Multimedia Đọc Báo in

Công tác kiểm tra, giám sát: Siết chặt kỷ cương, kỷ luật của Đảng

06:57, 14/10/2020

Xác định công tác kiểm tra, giám sát là một trong những nội dung quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, nhiệm kỳ qua, các cấp ủy đảng đã tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.

Sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy, chương trình hoạt động toàn khóa, phân công nhiệm vụ của cấp ủy viên, ủy viên Ban Thường vụ phụ trách địa bàn, chương trình kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ và hằng năm. Tỉnh ủy cũng chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng căn cứ chương trình kiểm tra, giám sát của cấp trên và nghị quyết hằng năm của cấp ủy, điều kiện thực tế của địa phương để đề ra chương trình kiểm tra, giám sát có trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng chương trình thực hiện và chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc triển khai thực hiện Chương trình kiểm tra, giám sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; xây dựng Chương trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đoàn công tác của UBKT Tỉnh ủy kiểm tra, giám sát tại xã Hòa Phong (huyện Krông Bông).
Đoàn công tác của UBKT Tỉnh ủy kiểm tra, giám sát tại xã Hòa Phong (huyện Krông Bông).
 
“Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng cần chủ động kiểm tra, giám sát thường xuyên, toàn diện, kết hợp với kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, đột xuất theo chuyên đề; trong đó, cần coi trọng phòng ngừa, lấy “xây” là chính, đồng thời xây dựng lực lượng làm công tác kiểm tra, giám sát vững vàng về chính trị, có trình độ, “tâm trong, lòng sáng”.
 
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Bùi Văn Cường

Các ban Đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn đã chủ động phối hợp với cấp ủy, tổ chức đảng, Nhà nước để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đối với thành viên tổ chức mình trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, việc tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ hằng năm, thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong làm việc, thực hiện những điều cán bộ, công chức, đảng viên không được làm.

Các cấp ủy, UBKT các cấp đã tập trung kiểm tra, giám sát việc chấp hành đường lối, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trách nhiệm lãnh đạo, điều hành, quản lý, nhất là đối với người đứng đầu cấp ủy, địa phương, đơn vị; những lĩnh vực, địa bàn, đối tượng có vấn đề phức tạp, những nơi có biểu hiện mất đoàn kết và có đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, UBKT các cấp cũng tích cực, chủ động giám sát thường xuyên, nắm tình hình địa bàn, lĩnh vực, kịp thời phát hiện và kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, giải quyết tố cáo, khiếu nại kỷ luật đảng.

Kỳ họp thứ 78 của UBKT Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Kỳ họp thứ 78 của UBKT Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Trong nhiệm kỳ qua, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 4.030 lượt tổ chức (tăng 8,39% so với nhiệm kỳ trước) và 125.793 lượt đảng viên (tăng 22,25% so với nhiệm kỳ trước); giám sát chuyên đề đối với 2.090 lượt tổ chức và 12.640 lượt đảng viên. Qua kiểm tra, phát hiện 36 tổ chức và 1.170 đảng viên thực hiện chưa tốt nội dung được kiểm tra, trong đó có 2 tổ chức và 271 đảng viên có vi phạm... UBKT các cấp đã phát hiện và kiểm tra đối với 1.805 đảng viên (tăng 21,79% so với nhiệm kỳ trước), 78 tổ chức đảng. Qua kiểm tra kết luận có 1.780 đảng viên  và 77 tổ chức đảng có vi phạm.

Theo đánh giá của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn, nhìn chung, công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng và UBKT các cấp trong tỉnh ngày càng đi vào nền nếp, đã thực hiện đồng bộ giữa kiểm tra và giám sát có chất lượng, hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Đặc biệt, qua kiểm tra, giám sát đã chủ động giáo dục, phòng ngừa, giúp tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên kịp thời thấy được ưu điểm để phát huy, đồng thời nhận rõ những khuyết điểm, hạn chế để sửa chữa, phắc phục; phát hiện được những thiếu sót trong lãnh đạo, quản lý để điều chỉnh, bổ sung; xử lý nghiêm những sai phạm của tổ chức đảng và đảng viên. Nhờ đó, kỷ luật của Đảng, kỷ cương hành chính của Nhà nước được tăng cường; tạo sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng; góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, chính quyền.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.