Multimedia Đọc Báo in

Kỷ niệm 70 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21-4-1950 - 21-4-2020)

Truyền thống vẻ vang 70 năm Hội Nhà báo Việt Nam

08:47, 21/04/2020
Ngày 21-4-2020 đánh dấu tròn 70 năm ra đời Hội Nhà báo Việt Nam. 70 năm với 10 kỳ đại hội, Hội Nhà báo Việt Nam đã làm tốt vai trò là tổ chức tập hợp những người làm báo Việt Nam, là nơi sinh hoạt, trao đổi, bồi dưỡng nghiệp vụ làm báo để đội ngũ báo chí làm tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị của mình.
 
Sự ra đời của Hội Nhà báo Việt Nam

Vào đầu thế kỷ 20, hoạt động báo chí ở Việt Nam đã khá sôi nổi, nhưng dưới chế độ thống trị của thực dân Pháp, những người làm báo không có tổ chức nghề nghiệp. Trong thời kỳ những người cộng sản nước ta được chính quyền của Mặt trận Nhân dân Pháp cho phép xuất bản báo chí công khai (1936 - 1939), Xứ ủy Bắc Kỳ chủ trương mở cuộc vận động thành lập Hội Nhà báo Dân chủ. Ông Võ Nguyên Giáp được chỉ định nhân danh báo tiếng Pháp của ta - tờ Le Rassémblement (Tập hợp) đứng ra thực hiện cuộc vận động. Tuy nhiên, do sự phá hoại của bọn mật thám, chủ trương này đã không thực hiện được.

Ngay sau Cách mạng tháng Tám, hàng loạt cơ quan, tổ chức báo chí (Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Việt Nam Thông tấn xã, Bộ Thông tin Tuyên truyền...) được thành lập và ngày 27-12-1945, Đoàn Báo chí Việt Nam ra đời.

Công việc chuẩn bị để lập ra một Hội nhà báo chính thức đang được đẩy mạnh thì thực dân Pháp quay trở lại xâm lược. Đội ngũ nhà báo Việt Nam đã đông đảo hơn, phần lớn đi tham gia kháng chiến và Đoàn Báo chí Việt Nam được đổi tên thành Đoàn Báo chí Kháng chiến Việt Nam. Báo chí Cách mạng được bổ sung lực lượng và phương tiện mới; hệ thống thông tin - báo chí đa dạng hình thành. Việt Bắc trở thành cái nôi của báo chí kháng chiến với các báo Sự thật, Cứu quốc, Nhân Dân, Độc lập, Phụ nữ, Lao động, Tiền phong, Việt Nam Thông tấn xã, Đài Tiếng nói Việt Nam... Các lực lượng vũ trang đều có báo riêng. Các khu, tỉnh cũng đều có báo hoặc bản tin, nội san của mình. Nam Bộ hình thành mạng lưới báo, đài phát thanh hoạt động tại nhiều địa phương do Xứ ủy Nam Kỳ trực tiếp phụ trách.

Các nhà báo Việt Nam và khách quốc tế dự Đại hội I Hội những người viết báo Việt Nam. Ảnh tư liệu
Các nhà báo Việt Nam và khách quốc tế dự Đại hội I Hội những người viết báo Việt Nam. Ảnh tư liệu

Ngày 4-4-1949, tại Việt Bắc, thực hiện sự chỉ đạo của Tổng bộ Việt Minh, Đoàn Báo chí Kháng chiến Việt Nam đã khai giảng Trường dạy làm báo mang tên Huỳnh Thúc Kháng, khóa học đầu tiên và duy nhất gồm 42 học viên. Đây là cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên trong kháng chiến chống Pháp và trong lịch sử báo chí nước ta.

Đến đầu năm 1950, trước yêu cầu nâng cao vị trí Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời để đáp ứng nhiệm vụ nâng cao nghiệp vụ báo chí, Hội Những người viết báo Việt Nam được thành lập. Hội nghị thành lập Hội khai mạc ngày 21-4-1950 tại xóm Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa - Thái Nguyên đã thống nhất thông qua Điều lệ, Chương trình hoạt động, bầu ra Ban Chấp hành Hội với ông Xuân Thủy làm Hội trưởng, các ông Đỗ Đức Dục và Hoàng Tùng làm Hội phó, Nguyễn Thành Lê làm Tổng Thư ký.

Ngày 2-6-1950, Hội được Chính phủ ra quyết định chính thức công nhận và sau đó Hội gia nhập Mặt trận Liên Việt. Các báo thành lập chi hội, người làm báo ở cơ quan nào thì tham gia chi hội cơ quan ấy. Sinh hoạt chủ yếu của các chi hội là thảo luận những vấn đề nghiệp vụ, bồi dưỡng trình độ nghề nghiệp qua kinh nghiệm hoạt động thực tiễn.

