Tập trung phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh
Nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, phía Tây giáp tỉnh Mondulkiri (Campuchia) với đường biên giới dài 73 km, Đắk Lắk có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội (KT-XH), quốc phòng - an ninh (QP-AN) của Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.
Nhận thức rõ điều đó, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh xác định chủ trương gắn phát triển KT-XH với tăng cường, củng cố QP-AN là nhiệm vụ, giải pháp thường xuyên, quan trọng. Trong đó, lấy phát triển kinh tế là trung tâm, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân là yếu tố quan trọng để tăng cường QP-AN, tạo môi trường thuận lợi đảm bảo cho tỉnh phát triển một cách toàn diện, bền vững.
Chủ trương này đã được thể chế hóa bằng các nghị quyết, chỉ thị: Chương trình số 43-CTr/TU ngày 07/10/2014 của Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Kế hoạch số 30/KH-UBND ngày 19/3/2015 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình số 43-CTr/TU của Tỉnh ủy; Đề án số 37/ĐA-UBND ngày 31/3/2015 của UBND tỉnh về “Bảo đảm quốc phòng” tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 30/KH-UBND ngày 13/3/2016 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Bảo đảm Quốc phòng” của tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 155/2015/NQ-HĐND ngày 10/7/2015 của HĐND tỉnh về “Quy hoạch xây dựng vùng biên giới tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”… với các nội dung, giải pháp đồng bộ, cụ thể trong từng quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án phát triển KT-XH, bảo đảm mỗi bước tăng trưởng về kinh tế là một bước tăng cường, củng cố tiềm lực QP-AN. Đáng chú ý là Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và điều chỉnh, bổ sung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khẳng định rõ các quan điểm cùng mục tiêu, định hướng phát triển và giải pháp thực hiện… đã trở thành cơ sở để tỉnh xây dựng các kế hoạch phát triển KT-XH, đảm bảo QP-AN phục vụ cho công tác quản lý, điều hành.
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020, các cấp, các ngành đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển KT-XH nhanh, bền vững, hội nhập, kết hợp chặt chẽ với QP-AN. Theo đó, đối với sản xuất nông nghiệp, tỉnh chú trọng triển khai tái cơ cấu theo hướng ứng dụng công nghệ cao, đổi mới tổ chức sản xuất, tăng cường hợp tác, liên kết, thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và chế biến sâu, theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với thị trường. Cơ cấu công nghiệp - xây dựng chuyển dịch tích cực, năng lượng tái tạo phát triển nhanh; quy hoạch xây dựng đi trước làm cơ sở quản lý và bảo đảm tính định hướng, đồng bộ. Thương mại - dịch vụ duy trì được tốc độ tăng trưởng, hoạt động du lịch phát triển khá; công tác xúc tiến, quảng bá du lịch được quan tâm. Giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa - xã hội tiếp tục đạt nhiều tiến bộ; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được duy trì tốt; chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên, từng bước đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân. Chính sách dân tộc và công tác dân tộc được triển khai kịp thời, đồng bộ đã góp phần ổn định vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào vùng khó khăn ngày càng được cải thiện; diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc...
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị (thứ ba từ phải sang) thăm Cụm nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện (huyện Ea Súp). Ảnh: Minh Thông |
Trong 5 năm qua, tăng trưởng kinh tế (GRDP theo giá so sánh năm 2010) bình quân đạt 8,75%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng cao, năm 2020 ước đạt 62.500 tỷ đồng, gấp 1,52 lần so với năm 2015. Cơ cấu kinh tế (theo giá hiện hành) chuyển dịch mạnh mẽ ở hai khu vực nông - lâm - thủy sản (giảm từ 45,4% xuống còn 36%) và dịch vụ (tăng từ 35,3% lên 45,2%); ngành công nghiệp - xây dựng tăng đều qua các năm, từ 15,6% lên 16,5%. Ngành dịch vụ ngày càng giữ vai trò dẫn dắt, đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng chung. GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) ước đạt 54,55 triệu đồng (tương đương 2.363 USD), gấp 1,67 lần năm 2015... Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh phát triển nhanh, bền vững, tăng cường tiềm lực cho QP-AN, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.
Những thành tích nổi bật trong lĩnh vực QP-AN, thể hiện qua các tiêu chí về tuyển quân hằng năm đạt 100% chỉ tiêu; công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên đủ 100% đầu mối, đơn vị; 100% xã biên giới, xã trọng điểm về QP-AN có tiểu đội dân quân thường trực. Các tiềm lực khu vực phòng thủ được tăng cường, hệ thống công trình quốc phòng, phương tiện kỹ thuật được quan tâm đầu tư, phù hợp với quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH. Tỉnh cũng từng bước nghiên cứu, xây dựng các quy chế, quy định để kết hợp việc xây dựng các công trình dân sinh gắn với yếu tố QP-AN. Các lực lượng vũ trang được củng cố về tổ chức và biên chế, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ khác…
Với đặc điểm là địa bàn chiến lược quân sự, hội tụ cả vấn đề dân tộc, tôn giáo, biên giới, lãnh thổ, vì vậy để tiếp tục thực hiện hiệu quả gắn phát triển KT-XH với củng cố QP-AN, trong thời gian tới các cấp, ngành của tỉnh cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt và thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến thực hiện kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường củng cố QP-AN trong tình hình mới, phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Hai là, chú trọng xây dựng chiến lược cụ thể kết hợp phát triển KT-XH với tăng cường củng cố QP-AN; đồng thời coi trọng tính “lưỡng dụng” của các công trình, dự án khi đầu tư xây dựng trong mối liên hệ tổng thể giữa KT-XH với QP-AN cả trước mắt cũng như lâu dài.
Ba là, tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ phát triển KT-XH, trong đó quan tâm chăm lo, nâng cao đời sống nhân dân ở những địa bàn trọng yếu về QP-AN, địa bàn biên giới; làm tốt công tác dân vận, vận động nhân dân đẩy nhanh Chương trình xây dựng nông thôn mới, ổn định dân cư tại các thôn, buôn biên giới, hình thành vành đai dân cư góp phần tạo sự ổn định về an ninh chính trị.
Bốn là, tiếp tục củng cố, xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh vững mạnh, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở, có đủ trình độ, năng lực tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác quân sự, QP-AN, thẩm định các dự án kinh tế theo yêu cầu gắn kinh tế với quốc phòng.
Năm là, chú trọng xây dựng khu vực phòng thủ, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững chắc; đẩy mạnh nắm tình hình, chủ động xử lý các tình huống, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình mới…
Phạm Ngọc Nghị
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh
Ý kiến bạn đọc