mối quan hệ thân quen, tôi cùng một số bác sĩ trong Đoàn tiếp quản y tế Buôn Ma Thuột đã gặp gỡ bác sĩ Nguyễn Văn Lạng (Trưởng bệnh viện lớn nhất của lực lượng quân y ngụy lúc bấy giờ) và bác sĩ Nguyễn Kim Sơn (Trưởng ty Y tế Đắk Lắk kiêm bệnh viện trưởng nhà thương Buôn Ma Thuột). Sau những lần trò chuyện, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của hai vị bác sĩ này, anh chị em trong Đoàn đã khéo léo tìm cách thuyết phục được họ quay về phục vụ cách mạng. Sau ngày 10-3-1975, lực lượng địa phương phát động quần chúng nổi dậy diệt ác, phá kềm, truy quét tàn quân địch thì bác sĩ Sơn và bác sĩ Lượng đã cùng Đoàn tiếp quản y tế Buôn Ma Thuột tích cực cứu chữa thương bệnh cho nhân dân ta…

Đồng chí Lê Chí Quyết, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy; nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quân quản tỉnh:

Đoàn kết một lòng xây dựng Buôn Ma Thuột phát triển ổn định

Từ tháng 2-1975, Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công tôi làm Bí thư Đảng ủy Ủy ban Quân quản kiêm Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quân quản. Trong cuộc tấn công vào giải phóng Buôn Ma Thuột, bộ đội chủ lực tiêu diệt địch tới đâu thì Ủy ban Quân quản tiếp quản toàn bộ kho hậu cần, cơ sở y tế, tài chính, giáo dục, hậu cứ... và tiến hành triển khai công tác dân vận, binh địch vận, cứu thương cho dân thường và bộ đội tới đó. Mặt khác, Ủy ban Quân quản còn cùng lực lượng quần chúng truy quét tàn quân ngụy đang cải trang, trà trộn, lẩn trốn trong dân, kêu gọi ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của Đảng và Nhà nước; nhanh chóng ổn định tình hình đời sống, mọi mặt cho nhân dân trong thị xã.

Sau ngày giải phóng, Buôn Ma Thuột bộn bề khó khăn, từ công tác ổn định tình hình kinh tế, đời sống cho dân đến việc cấp bách là khẩn trương truy quét bọn phản động, giữ gìn an ninh trật tự xã hội... Trước tình hình đó, Ban cán sự Đảng Ủy ban Quân quản đã tiến hành họp bàn thống nhất tổ chức ngay một số cơ quan như: Ty Nông lâm nghiệp, Tài chính, Y tế, Giáo dục..., mỗi đơn vị từ 3 - 4 người nhằm quản lý, vận hành từng lĩnh vực. Để giải quyết nạn đói trước mắt cho dân, Ủy ban Quân quản đã xin chủ trương mở các kho lương thực thu lại của địch để hỗ trợ cho từng hộ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tích cực vận động nhân dân thực hiện phong trào làm kinh tế mới, khai hoang vỡ đất trồng tỉa cây lương thực ngắn ngày như lúa, ngô, đậu đỗ để bảo đảm nguồn lương thực tại chỗ.

Với tinh thần đoàn kết một lòng, mỗi người một nhiệm vụ, một công việc, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự chỉ đạo của chính quyền đã giúp người dân tổ chức lại sản xuất ổn định đời sống và dần dần biến Buôn Ma Thuột trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh Đắk Lắk.

Lê Thành (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.