Multimedia Đọc Báo in

Góp ý vào Dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025

10:21, 31/08/2020
Đại tá Đào Viết Hùng, Chỉ huy trưởng  Bộ đội Biên phòng tỉnh:
Một số giải pháp để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, công tác đối ngoại 
biên phòng
 

Qua nghiên cứu Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (sau đây gọi Dự thảo), tôi thấy Dự thảo có tính tổng kết, khái quát cao, có cơ sở khoa học, phản ánh những vấn đề cơ bản từ thực tiễn, có tính định hướng lớn. Đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh, công tác đối ngoại, Dự thảo đã đánh giá đầy đủ các nội dung, những kết quả đã đạt được, cũng như đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng phát triển.

 

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, công tác đối ngoại biên phòng, theo tôi cần tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu:

Thứ nhất, tổ chức quán triệt sâu sắc, giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với đơn vị; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng trong Bộ đội Biên phòng tỉnh; gắn xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh với xây dựng cơ quan đơn vị vững mạnh toàn diện; xây dựng đội ngũ đảng viên gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ. Tích cực tạo nguồn cán bộ địa phương, nhất là cán bộ là người dân tộc thiểu số tại chỗ, bảo đảm cho cả trước mắt và lâu dài; quản lý chặt chẽ tình hình chính trị nội bộ, kịp thời đấu tranh ngăn chặn xử lý các phần tử thoái hóa, biến chất, không để kẻ địch và các phần tử xấu câu móc vào nội bộ đơn vị.
 
Thứ hai, nắm vững định hướng xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Tập trung xây lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở bảo đảm cho lực lượng biên phòng luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành tin cậy của Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
 
Thứ ba, chủ động nắm chắc tình hình địa bàn, khu vực biên giới, từ đó kịp thời tham mưu, đề xuất các phương án đấu tranh có hiệu quả, giữ vững an ninh biên giới quốc gia.
 
Thứ tư, đổi mới nâng cao chất lượng huấn luyện sát thực tiễn, đối tượng tác chiến và vũ khí trang bị hiện có, tạo sự chuyển biến cơ bản, vững chắc về khả năng cơ động, trình độ sẵn sàng chiến đấu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật tạo sự thống nhất cao về nhận thức, tư tưởng và hành động. Thường xuyên bổ sung kế hoạch tác chiến phòng thủ, các kế hoạch A, A2, A3, A4 để chủ động xử lý kịp thời có hiệu quả đối với các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trong mọi tình huống; tham gia diễn tập, luyện tập nâng cao trình độ tổ chức chỉ huy, hiệp đồng kỹ, chiến thuật đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân.
 
Thứ năm, tiếp tục thực hiện tốt kế hoạch công tác đối ngoại, giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết, hữu nghị và hợp tác giữa hai tỉnh cũng như giữa lực lượng bảo vệ biên giới Việt Nam – Campuchia, góp phần xây dựng biên giới hòa bình hữu nghị, nhất là vấn đề phân giới cắm mốc và giải quyết các vụ việc liên quan đến hai bên biên giới lãnh thổ. Thường xuyên phối hợp, trao đổi với lực lượng bảo vệ biên giới Campuchia bảo vệ biên giới, bảo vệ thành quả phân giới cắm mốc và trong phòng chống vượt biên xâm nhập, phòng chống thiên tai, dịch bệnh… bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trong mọi tình huống.
 
Ngoài ra, cần đẩy nhanh triển khai, khai thông cặp cửa khẩu Đắk Ruê/Việt Nam và Chi Miết/Campuchia. Từng giai đoạn có phương án hỗ trợ lực lượng vũ trang Campuchia các gói xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là lực lượng bảo vệ biên giới đối diện.
 
 
Thượng tá Trần Minh Trọng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Quân sự tỉnh, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh:
Quan tâm xây dựng các tiềm lực trong khu vực phòng thủ
 
Qua nghiên cứu Dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, nhất là báo cáo chính trị, tôi thấy các văn kiện đã được xây dựng, chuẩn bị công phu, bài bản; bố cục và kết cấu hợp lý, lôgic; nội dung đầy đủ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực và có tính khái quát cao; đồng thời xác định phương hướng mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, nhất là về lĩnh vực quốc phòng, an ninh của tỉnh.

