Nâng cao "chất" và "lượng" đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số (Kỳ cuối)
Kỳ cuối: Xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số ngày càng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ
Thực tế cho thấy, thời gian qua, đội ngũ cán bộ người DTTS trên địa bàn tỉnh đã phát huy được năng lực, vai trò trách nhiệm trong công tác. Đây cũng chính là lực lượng nòng cốt, là "cầu nối" quan trọng để đưa chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng vào cuộc sống, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Chính vì vậy, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới ngày càng quan trọng, cấp bách.
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo chức danh
Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy đặt ra mục tiêu từ năm 2020 trở đi, phấn đấu nâng tỷ lệ cán bộ người DTTS trong đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức hành chính – sự nghiệp đạt 15% trở lên, trong đó chú trọng cán bộ người DTTS tại chỗ; tỷ lệ cán bộ DTTS tham gia cấp ủy cấp tỉnh, huyện, xã, phường, thị trấn phải tương ứng với tỷ lệ dân cư người DTTS trên địa bàn; đối với các loại hình tổ chức đảng khác phải đạt từ 15% trở lên có cán bộ DTTS tham gia. Cán bộ DTTS tham gia HĐND cấp tỉnh đạt 35% trở lên; cấp huyện, thành phố đạt 27% trở lên; cấp xã, phường, thị trấn đạt 30% trở lên. Trong đội ngũ cán bộ chủ chốt từ tỉnh đến cơ sở, lãnh đạo các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể và tương đương cấp tỉnh, cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng của tỉnh và huyện phải có cán bộ người DTTS, đặc biệt là người DTTS tại chỗ.
Dạy nghề trồng và chăm sóc cây cà phê bằng hình thức "cầm tay chỉ việc" cho đồng bào dân tộc thiểu số xã Cuôr Đăng (huyện Cư M'gar). |
Theo Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy H’Lim Niê, mục tiêu đặt ra của Nghị quyết số 05 trong thời gian tới là phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ. Vì vậy, cần phải tập trung nâng cao nhận thức cho các cấp ủy đảng, các tổ chức, cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác cán bộ người DTTS cả trước mắt và lâu dài.
Bên cạnh việc tạo nguồn cán bộ người DTTS trong con em cán bộ, gia đình cách mạng, phải đặc biệt chú trọng đào tạo văn hóa, chuyên môn, lý luận chính trị cho bộ đội là người DTTS đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự để bố trí công tác ở các địa phương, đơn vị. Bên cạnh đó là quan tâm nâng cao trình độ dân trí, đào tạo tay nghề cho lao động là người DTTS gắn với giải quyết việc làm nhằm tạo nguồn cán bộ DTTS các cấp. Ngoài ra, cần chú trọng quy hoạch đội ngũ cán bộ DTTS các ngành khoa học và phát triển đảng viên người DTTS để khắc phục tình trạng thiếu cán bộ người DTTS ở một số ngành, lĩnh vực, địa phương như hiện nay.
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường
|
Cùng với việc tạo nguồn thì công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người DTTS rất quan trọng. Thạc sĩ Ngô Sáu, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh cho rằng, muốn nâng cao chất lượng công tác này thì cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, giáo viên, quan tâm phát triển giáo dục phổ thông trong vùng đồng bào DTTS. Đối với nội dung, chương trình đào tạo cho cán bộ DTTS cần cụ thể hóa theo chức danh, gắn với vị trí công tác của cán bộ và vùng đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, cần có phương pháp đào tạo cụ thể, gắn với thực tiễn, đồng thời tiếp tục có chế độ, chính sách ưu tiên cho cán bộ người DTTS đi học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Coi trọng công tác bố trí, sử dụng
Song song với công tác tạo nguồn, bồi dưỡng cán bộ DTTS, việc xây dựng chính sách, chế độ ưu tiên, đãi ngộ, tuyển dụng đặc thù riêng đối với đội ngũ cán bộ DTTS cũng rất quan trọng. Theo Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Buôn Hồ H’Blă Mlô, so với mặt bằng chung thì trình độ dân trí, chuyên môn giữa người DTTS và người Kinh có sự chênh lệch nhất định nên nếu không có chính sách tuyển dụng đặc thù riêng thì họ rất khó cạnh tranh khi thi tuyển. Bên cạnh đó, để tạo cơ hội cho người DTTS, các cơ quan làm công tác tổ chức của cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm xây dựng kế hoạch và tuyển dụng học sinh, sinh viên người DTTS vào công tác ở cơ sở, nếu xét thấy có triển vọng phát triển thì tiếp tục cử đi đào tạo để sử dụng lâu dài. Các cơ quan có thẩm quyền cũng cần nghiên cứu, tham mưu việc phân bổ chỉ tiêu biên chế và xây dựng tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS phù hợp cho từng địa phương, đơn vị nhằm bảo đảm tỷ lệ cán bộ DTTS theo quy định.
Sinh viên tình nguyện ôn tập kiến thức cho học sinh dân tộc thiểu số xã Krông Jing (huyện M'Đrắk). |
Để đội ngũ cán bộ nói chung, trong đó có cán bộ người DTTS ngày càng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đang tập trung thực hiện đổi mới công tác cán bộ, tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở, phòng và trình bày chương trình hành động thực hiện thí điểm tuyển chọn chức danh bí thư huyện ủy. Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường cho rằng, bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, sử dụng cán bộ, bản thân từng cán bộ người DTTS cũng phải tự vươn lên, nếu ỷ lại sẽ không thể phát triển được. Những sinh viên người DTTS tốt nghiệp hệ chính quy sẽ được tỉnh tiếp nhận, bố trí làm cán bộ cấp xã, sau đó đánh giá, sàng lọc để bổ nhiệm vào cấp huyện, tỉnh nhằm tránh tình trạng bị động, “hụt hẫng” cán bộ người DTTS. “Ban Thường vụ Tỉnh ủy đang "đặt hàng" để sớm có Đề án cán bộ người DTTS, trên cơ sở đó sẽ có những biện pháp cụ thể trong đào tạo, bồi dưỡng; đào tạo qua luân chuyển, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, thậm chí là tổ chức cả câu lạc bộ kỹ năng nói trước công chúng nhằm giúp cán bộ người DTTS có khả năng đảm nhận nhiều vị trí công tác”, Bí thư Tỉnh Bùi Văn Cường khẳng định.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc