Multimedia Đọc Báo in

Tự hào vùng đất Anh hùng

09:03, 23/11/2020

Huyện Krông Bông được chọn làm căn cứ cách mạng của tỉnh (mật danh H9) trong kháng chiến. Căn cứ cách mạng H9 đã đi vào lịch sử, góp phần quan trọng hỗ trợ phong trào cách mạng trên một vùng rộng lớn Nam Tây Nguyên đi đến ngày toàn thắng.

Trong kháng chiến, dẫu hứng chịu nhiều trận mưa bom bão đạn, chịu nhiều cực hình tra tấn và cả những thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc của địch nhưng người dân xã Cư Pui vẫn anh dũng, kiên cường bám rừng, bám buôn nuôi giấu cán bộ, chi viện sức người, sức của và các phương tiện để đánh đuổi giặc ngoại xâm. Đồng bào các dân tộc Êđê, M'nông luôn vững tin vào Đảng, vững tin vào công cuộc kháng chiến gian lao mà anh dũng, kiên trung đi đến thắng lợi cuối cùng.

Học sinh  Trường Mẫu giáo  Cư Pui  được học trong những phòng học  khang trang.
Học sinh Trường Mẫu giáo Cư Pui được học trong những phòng học khang trang.
Năm 1996, huyện Krông Bông và hai tập thể là Du kích xã Khuê Ngọc Điền cùng đơn vị An ninh nhân dân H9 đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2010, quân và dân huyện Krông Bông tiếp tục được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba và 5 xã vùng căn cứ cách mạng được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 2015, huyện Krông Bông được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Truyền thống cách mạng ấy đang được chính quyền và nhân dân xã Cư Pui phát huy trong công cuộc dựng xây, phát triển kinh tế. Giờ đây ở xã Cư Pui, những tuyến đường liên xã, liên thôn được bê tông sạch đẹp; có nhiều nhà xây khang trang; con em dân tộc thiểu số được học tập trong những ngôi trường kiên cố, đầy đủ trang thiết bị. Điển hình trong phong trào phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững góp phần tạo nên diện mạo mới cho xã Cư Pui hôm nay là buôn Đắk Tuôr - buôn căn cứ cách mạng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Buôn Đắk Tuôr có 141 hộ, 780 khẩu, nếu như năm 2002 tỷ lệ hộ nghèo của buôn chiếm hơn 70%, thì nay giảm còn 53%; nhiều ngôi nhà được xây mới khang trang, 100% hộ có phương tiện nghe nhìn. Ông Y Thu Niê, Trưởng buôn Đắk Tuôr phấn khởi: “Những năm gần đây, bà con trong buôn đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Trường học, điện, đường giao thông được đầu tư nâng cấp, đời sống của người dân khấm khá hơn trước”.

Từng bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh nhưng ngày nay xã Hòa Phong đang từng bước chuyển mình. Bà H’Sê Mdrang (thương binh) ở buôn Ngô A cảm nhận rõ sự đổi thay nơi mình gắn bó từ những ngày gian khổ. Trong ký ức của bà, Hòa Phong là mảnh đất anh hùng, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi nhà đều có hầm nuôi giấu cán bộ, bộ đội. Bà H’Sê tâm sự: “Quê hương ngày nay đã đổi thay nhiều. Trạm y tế, trường học, đường sá... được đầu tư. Cán bộ về tận nhà hướng dẫn bà con cách trồng lúa nước, ngô, sắn. Hộ nghèo thì được hỗ trợ vay vốn, cấp cây, con giống". Từ chỗ thiếu ăn, thiếu mặc, canh tác lạc hậu, xã Hòa Phong hiện có 4.698 ha cây trồng các loại, trong đó hơn 3.000 ha lúa, cà phê, ngô có năng suất ổn định; hơn 97% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh. Các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng, tạo điều kiện cho các gia đình chính sách vươn lên.

Đường giao thông xã căn cứ cách mạng Hòa Phong được kiên cố hóa.
Đường giao thông xã căn cứ cách mạng Hòa Phong được kiên cố hóa.

Ông Y Thức Êban, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông cho biết, giai đoạn 2015 - 2020, tổng số vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn huyện là hơn 2.248 tỷ đồng. Nhờ sự đầu tư của Nhà nước, cuộc sống của người dân vùng dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng  đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 23,89% (trung bình giảm trên 3%/năm). Dẫu vậy vùng căn cứ cách mạng vẫn còn nhiều khó khăn, như: hạ tầng giao thông nhiều nơi hư hỏng, xuống cấp; các dự án du lịch chưa được đầu tư khai thác hiệu quả; công trình thủy lợi, hồ chứa nhỏ không bảo đảm tưới tiêu; thường xuyên xảy ra khô hạn, lũ lụt...

Trong thời gian tới, huyện tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, lồng ghép hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với các chính sách hỗ trợ giảm nghèo; tiếp tục vận động các nguồn lực hỗ trợ xây dựng nhà ở, cấp giống cây trồng, vật nuôi giúp người dân phát triển kinh tế.

Như Quỳnh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.