Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác thi hành án hành chính

18:17, 16/06/2020

Sáng 16-6, Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh do Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Phạm Hát làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh nhằm giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về tố tụng hành chính đối với người bị kiện là UBND, chủ tịch UBND các cấp trên địa bàn.

Tiếp và làm việc với Đoàn có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh cùng đại diện các sở, ngành liên quan.

sd
Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Phạm Hát phát biểu tại buổi giám sát
 
Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong giai đoạn được giám sát (từ 1-7-2016 đến 31-12-2019), toàn tỉnh có 576 quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND, chủ tịch UBND các cấp bị khiếu kiện, trong đó có 85 vụ thuộc cấp tỉnh, 395 vụ ở cấp huyện và 96 vụ cấp xã. Nội dung khiếu kiện hành chính chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng… Đến nay, Tòa án cấp có thẩm quyền đã giải quyết 246/576 vụ, trong đó có 144 vụ bị bác đơn yêu cầu khởi kiện và 102 vụ bị Tòa tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính, hành vi hành chính.
 
Theo UBND tỉnh, nguyên nhân của việc ban hành các quyết định hành chính, hành vi hành chính trái pháp luật là do đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tham mưu bị giới hạn về số lượng biên chế, thường xuyên thay đổi vị trí việc làm trong khi số lượng công việc phát sinh nhiều; do biến động về chính sách đất đai qua từng thời kỳ, dẫn đến khó khăn trong việc quản lý và thực hiện chính sách liên quan; năng lực cán bộ làm công tác tham mưu quản lý đất đai, bồi thường, hỗ trợ trong một số trường hợp còn hạn chế…
 
sd
Các đại biểu tham gia buổi giám sát
 
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh đã đề xuất, kiến nghị một số nội dung như: Bộ Tư pháp cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về quản lý thi hành án hành chính theo thẩm quyền. Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, xây dựng và sớm ban hành Luật Ban hành quyết định hành chính nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong pháp luật và thực tiễn ban hành quyết định hành chính; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Tố tụng Hành chính, cần xác định rõ trong luật về trách nhiệm của người bị kiện trong vụ án hành chính; xây dựng và hoàn thiện cơ chế, trách nhiệm và quan hệ phối hợp trong giải quyết các vụ án hành chính đối với UBND các cấp và cơ quan tổ chức liên quan; xem xét cơ chế ủy quyền trong tố tụng hành chính về tham gia giải quyết vụ án hành chính; nghiên cứu bổ sung cơ chế cho phép trong trường hợp người bị kiện vắng mặt có thể được trả lời, giải trình các nội dung yêu cầu của cơ quan tố tụng bằng văn bản…
 
sd
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Cảnh trao đổi với Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh

Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Phạm Hát đề nghị UBND tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 của Chính phủ quy định thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành án, quyết định của Tòa án. Đồng thời đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Tố tụng Hành chính về công tác thi hành án hành chính; tiếp tục tăng cường chỉ đạo, tạo điều kiện cho các sở, ngành liên quan, UBND, chủ tịch UBND các cấp thi hành các bản án hành chính; tăng cường và thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát công tác thi hành án hành chính; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác thi hành án hành chính...

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.