Multimedia Đọc Báo in

Học tập và làm theo Bác bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả (*)

Bài 2: Dựa vào dân để làm dân vận

08:58, 21/08/2020

Nhận thức sâu sắc về giá trị to lớn, bền vững của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong công tác dân vận, nhiều năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã đổi mới nội dung, phương thức vận động quần chúng nhân dân với quan điểm xuyên suốt: “Lấy dân làm gốc”.

Để làm tốt công tác dân vận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu: “Phải hợp tác mật thiết với cán bộ địa phương, phải đi sát với nhân dân, phải thực sự nhúng tay vào việc chứ không phải nói suông, ngồi viết mệnh lệnh. Muốn vậy, người làm công tác dân vận trước hết phải có uy tín với nhân dân”.

Vận dụng tư tưởng của Bác trong công tác dân vận, những năm qua, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tham mưu Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cụ thể hóa và chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác dân vận ở từng lĩnh vực, ở các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương. Hướng về cơ sở, gần dân, sát dân, Ban Dân vận các cấp và các đội công tác phát động quần chúng đã được nhân dân cung cấp nhiều thông tin quan trọng giúp cơ quan chức năng bóc gỡ nhiều cơ sở ngầm của các thế lực thù địch, làm tan rã ý đồ lôi kéo nhân dân tham gia biểu tình, bạo loạn...

“Chính nhờ “lấy dân làm gốc” và dựa vào dân để làm dân vận đã góp phần củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Ðảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Ðảng với nhân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân, tạo phong trào cách mạng rộng lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” - Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Mai Thị Lan Anh.

Là đảng viên người Kinh nhưng hơn 10 năm qua, ông Trịnh Duy, Đội trưởng Đội Công tác phát động quần chúng chuyên trách xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) được “biệt phái” sang làm Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân vận buôn Dhă Prông. Phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, ông đã vực dậy hoạt động của chi bộ, từ chỗ chỉ có 3 đảng viên (năm 2007), đến nay phát triển lên 21 đảng viên, trong đó có 15 đảng viên người dân tộc thiểu số tại chỗ. Chi bộ cũng đã cùng với ban tự quản, các đoàn thể và thành viên Tổ dân vận buôn “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” nắm bắt những sự việc phát sinh trong nội bộ nhân dân để giải quyết kịp thời. Trường hợp chị H’Nhất Êban vượt biên trở về đã nhận được sự đùm bọc, bao dung của buôn làng cũng nhờ có sự kết nối và uy tín của ông Trịnh Duy...

Chị H’Nhất nhớ lại: Cuối năm 2019, nghe lời kẻ xấu xúi giục, chị đã dắt theo hai người con vượt biên sang Thái Lan. Đến nơi, nhận thấy cuộc sống ở nơi đất khách quê người không như trong mơ, H’Nhất muốn quay về nhưng không biết phải làm thế nào... Rồi chị nhớ đến ông Trịnh Duy và gọi điện nhờ giúp đỡ. Qua nguồn tin của ông Duy, các cơ quan chức năng đã can thiệp để đưa mẹ con chị được trở về với buôn làng vào tháng 4-2020 vừa qua.

Lãnh đạo Ban Dân vận Huyện ủy  Ea Kar cùng  cấp ủy,  ban tự quản buôn M'Oa, xã Cư Huê  tìm hiểu  tình hình  phát triển  kinh tế  của người dân trong buôn.  Ảnh: Hương Xuân
Lãnh đạo Ban Dân vận Huyện ủy Ea Kar cùng cấp ủy, ban tự quản buôn M'Oa, xã Cư Huê tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế của người dân trong buôn. Ảnh: Hương Xuân

Không chỉ trường hợp của chị H’Nhất, thời gian qua, Ban Dân vận các cấp và các đội công tác phát động quần chúng trên địa bàn tỉnh đã tham mưu hòa giải, xử lý nhiều vụ việc khiếu kiện đất đai, giải tỏa, đền bù trên địa bàn. Điển hình như vụ 40 hộ dân tại thôn 7 (xã Ea Rốk, huyện Ea Súp); 12 buôn thuộc xã Ea Hồ (huyện Krông Năng); vụ gây rối ở xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) liên quan đến dự án khu tái định cư công trình Hồ Krông Búk Hạ; vụ chặt phá vườn keo và điều tại xã Ia Lốp (huyện Ea Súp); các vụ khiếu nại vượt cấp liên quan đến giao khoán sản phẩm của các công ty cà phê... Những kết quả đó ngày càng khẳng định vai trò của Ban Dân vận các cấp trong việc vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong công tác dân vận, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với cấp ủy đảng và chính quyền các cấp. 

Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Mai Thị Lan Anh khẳng định: Nhờ vận dụng tốt quan điểm dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác vận động quần chúng, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã cùng các cấp, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương triển khai công tác “dân vận khéo” đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần ổn định an ninh chính trị, an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

(Còn nữa)

Lê Hương – Nguyễn Xuân

 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.