Tháng 7-1950, Đại hội của Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ) họp ở Phần Lan đã công nhận Hội Những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức này. Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, Hội Những người viết báo Việt Nam chuyển về Hà Nội, đặt trụ sở chính tại số nhà 59 Lý Thái Tổ.

Ngày 16 đến 17-4-1959, diễn ra Đại hội lần II của Hội với 123 đại biểu thay mặt 700 hội viên tham dự, bầu Ban Chấp hành gồm 25 nhà báo do ông Xuân Thủy làm Chủ tịch.

Ngày 7 đến 8-9-1962, diễn ra Đại hội lần III với 160 đại biểu thay mặt 757 hội viên tham dự, bầu Ban Chấp hành gồm 29 nhà báo do ông Hoàng Tùng làm Chủ tịch và đổi tên là Hội Nhà báo Việt Nam.

Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng

Nhận thấy vai trò quan trọng của đội ngũ nhà báo cách mạng, theo chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 1949 Tổng bộ Việt Minh chủ trương mở Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.

Do hoàn cảnh kháng chiến, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng chỉ tổ chức được duy nhất một khóa học ngắn hạn với 42 (có tài liệu 43) học viên, là cán bộ chính trị, quân sự, báo chí của cả nước tham dự. Hơn 30 giảng viên tham gia giảng dạy là những cán bộ lãnh đạo giàu kinh nghiệm chính trị, phong phú lý luận, thực tiễn và những nhà hoạt động văn hóa văn nghệ tên tuổi: Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Quang Đạo, Tố Hữu… Ba tháng học đã giúp các học viên lĩnh hội một chương trình đồ sộ gồm cả lý thuyết, chuyên môn và thực hành.

Đặc biệt quan tâm đến Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần gửi thư cho các học viên. Tại bức thư thứ nhất đăng trên Báo Cứu quốc số 1264 ra ngày 9-6-1949, Người biểu dương và nhắc 4 điểm chính về nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích, đối tượng của mỗi tờ báo, mục tiêu của báo chí. Người nhấn mạnh: Muốn viết báo thì cần: “1 - Gần gũi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực. 2 - Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài và học kinh nghiệm của người. 3 - Khi viết xong một bài báo, tự mình phải xem lại ba, bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận. Tốt hơn là đưa nhờ một vài người ít văn hóa xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào họ không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu. 4- Luôn luôn gắng học hỏi, luôn cầu tiến bộ…”. Những dặn dò của Người với các học viên Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng đã trở thành cẩm nang cho người làm báo cách mạng, là giáo trình của mọi giáo trình cho đến ngày nay.

Từ ngôi trường mái nứa tranh tre giữa đại ngàn Việt Bắc này, các học viên của trường đã tỏa về muôn nẻo, có mặt ở những chiến trường ác liệt nhất, những mặt trận nóng bỏng và phức tạp nhất như các nhà báo Trần Kiên (Báo Nhân Dân); Mai Thanh Hải, Mai Hồ (Báo Cứu quốc) hay đạo diễn Bành Bảo, nhà văn Hữu Mai, nhà thơ Hải Như, nhà thơ Từ Bích Hoàng (Việt Phương)…

Từ dấu son đầu tiên của sự nghiệp đào tạo báo chí tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, đến nay chúng ta đã có hơn chục cơ sở đào tạo cán bộ báo chí cho cả 4 loại hình: Báo in, báo phát thanh, báo truyền hình, báo điện tử với trình độ từ cao đẳng tới tiến sĩ. Năm 1949, chúng ta có khoảng chục tờ báo với khoảng 300 người làm báo thì nay có hơn 900 cơ quan báo chí và 50 nghìn người làm báo. Nhân dịp sự kiện tròn 70 năm của Trường, Bảo tàng Báo chí Việt Nam Hội Nhà báo Việt Nam đã xin ý kiến Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, tỉnh Thái Nguyên để triển khai việc sưu tầm, hoàn thiện và lập hồ sơ xin công nhận di tích địa chỉ đỏ này. Di tích quốc gia - nơi tổ chức Trường dạy làm báo cách mạng đầu tiên sẽ là một phần quan trọng trong tổng thể Quy hoạch Khu Du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc của tỉnh Thái Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

 

Đoàn đại biểu Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam thăm địa điểm thành lập Hội những người  viết báo Việt Nam.  Ảnh: Hội Nhà báo Việt Nam
Đoàn đại biểu Cơ quan Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam thăm địa điểm thành lập Hội những người viết báo Việt Nam. Ảnh: Hội Nhà báo Việt Nam