Tôi xin tham gia ý kiến làm rõ thêm về công tác xây dựng các tiềm lực trong khu vực phòng thủ.

Xây dựng các tiềm lực trong khu vực phòng thủ vững chắc là chủ trương, chiến lược hết sức quan trọng, đúng đắn của Đảng, Nhà nước; là sự kế thừa, phát triển tư tưởng “lo giữ nước từ sớm, từ xa, từ lúc nước chưa nguy” của dân tộc ta, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới. Đặc biệt, với đặc điểm Đắk Lắk là một tỉnh biên giới, nằm ở trung tâm khu vực Tây Nguyên, là địa bàn trọng điểm về quốc phòng an ninh, có vị trí chiến lược quan trọng của khu vực Tây Nguyên và cả nước.
 
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ 2020 - 2025 như trong báo cáo chính trị trình đại hội đã xác định, cần tập trung vào một số nội dung, giải pháp như sau:
 
Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong tình hình mới, trọng tâm là Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; các chủ trương, chiến lược mới của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
 
Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc quy hoạch tổng thể bố trí đất quốc phòng, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 theo Quyết định số 2412/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tập trung nâng cao việc tổ chức quy hoạch và từng bước đầu tư xây dựng các thành phần thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ (KVPT); kết hợp giữa xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phục vụ dân sinh với xây dựng các công trình phòng thủ; tăng cường đầu tư phát triển các công trình phục vụ dân sinh mang tính lưỡng dụng, đồng thời sẵn sàng phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng khi có tình huống.
 
Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, quan tâm xây dựng lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh vững mạnh về chính trị tư tưởng, tổ chức và đạo đức; nâng cao chất lượng tổng hợp trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của LLVT địa phương. Tiếp tục đầu tư ngân sách cho việc xây dựng và hoạt động của LLVT, tạo điều kiện cho LLVT tỉnh nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đồng thời thực hiện tốt chính sách hậu phương Quân đội. Tập trung nâng cao việc tổ chức quy hoạch và từng bước đầu tư xây dựng các thành phần thế trận quân sự trong KVPT, tạo nên thế trận liên hoàn, vững chắc; phát huy cao nhất mọi khả năng để tạo sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ phòng thủ bảo vệ địa phương.
 
Thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng Đảng, chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng trong Đảng bộ, thực hiện tốt công tác tổ chức, cán bộ, công tác phát triển Đảng, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện; có cơ chế tạo việc làm ổn định cho số đảng viên trong lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên ở địa phương; đồng thời đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng các cấp, bảo đảm giữ vững sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện về mọi mặt của Đảng đối với nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ ở địa phương.
 
 
Ông Trần Phú Hùng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
Cần đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục nghề nghiệp
 

Trong Dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, các chỉ tiêu, nhiệm vụ đối với lĩnh vực lao động, người có công và xã hội đã được lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của cán bộ, đảng viên, quần chúng trong ngành lao động - thương binh và xã hội. Kết quả đánh giá công tác lao động, thương binh và xã hội đã được dự thảo báo cáo đánh giá hết sức sâu sát. Các chính sách về lao động, người có công và xã hội được triển khai có hiệu quả.

 Đối với công tác đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng, ngành đã tham mưu triển khai nhiều giải pháp đột phá, nhờ vậy đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của tỉnh. 

 
Tuy nhiên, công tác này cũng gặp một số khó khăn, đó là: Chất lượng đào tạo vẫn còn những mặt hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của xã hội; thiếu kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp. Hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị đào tạo nghề chưa được đầu tư đồng bộ; đội ngũ giáo viên đào tạo nghề còn thiếu, chưa được chuẩn hóa, đặc biệt là giáo viên dạy thực hành sau khi sáp nhập, sắp xếp; chính sách ưu đãi cho giáo viên tham gia đào tạo nghề còn thấp, nên chưa thu hút được các giáo viên, nghệ nhân, người lao động có tay nghề cao tham gia đào tạo nghề.
 
