Kỷ niệm 150 năm Ngày sinh V.I.Lênin (22-4-1870 – 22-4-2020)
Khoan thư sức dân theo tinh thần của Lênin
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, quần chúng nhân dân là khái niệm động, luôn vận động, biến đổi theo mỗi giai đoạn lịch sử và dùng để chỉ những lực lượng xã hội mà thông qua hoạt động của họ thúc đẩy sự tiến bộ của nhân loại.
Khác với những nhà tư tưởng trước đó – chỉ thấy quần chúng nhân dân là lực lượng bị áp bức, bóc lột, là những người yếu ớt, đáng thương, học thuyết Mác - Lênin nhận thấy sức mạnh to lớn, vĩ đại của quần chúng nhân dân đối với tiến trình lịch sử. Họ không chỉ là lực lượng sản xuất ra của cải vật chất và tinh thần chủ yếu của xã hội mà còn là lực lượng cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội. Không có quần chúng nhân dân thì cũng không có cách mạng xã hội, không có sự thay thế lẫn nhau giữa các hình thái kinh tế - xã hội, thông qua đó thúc đẩy xã hội vận động và phát triển.
Trên cơ sở nhận thức được vị trí, vai trò quyết định của quần chúng nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng, Lênin đã tuyên truyền, vận động, tập hợp quần chúng nhân dân theo Đảng Bôn-sê-vích đứng lên thực hiện cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại – Cách mạng Tháng Mười Nga.
V.I.Lênin. Ảnh tư liệu |
Trong công cuộc xây dựng nước Nga sau Cách mạng Tháng Mười, Lênin cùng với chính đảng của mình đã ban hành và thực thi nhiều chính sách nhằm phát huy tối đa sức lực, trí tuệ của quần chúng nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; không chỉ vô hiệu hóa giặc ngoài, thù trong mà còn đưa đất nước nhanh chóng thoát khỏi nghèo đói, từng bước ổn định và phát triển. Ngay cả những người lúc đầu có tư tưởng, thái độ thiếu thiện cảm đối với cách mạng nhưng qua những chính sách phù hợp và đúng đắn của Lênin cũng dần giác ngộ và cống hiến cho cách mạng.
Nhận thức sâu sắc vai trò của nhân dân trong sự nghiệp đổi mới, cùng với cả nước, Đắk Lắk đã từng bước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, vươn lên và thu được nhiều kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Điển hình như thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nổi bật là phong trào “Đắk Lắk chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011 - 2020, nhiều cách làm hay, sáng tạo đã được triển khai. Phong trào lan tỏa rộng khắp, người dân không chỉ là đối tượng được thụ hưởng mà đã phát huy vai trò chủ thể trong tổ chức, thực hiện. Trên chặng đường 10 năm qua, tổng nguồn lực huy động thực hiện chương trình là 140.700 tỷ đồng. Trong đó, vốn đóng góp của cộng đồng dân cư là 3.500 tỷ đồng. Riêng trong giai đoạn 2011 – 2015, người dân trên địa bàn tỉnh đã hiến 650.000 m2 đất để xây dựng các công trình hạ tầng, đóng góp 817 tỷ đồng và 89.000 ngày công lao động. Diện mạo nhiều vùng nông thôn mới đã thay da đổi thịt, không chỉ có sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước mà còn mang đậm dấu ấn sức dân.
Trên con đường xây dựng và phát triển, tiếp tục, kịp thời nhận diện những khó khăn, vướng mắc, bất cập, một trong những giải pháp tháo gỡ mà tỉnh đặc biệt chú trọng đó chính là khai thác và phát huy sức lực, trí tuệ của nhân dân. Kế hoạch 152-KH/TU, ngày 26-2-2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổ chức Cuộc vận động “Hiến kế xây dựng và phát triển tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh” chính là sự thể hiện sâu sắc trong nhận thức và hành động đối với việc khoan thư sức dân.
Mục đích của Cuộc vận động đã thể hiện tinh thần “Diên Hồng” trong giai đoạn mới, chủ trương “cầu hiền, đãi sĩ”, “lắng nghe và thấu hiểu” của Đảng bộ tỉnh và cấp ủy. Những kế sách, đề xuất, ý tưởng, giải pháp được kêu gọi trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh về tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, các giá trị văn hóa, lịch sử… theo định hướng phát triển chung của Trung ương và của tỉnh.
Dưới hình thức một cuộc vận động hiến kế có thể nói đây là một cách làm sáng tạo để tiếp thu, lĩnh hội, khai thác sức dân một cách đa chiều, đa lĩnh vực, nhiều thành phần, đặc biệt ở phương diện trí tuệ. Những kế sách, ý tưởng của người dân sẽ là cơ sở quan trọng để những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương chắt lọc xem xét, bổ sung, lựa chọn những vấn đề trọng tâm, có tính đột phá trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đường hướng phát triển Đắk Lắk.
Lương Hữu Nam
(Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk)
Ý kiến bạn đọc