Hội Nhà báo Việt Nam qua 10 kỳ đại hội

Đại hội lần thứ I: Tổ chức ngày 21-4-1950 tại xã Ðiềm Mặc, huyện Ðịnh Hóa, tỉnh Thái Nguyên đã trở thành mốc thời gian lịch sử của báo chí Việt Nam khi những người làm báo cách mạng chính thức có một tổ chức chính trị - xã hội và nghề nghiệp của mình. Ðại hội đã thông qua Ðiều lệ, bầu Ban Chấp hành Hội do ông Xuân Thủy làm Hội trưởng, các ông Hoàng Tùng và Ðỗ Ðức Dục làm Phó Hội trưởng, ông Nguyễn Thành Lê làm Tổng Thư ký.

Đại hội lần thứ II: Tổ chức trong 2 ngày 16 và 17-4-1959 tại Hà Nội. Đại hội vinh dự được đón Bác Hồ đến dự và phát biểu. Ðại hội đã bầu Ban Chấp hành mới gồm 25 nhà báo do ông Xuân Thủy làm Chủ tịch.

Đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 11-11-1961, Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam Việt Nam ra đời do nhà báo Vũ Tùng (Nguyễn Văn Thọ) làm Chủ tịch.

Đại hội lần thứ III: Tổ chức từ ngày 7 đến 8-9-1962 tại Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và nói chuyện với các đại biểu với chủ đề: “Nâng cao hơn nữa chất lượng báo chí”. Người căn dặn: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng”. Tại Đại hội, ông Hoàng Tùng được bầu làm Chủ tịch.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, ngày 7-7-1976 Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam Việt Nam hợp nhất, lấy tên là Hội Nhà báo Việt Nam, ông Hoàng Tùng làm Chủ tịch.

Đại hội lần thứ IV: Từ ngày 8 đến 10-12-1983, Ðại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ IV đã được tổ chức tại Hà Nội. Ðại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 53 nhà báo, do ông Hoàng Tùng làm Chủ tịch. Từ tháng 1-1987, ông Hoàng Tùng xin thôi làm Chủ tịch Hội vì lý do bận công tác Trung ương, Hội nghị Ban Chấp hành đã bầu ông Hồng Chương làm Chủ tịch Hội.

Đại hội lần thứ V: Từ ngày 16 đến 18-10-1989, tại Hà Nội đã diễn ra Ðại hội lần thứ V Hội Nhà báo Việt Nam. Đại hội thông qua nghị quyết Đại hội “Đổi mới báo chí vì sự nghiệp đổi mới đất nước”, thông qua điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam sửa đổi. Ðại hội V đã bầu Ban Chấp hành gồm 39 người do ông Phan Quang làm Tổng Thư ký.

Đại hội lần thứ VI: Từ ngày 8 đến 9-3-1995, Ðại hội lần thứ VI Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra tại Hà Nội. Ðại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 35 ủy viên, do ông Phan Quang làm Chủ tịch; ông Trần Mai Hạnh làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký.

Đại hội lần thứ VII: Ðại hội lần thứ VII Hội Nhà báo Việt Nam họp trong 2 ngày 24 và 25-3-2000 tại Hà Nội. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành do ông Hồng Vinh làm Chủ tịch, ông Trần Mai Hạnh làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký. Sau Ðại hội, vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21-4-1950 – 21-4-2000), Hội đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh.

Đại hội lần thứ VIII: Diễn ra từ ngày 11 đến 13-8-2005 tại Hà Nội. Ðại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 43 ủy viên. Ban Chấp hành đã bầu Ban Thường vụ gồm 9 ủy viên. Ông Ðinh Thế Huynh được bầu làm Chủ tịch. Ngày 21-6-2010, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức trọng thể Lễ đón nhận Huân chương Sao Vàng do đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước trao tặng.

Đại hội lần thứ IX: Diễn ra từ ngày 10 đến 12-8-2010 tại Hà Nội. Đại hội tiếp tục bầu ông Ðinh Thế Huynh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, giữ chức Chủ tịch Hội. Do ông Đinh Thế Huynh được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, đảm nhận chức Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Hội nghị toàn thể lần thứ 3 Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa IX (nhiệm kỳ 2010 - 2015) ngày 27-3-2012 đã nhất trí để ông Đinh Thế Huynh thôi giữ chức Chủ tịch và bầu ông Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân tiếp quản chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.

Đại hội lần thứ X: Diễn ra từ ngày 7 đến 9-8-2015 tại Hà Nội. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành mới gồm 57 đồng chí. Ông Thuận Hữu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa IX tiếp tục được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Theo Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.