Multimedia Đọc Báo in

Đẩy mạnh mô hình hợp tác, đối tác "Trường Đại học Tây Nguyên - đơn vị sử dụng lao động"

06:59, 16/09/2020

Nhằm thực hiện mục tiêu tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định nhiệm vụ: “tích cực đề xuất, tạo điều kiện để nâng cấp, phát triển Trường Đại học Tây Nguyên đạt chuẩn khu vực. Nghiên cứu, đề xuất, triển khai thành lập các trường đại học, cao đẳng chuyên ngành, đa ngành… tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và định hướng xuất khẩu” và “có cơ chế khả thi nhằm phát huy vai trò của các trung tâm, các viện nghiên cứu, các trường, đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh tham gia vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”. Đây là những nhiệm vụ được xác định theo hướng gắn việc đào tạo nghề với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để thực hiện được nhiệm vụ trên, chúng tôi xin đề xuất giải pháp thúc đẩy việc thực hiện mô hình hợp tác, đối tác “Trường Đại học Tây Nguyên – đơn vị sử dụng lao động” tại tỉnh Đắk Lắk nhằm mục tiêu tập trung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đại học Tây Nguyên hiện là trường đại học trọng điểm của vùng Tây Nguyên với việc đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực. Trong suốt nhiều năm qua, nhà trường đã đào tạo cho các địa phương của vùng Tây Nguyên và các địa phương khác trên cả nước hơn 25.000 bác sĩ, cử nhân, kỹ sư các ngành: Y khoa, Sư phạm, Công nghệ thông tin, Nông – Lâm nghiệp, Kinh tế, Giáo dục chính trị… Các chương trình đào tạo được cập nhật theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội. Tuy vậy, trên thực tế, vẫn còn có những điểm chưa thực sự phù hợp giữa chương trình đào tạo với yêu cầu của các đơn vị sử dụng lao động. Chính sự không phù hợp này góp phần làm tăng tình trạng thất nghiệp và tăng trưởng kinh tế thấp ở địa phương.

Mô hình hợp tác, đối tác “Trường Đại học Tây Nguyên – đơn vị sử dụng lao động” là hợp tác giữa giáo dục chính quy với các đơn vị sử dụng lao động nhằm tạo môi trường hỗ trợ sinh viên tích lũy kinh nghiệm công việc, kiến thức, kỹ năng và ứng xử phù hợp với các vị trí việc làm. Thông qua mô hình hợp tác này, nhà trường có thể trang bị cho sinh viên những kỹ năng nghề nghiệp thích hợp. Sự hợp tác này được thực hiện bằng cách tổ chức cho sinh viên tham quan các đơn vị sử dụng lao động. Đồng thời, các đơn vị sử dụng lao động tham gia trợ giảng cho nhà trường, cung cấp trang thiết bị và nguồn nhân lực để phát triển kỹ năng.

Cán bộ, giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên thực hiện nghiên cứu khoa học.
Cán bộ, giảng viên Trường Đại học Tây Nguyên thực hiện nghiên cứu khoa học.

Trường Đại học Tây Nguyên luôn sẵn sàng xây dựng lộ trình hợp tác cho các lĩnh vực liên quan đáp ứng yêu cầu của các đơn vị sử dụng lao động (nội dung, chương trình đào tạo; cách thức tổ chức đào tạo; huy động đội ngũ giáo viên, sinh viên tham gia…). Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng hợp tác giữa các đơn vị sử dụng lao động và nhà trường thì chúng tôi cho rằng, trong chiến lược phát triển của đơn vị sử dụng lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp có thể quan tâm tới những cơ hội hợp tác với nhà trường, cụ thể như: (1) Chuẩn bị chương trình đào tạo kỹ năng phù hợp với kế hoạch đào tạo của nhà trường; (2) Tham gia tài trợ cho nhà trường trong việc đưa giáo viên, sinh viên tham quan, khám phá, tiếp xúc công việc thực tế của doanh nghiệp phù hợp với thực tiễn; (3) Cử nhân sự chuyên môn tham gia vào quá trình giảng dạy một số nội dung đặc biệt trong hoạt động đào tạo; (4) Trao cơ hội học bổng, việc làm cho sinh viên; (5) Tham gia chứng nhận kết quả thực tập cho sinh viên.

Việc triển khai áp dụng mô hình hợp tác “Trường Đại học Tây Nguyên – đơn vị sử dụng lao động” sẽ tạo việc làm bền vững cho người lao động từ việc đào tạo được đội ngũ nhân lực có kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, từ đó góp phần phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Lắk.

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.