Nhận thức về vấn đề đào tạo nghề còn hạn chế; nhiều học viên học nghề lao động nông thôn sau khi tốt nghiệp có tâm lý không muốn đi làm xa gia đình, vì vậy việc chuyển đổi việc làm gặp nhiều khó khăn, thu nhập chưa ổn định. Nguồn lực cho Đề án đào tạo nghề nông thôn chưa đáp ứng được nhu cầu; chủ yếu từ ngân sách Trung ương hỗ trợ, nguồn hỗ trợ của địa phương và xã hội hóa chưa nhiều…
 
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, cần đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, cần thực hiện những giải pháp chủ yếu:
 
Hoàn thiện quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giảm đầu mối, tăng quy mô tuyển sinh và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động trường nghề và ngành nghề; đầu tư một cách tập trung theo hướng chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng, nhất là các điều kiện về chương trình, về giáo viên, cán bộ quản lý, về cơ sở vật chất, thiết bị.
 
Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm bền vững và tăng cường sự tham gia của hiệp hội nghề nghiệp, doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp liên kết với doanh nghiệp để đào tạo mới, đào tạo lại cho người lao động tại doanh nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp cùng tham gia vào hoạt động dạy nghề.
 
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tư vấn học nghề cho người lao động, nhất là lao động vùng nông thôn; phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo tư vấn, hướng nghiệp nhằm giúp học sinh hình thành được nhận thức về ý nghĩa của công tác phân luồng, lựa chọn ngành nghề học phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh gia đình.
 
Ông Phạm Quang Mười, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Cư M’gar:
Đẩy mạnh xây dựng liên kết chuỗi, đăng ký cấp mã vùng sản xuất
 
Qua nghiên cứu Dự tháo Báo cáo chính trị  (sau đây gọi là Dự thảo) trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tôi nhất trí với Dự thảo, song bản thân tôi xin góp ý bổ sung mấy vấn đề sau:

Dự thảo xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp: “Phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, ứng dụng công nghệ cao, sạch gắn với bảo vệ môi trường; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch. Tập trung đổi mới phương thức sản xuất trong nông nghiệp; triển khai đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là những mặt hàng có giá trị cao, hàng nông sản chế biến sâu; xác định và xây dựng các chuỗi sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh có chứng nhận, truy xuất nguồn gốc”. Về vấn đề này, tôi nghĩ, cần quan tâm đẩy mạnh xây dựng liên kết chuỗi trong sản xuất để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; đẩy nhanh việc đăng ký cấp mã vùng sản xuất đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

 
Trên thực tế, câu chuyện “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa” là chuyện muôn thuở của ngành nông nghiệp và đã xảy ra nhiều lần trên địa bàn tỉnh. Vấn đề liên kết chuỗi sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm trở thành bài toán sống còn của ngành nông nghiệp. Trong khi đó, “linh hồn” của liên kết chuỗi sản xuất đó là kinh tế hợp tác. Tỉnh Đắk Lắk cũng đã có Nghị quyết về phát triển kinh tế tập thể, tuy nhiên để xây dựng kế hoạch chi tiết về phát triển kinh tế tập thể thì cần phải quan tâm đến vấn đề nguồn nhân lực và định hướng cụ thể để phát triển trong thời gian tới. Đây là mấu chốt để giải quyết căn cơ việc tiêu thụ sản phẩm đối với các cây trồng chủ lực của tỉnh như cà phê, tiêu và đặc biệt sắp tới là cây ăn quả, loại cây đang có diện tích trồng lớn và phát triển nhanh như hiện nay. Điều này buộc chúng ta càng phải cân nhắc, tính toán đến việc xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, tìm đầu ra, thúc đẩy tiêu thụ và nâng cao giá trị sản phẩm nông sản sau này.
 
