Xứng đáng với sứ mệnh của người làm báo
Nghề báo – một nghề rất đáng tự hào và cao quý nhưng cũng không ít khó khăn thậm chí là nguy hiểm. Để giữ vững “Một trái tim nóng và một cái đầu lạnh”, đòi hỏi người làm báo phải luôn hoàn thiện mình, giữ vững bản lĩnh trước những cám dỗ...
Những chia sẻ của các nhà báo tại Hội nghị “Gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu” nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam tổ chức tại Hà Nội mới đây đã giúp cho mọi người có cái nhìn đa chiều, toàn diện hơn để cảm thông và trân trọng những người làm báo.
Dấn thân cùng nghề báo
Với Đại tá, nhà báo Đỗ Phú Thọ, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân, trong suốt 30 năm gắn bó với nghề báo có rất nhiều kỷ niệm, cả những khó khăn, nguy hiểm nhưng chưa từng “chùn chân, mỏi gối”. Được nghe ông chia sẻ kỷ niệm trong lần tác nghiệp tại vùng lũ tỉnh Nghệ An vào tháng 10-2007 sẽ cảm nhận được sự dấn thân của nhà báo.
Các nhà báo giao lưu, chia sẻ suy nghĩ, quan điểm về nghề báo tại Hội nghị "Gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu" nhân kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. |
Thời điểm đó, Quốc lộ 48 vào rốn lũ Quế Phong bị sạt lở, không một phương tiện nào di chuyển vào được. Để có thể phản ánh tình hình thực tế do bão lũ gây ra, ông quyết định đi vào Quế Phong bằng mọi giá. Sau nhiều giờ quan sát, nghĩ cách, khi nhìn thấy một phụ nữ cưỡi trâu đang di chuyển trên đoạn đường lầy lội, ông mạnh dạn ngỏ lời nhờ cô đưa vào. Với phương tiện “có một không hai” ấy, đi trên quãng đường đầy bùn đất, ông đã bị ngã, quần áo lấm lem nhưng quyết tâm và nhiệt huyết với nghề đã giúp ông vượt qua để có thể ghi nhận thực tế và cho ra đời tác phẩm “Nước mắt Quế Phong”. Tác phẩm này đã được vào vòng Chung khảo Giải Báo chí quốc gia năm 2007.
Nhà báo Đỗ Phú Thọ chia sẻ: “Tôi là nhà báo đầu tiên vào được rốn lũ Quế Phong. Trong quá trình hoàn thiện tác phẩm, nước mắt tôi đã rơi trên bàn phím bởi những gì mình chứng kiến quá đau thương. Lúc bấy giờ Quế Phong mất điện. Để có thể hoàn thành bài viết, tôi đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của lãnh đạo địa phương, nhân dân và thủ trưởng cơ quan. Những sự đồng hành, hỗ trợ đó đã tiếp thêm động lực để tôi hoàn thành sứ mệnh của mình”.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Trần Quốc Vượng tặng hoa và biểu trưng vinh danh cho các nhà báo lão thành tại Hội nghị "Gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu". |
Trong khi đó, những câu hỏi về khó khăn, vất vả của nhà báo nữ khi theo đuổi đam mê đã chạm đến nỗi niềm của nhà báo Phạm Thị Thanh Phương, Trưởng Phòng Thời sự Đài Phát thanh – Truyền hình và Báo Bình Phước. Theo chị, đối với nữ nhà báo thì những khó khăn, vất vả gặp phải trong nghề càng tăng lên gấp bội phần, đôi khi cũng khiến bản thân chùng xuống. Nhưng đã chọn nghề báo, chị lại “lao” vào với tất cả đam mê, sự dấn thân. Đặc biệt, trong đợt đại dịch Covid-19, chị đã phải gửi con gái mới 6 tuổi cho cô giáo để dành toàn bộ thời gian tác nghiệp, chấp nhận mọi rủi ro với mong muốn mang đến cho khán giả những tác phẩm hay, chân thực. “Đôi khi tôi tự hỏi tại sao mình không chọn một công việc đơn giản hơn, có thời gian dành cho gia đình nhiều hơn... Nhưng khi nghĩ đến những bậc lão thành đã đóng góp suốt chặng đường 95 năm qua cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam, tôi tự nhận thấy những khó khăn của mình chưa là gì và cần phải cố gắng nhiều hơn nữa”, chị Thanh Phương xúc động.
Giữ vững “lòng trong, bút sắc”
Có một thực tế là bên cạnh những nhà báo thực sự đam mê, dấn thân với nghề thì vẫn còn một số nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật, vụ lợi cho bản thân, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Do vậy, hơn bao giờ hết, mỗi nhà báo cần giữ gìn hình ảnh, uy tín của mình, giữ cho “lòng trong, bút sắc”.
Nhà báo Hà Đăng
|
Chia sẻ về vấn đề này, theo nhà báo Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, để chống lại sự tha hóa, biến chất, vụ lợi, mỗi nhà báo cần tự rèn luyện bản lĩnh, tu dưỡng phẩm chất chính trị, tự chống lại những tiêu cực trong bản thân thì mới có thể có những tác phẩm hay, phản ánh thực tế, phê phán những luận điệu sai trái. Nếu chống tiêu cực mà bản thân nhà báo không trong sáng thì sẽ thất bại.
Còn đối với nhà báo Đỗ Phú Thọ, trong suốt 30 năm làm nghề, ông đã rất nhiều lần bị các đối tượng gạ gẫm, mua chuộc để dừng lại hoặc viết khác đi. Khi từ chối, bản thân ông và người thân, gia đình đã bị đe dọa, nói xấu trên mạng… Theo ông, đã là nhà báo chân chính thì việc nhận những lời đe dọa, gạ gẫm, mua chuộc là chuyện bình thường. Quan trọng là bản thân mỗi nhà báo cần biết giữ mình.
Với suy nghĩ nghề báo cũng là một nghề để mưu sinh, nhà báo Phạm Thị Thanh Phương cho rằng điều để nhà báo đứng vững, vượt qua cạm bẫy vật chất đó chính là ý thức trách nhiệm với nghề. Nếu chỉ cần một lần thỏa hiệp, nhà báo sẽ đánh mất mình.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc