Khúc tưởng vọng ân tình (Kỳ 1)
Những ngày cuối năm, nhiều thân nhân liệt sĩ ở miền Bắc đã không quản đường xa, vượt hàng nghìn cây số vào Đắk Lắk đón con, em về lại nơi chôn nhau cắt rốn.
Giây phút sum vầy không trọn vẹn như lẽ thường, nhưng để có được khoảnh khắc ấy, nhiều gia đình đã khắc khoải đợi chờ hàng chục năm trời, thậm chí là nửa đời người. Trên hành trình bền bỉ tìm kiếm và ngóng đợi thông tin liệt sĩ, người thân nhận được sự giúp đỡ chí tình chí nghĩa và ấm áp từ các cơ quan chức năng, từ đồng chí đồng đội của các liệt sĩ.
Kỳ 1: Tìm lại tên cho đồng đội
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ở chốn hậu phương, nhiều thân nhân liệt sĩ của Trung đoàn 25 (Bộ Tư lệnh B3 Tây Nguyên) vẫn ngày đêm ngóng đợi tin tức con em mình trong thương nhớ. Thấu hiểu nỗi niềm ấy, có người sẵn sàng gác lại việc riêng, dành nhiều năm trời để tìm lại tên cho đồng đội. Ông là Nguyễn Ngọc Sương, nguyên cán bộ chính sách Trung đoàn 25, thành viên Ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 25.
Thăm thẳm đường về
Trung đoàn 25 được thành lập ngày 15-9-1972, có đơn vị tiền thân là Trung đoàn Đặc công 400 giải thể và một số đơn vị khác được điều động bổ sung. Can trường trong mưa bom bão đạn, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong các trận đánh trên vùng đất Tây Nguyên và các địa bàn lân cận. Anh dũng kiên cường, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ có tuổi đời còn rất trẻ của Trung đoàn đã mãi mãi nằm lại giữa chiến trường để dệt nên bình yên, hạnh phúc trên từng tấc đất thiêng của Tổ quốc…
Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh - nơi các liệt sỹ Trung đoàn 25 yên nghỉ. |
Bao năm qua, gia đình liệt sĩ Lưu Như Đình (quê ở huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội) khắc khoải tìm kiếm, thăm hỏi thông tin trong vô vọng. Ông Lưu Xuân Đính – em trai liệt sĩ cho hay, anh trai mình lập gia đình chưa bao lâu thì lên đường nhập ngũ. Bặt tin trong hai năm liền, sau đó gia đình nhận được giấy báo tử. Chỉ vẻn vẹn thông tin liệt sĩ Lưu Như Đình hy sinh ngày 16-11-1973, khi vừa tròn 23 tuổi, gia đình đã đằng đẵng thực hiện hành trình tìm kiếm mộ cốt suốt từ hồi ấy đến nay, nhiều khi sốt ruột quá đã tính đến chuyện nhờ cậy vào nhà ngoại cảm, nhưng rồi thấy không yên tâm, nên vẫn đau đáu cầu mong có một phép màu kỳ diệu nào đó.
Cũng vì quá sốt ruột mong muốn được rõ thông tin về liệt sĩ Cao Xuân Khanh (quê ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) nên thân nhân đã tìm đến nhà ngoại cảm, nhưng kết quả không được như mong đợi. Chị Cao Thị Ngư, con gái duy nhất của liệt sĩ cho hay, day dứt nỗi niềm bởi hàng chục năm cách trở, không rõ thông tin về bố, nên đã cùng gia đình nhiều lần lên Đắk Lắk tìm kiếm, thậm chí năm 2012 còn tìm đến nhà ngoại cảm. Mãi đến năm 2019, khi đón nhận kết quả xét nghiệm ADN, gia đình mới biết phần mộ được nhà ngoại cảm chỉ trước đây hoàn toàn không chính xác…
Trên đây chỉ là hai trong muôn vàn trường hợp vẫn luôn khắc khoải, mong ngóng được thắp nén tâm nhang trước mộ phần người thân của mình đã nằm lại đâu đó nơi chiến trường xa xôi. Trong số họ, có người may mắn tìm được chính xác mộ liệt sĩ, cũng có những gia đình phải mất nhiều năm trời xuôi ngược khắp nơi, giám định ADN nhiều lần mới tìm được đúng thông tin. Lại có những trường hợp nhờ cậy nhà ngoại cảm dẫn đến tình trạng một phần mộ có tới 2 – 3 gia đình cùng nhận, nhưng kết quả cuối cùng đều không đúng phần mộ cần tìm…
Tiếng lòng đồng đội
Từng là cán bộ chính sách của Trung đoàn 25, ông Nguyễn Ngọc Sương trực tiếp tổng hợp các tin báo từ chiến trường về những đồng đội bị thương, hy sinh. Vốn là người cẩn thận, tỉ mỉ, ông ghi chép đầy đủ, chi tiết tên tuổi, địa chỉ, năm hy sinh, tọa độ mai táng… Đây cũng là cơ sở thúc giục ông suốt hơn 20 năm ngược xuôi khắp các tỉnh thành liên quan để rõ hơn tình hình quy tập, an táng đồng đội.
Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Sương thắp hương cho các đồng đội. |
Ông cho hay, Trung đoàn có 376 liệt sĩ, gồm 295 hài cốt đã được quy tập về các nghĩa trang trong, ngoài tỉnh và 81 liệt sĩ đến nay chưa được quy tập, tìm thấy. Trong đó có 106 mộ chưa rõ tên được an táng tại lô E, Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh (98 mộ) và Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Cư M’gar (8 mộ).
Ông Lê Hải Lý, Trưởng Phòng Người có công - Sở Lao động – Thương binh và Xã hội
|
Đau đáu với nguyện vọng đưa đồng đội về với thân nhân, gia đình, năm 2014, ông tiếp tục rà soát lại thông tin và bắt đầu hành trình đề nghị được giám định AND cho các đồng đội tại Viện Pháp y Quân đội. Cũng từ đây, đằng đẵng nhiều năm, ông tự bỏ tiền túi, ngược xuôi không biết bao lần ra Bắc, vào Nam, gõ cửa các cơ quan chức năng để hoàn chỉnh hồ sơ, tờ trình với ước mong có được một kết quả tốt nhất.
Ông bộc bạch, thời điểm ấy và thậm chí đến bây giờ, tâm trí ông gần như chỉ tập trung cho một mục đích cuối cùng là tìm lại tên cho đồng đội, đưa họ về gần hơn với người thân gia đình. Suốt cả quá trình dài, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Viện Pháp y Quân đội cùng các cơ quan chức năng đã rất nhiệt thành vì một mục tiêu chung đó.
Năm 2018, sau khi lấy mẫu hài cốt liệt sỹ ở Nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh và Nghĩa trang Liệt sỹ huyện Cư M’gar, các đơn vị liên quan đã có thông báo cụ thể đến 16 tỉnh, thành – nơi có thân nhân cùng huyết thống với liệt sỹ được biết. Có 70 gia đình đã trực tiếp đến Viện Pháp y Quân đội để lấy mẫu sinh phẩm, nhưng chỉ có 45 trường hợp lấy mẫu đạt chất lượng vì nhiều lý do. Kết quả cuối cùng đã xác định thành công danh tính liệt sỹ cho 34/45 gia đình. Với ông Sương, đây là niềm hạnh phúc không thể tả sau 5 năm kiên nhẫn thu thập, xử lý dữ liệu thông tin về liệt sỹ của đơn vị.
(Còn nữa)
Quỳnh Anh
Ý kiến bạn đọc