Để làm được điều đó, cần tạo điều kiện để các tổ chức nông dân xây dựng mã vùng trồng, trên cơ sở đó xây dựng mã đóng gói. Việc cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc nông sản được xem là "chìa khóa" trong việc xây dựng lòng tin về chất lượng, giúp minh bạch thông tin từ sản xuất, chế biến đến phân phối sản phẩm. Từ đó, việc tiêu thụ sẽ thuận lợi hơn rất nhiều và tránh việc ách tắc đầu ra đối với nông sản xuất khẩu. Do đó, nhiệm kỳ tới, Đắk Lắk cần chú trọng tập trung hỗ trợ nông dân xây dựng mã số vùng trồng xuất khẩu cho nhiều loại nông sản thế mạnh của địa phương. Đây là yêu cầu bắt buộc của các nước nhập khẩu hiện nay và cũng giúp cho thương hiệu nông sản địa phương được thị trường nhận biết tốt hơn, tăng sức cạnh tranh cho nông sản ở cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu. 
 
Thêm vào đó, ở tỉnh ta, hiện sản lượng hàng hóa của nhóm cây như bơ, sầu riêng, chanh dây, khoai lang sản xuất được là khá lớn. Nhóm các sản phẩm này hướng đến phục vụ thị trường chính là Trung Quốc và các nước châu Âu. Theo tôi, cần phải xúc tiến, đẩy nhanh việc đàm phán để ký hợp đồng mua bán chính ngạch. Khi đó, bài toán “được mùa mất giá” mới giải quyết được và giá trị sản phẩm thu về mới tương xứng.
 
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, để chạm mục tiêu đến năm 2025, tổng giá trị xuất khẩu đạt hơn 3,5 tỷ USD, bình quân 704 triệu USD/năm như trong Dự thảo đề ra, tôi cho rằng, Đắk Lắk cần đẩy mạnh liên kết chuỗi sản xuất gắn với xây dựng nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, góp phần mang lại giá trị gia tăng cao cho các sản phẩm nông nghiệp; đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng và thị trường xuất khẩu… Đây cũng là mục tiêu của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
 
Ông Nguyễn Xuân Lợi, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái:
Hỗ trợ toàn diện để kinh tế tư nhân phát triển
 
Trong nhiệm kỳ qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp, ngành đã dành sự quan tâm, tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Toàn tỉnh hiện có trên 10.300 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, tăng 1,93 lần so với năm 2015. Các doanh nghiệp chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh.

 

Cùng với đó, tỉnh ta cũng đã đạt được một số thành tựu nhất định trong lĩnh vực chế biến sâu, liên kết chuỗi, có một số mô hình như: "Hoàn thiện công nghệ sản xuất đa dạng hóa các sản phẩm chế biến sâu từ cà phê Việt Nam rang xay chất lượng cao", liên kết phát triển vùng nguyên liệu sản xuất cà phê bền vững, chế biến các sản phẩm từ trái cây bằng công nghệ bảo quản điện trường, sấy chân không, sấy lạnh... Một số sản phẩm chủ lực của tỉnh như cà phê, cao su, hồ tiêu, ca cao đã được chế biến, xuất khẩu ra thị trường trong và ngoài nước, được khách hàng đón nhận nhưng số lượng chưa nhiều, chưa khẳng định được thương hiệu.

 
Với tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại, tranh giành tài nguyên, thị trường, công nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các nước ngày càng quyết liệt, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tác động của dịch bệnh và xu hướng toàn cầu hóa tạo ra cả thời cơ và thách thức. Vì vậy, để phát huy tiềm năng về nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo của Đắk Lắk, theo tôi trong Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII cần tập trung đánh giá sâu, toàn diện hơn về sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, chỉ rõ những mặt còn hạn chế và có giải pháp thúc đẩy thành phần kinh tế này phát triển mạnh toàn diện.
 
Theo tôi, để phát triển kinh tế tư nhân trong tình hình mới theo Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 3-6-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, trong nhiệm kỳ mới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương quan tâm hỗ trợ phát triển chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp, tăng cường liên kết chuỗi trong quá trình phát triển kinh tế để tạo mô hình liên kết từ khâu nguyên liệu, chế biến, phát triển thị trường, xuất khẩu, gia tăng giá trị kinh tế cho người dân; cần quan tâm xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường xuất khẩu các sản phẩm địa phương đã chế biến; khuyến khích, hỗ trợ các dự án công nghệ cao, công nghệ chế biến sâu nông sản; UBND tỉnh và các sở, ngành có chính sách thu hút nhân lực kỹ thuật và tay nghề cao, như ưu đãi về thuế và nhà ở, hỗ trợ đầu tư, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường; đồng thời xác định và xây dựng các chuỗi sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh, có chứng nhận, truy xuất nguồn gốc; từng bước chuyển đổi cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng hàng chế biến sâu, giảm tỷ lệ sơ chế và xuất thô.
 
Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Bí thư Chi bộ thôn Tiến Đạt, xã Quảng Tiến (huyện Cư M’gar):
Thực hiện tốt hơn nữa công tác định hướng sản xuất, bám sát thông tin thị trường
 

Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đánh giá đầy đủ những việc đã làm được, cũng như những hạn chế cần khắc phục. Riêng tôi nhận thấy, thời gian qua, tỉnh ta luôn quan tâm chú trọng vào những lĩnh vực, ngành mà tỉnh có lợi thế để đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, chú trọng các giải pháp thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển; coi trọng công tác đào tạo nghề, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

Từ thực tiễn sản xuất, kinh doanh, tôi xin góp thêm một số ý kiến trong lĩnh vực nông nghiệp như sau: Một trong những vấn đề khiến bản thân tôi cũng như nhiều nông dân khác trăn trở trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua là nông dân chúng tôi vẫn thiếu thông tin đối với chính cây trồng, vật nuôi do mình làm ra. Đôi khi, chính bản thân tôi cũng như nhiều nông dân khác ở địa phương cứ sản xuất theo kiểu tù mù thông tin về thị trường tiêu thụ, nhu cầu tiêu dùng, các kênh phân phối, xu hướng sản phẩm… Vì vậy, cảnh hàng hóa ế thừa mà không có nơi tiêu thụ, điệp khúc “được mùa mất giá” cứ lặp lại khiến chúng tôi điêu đứng.

 
Trong sản xuất nông nghiệp, giá cả bấp bênh có nguyên nhân từ chính việc ồ ạt sản xuất mà không cập nhập, dự đoán được nhu cầu thị trường, từ đó dẫn đến cung vượt cầu, sản phẩm bế tắc đầu ra. Do đó, theo tôi việc cung cấp thông tin giúp người nông dân định hướng sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm và sản xuất theo nhu cầu của thị trường là vấn đề hết sức quan trọng cần phải được chú trọng thực hiện trong nhiệm kỳ tới. Để làm được điều này thì đòi hỏi vai trò trách nhiệm, sự tâm huyết của các sở, ngành, cơ quan liên quan trong việc theo sát nông dân để cung cấp kiến thức về kinh tế thị trường nông nghiệp, nông thôn… cần được phát huy hơn nữa, tránh tình trạng người nông dân như chúng tôi “tự bơi” trong cơ chế thị trường như hiện nay.
 
Để đạt chỉ tiêu đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt 59,69 triệu đồng/năm và tỷ lệ hộ nghèo cả tỉnh giảm bình quân 1,5 - 2%/năm, riêng hộ nghèo dân tộc thiểu số hằng năm giảm 3 - 4% như trong Dự thảo Báo cáo chính trị, tôi mong muốn, giải pháp trong thời gian tới, tỉnh cần quan tâm hơn nữa đến công tác định hướng sản xuất, bám sát thông tin về nhu cầu tiêu thụ để giúp nông dân biết mình nên lựa chọn loại cây trồng, vật nuôi nào để sản xuất phù hợp với thị trường đang cần, tạo thuận lợi trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.
 
Quỳnh Anh - Đỗ Lan - Nguyễn Xuân (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.