Multimedia Đọc Báo in

Phát triển đảng viên ở thôn, buôn, tổ dân phố: Bảo đảm cả chất lượng và số lượng (Kỳ 1)

08:14, 02/12/2020

Phát triển đảng viên, nhất là ở các chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết để trẻ hóa đội ngũ đảng viên, bảo đảm sự kế thừa và phát triển của Đảng. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để công tác phát triển đảng viên bảo đảm cả “lượng” và “chất”?

Kỳ 1: Chọn vùng khó, khâu vướng tập trung giải quyết


Tùy vào điều kiện, đặc thù của từng địa phương, mỗi tổ chức cơ sở đảng đã có những cách làm linh động, phù hợp trong công tác phát triển đảng viên ở cơ sở, góp phần xây dựng tổ chức đảng vững mạnh.

Kinh nghiệm từ huyện vùng biên Ea Súp

Huyện Ea Súp có 29 dân tộc sinh sống, trong đó có trên 1.040 hộ với gần 5.900 khẩu là người dân tộc Mông, Dao di dân ngoài kế hoạch, tập trung ở địa bàn các xã Cư Mlan, Ea Lê và Cư Kbang. Bí thư Huyện ủy Ea Súp Nguyễn Thiên Văn cho biết, để phát triển đảng viên ở vùng dân di cư ngoài kế hoạch, Ban Thường vụ Huyện ủy Ea Súp đã chỉ đạo các địa phương trên cử các đồng chí đảng ủy viên về tăng cường cho các thôn, cụm dân cư cùng với ban tự quản lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh và quan tâm, tạo nguồn phát triển đảng viên. Các đảng ủy viên đã tuyên truyền, vận động những người có uy tín, trình độ tham gia các hoạt động của thôn; đào tạo, bồi dưỡng, giúp đỡ để họ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đây chính là "nguồn" quan trọng để phát triển Đảng.

Một buổi sinh hoạt định kỳ của Chi bộ thôn 14 (xã Cư Kbang, huyện Ea Súp).
Một buổi sinh hoạt định kỳ của Chi bộ thôn 14 (xã Cư Kbang, huyện Ea Súp).

Đơn cử như xã Cư Kbang, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã phát triển được 28 đảng viên ở các thôn, cụm dân di cư ngoài kế hoạch và trở thành xã dẫn đầu huyện Ea Súp trong việc phát triển đảng viên tại vùng di cư ngoài kế hoạch. Nhiều nhân tố tích cực sau khi được kết nạp Đảng đã tiếp tục thể hiện được vai trò đầu tàu gương mẫu. Điển hình như anh Lý Văn Phong, dân tộc Mông, di cư vào sinh sống tại thôn 14 (xã Cư Kbang) từ năm 2008. Nhờ năng nổ trong phát triển kinh tế gia đình cũng như các hoạt động tại địa phương, năm 2010, anh được tín nhiệm phân công làm công an viên thôn và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Quá trình phấn đấu của anh đã được cấp ủy, chính quyền và quần chúng nhân dân địa phương ghi nhận. Tháng 10-2019, anh Phong vinh dự được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. 

Với cách làm trên, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ huyện Ea Súp phát triển được 46 đảng viên tại các thôn, cụm dân di cư ngoài kế hoạch, xóa được địa bàn “trắng” đảng viên tại chỗ.

Chủ động phát triển Đảng vùng có đạo

Thị xã Buôn Hồ là địa bàn có trên 50% dân số là người có đạo, trong đó hai phường Bình Tân, Thống Nhất và một số thôn của xã Cư Bao là vùng tôn giáo toàn tòng nên công tác phát triển đảng viên gặp một số khó khăn nhất định. Trước thực tế đó, Thị ủy Buôn Hồ ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 1-12-2011 và Kế hoạch số 29-KH/TU, ngày 24-2-2012 về "Xây dựng chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố và phát triển đảng viên trong hệ thống chính trị xã, phường".

Cấp ủy Chi bộ buôn H'Né (xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ) vận động người dân di dời hàng rào, chỉnh trang lại nhà cửa theo tiêu chí nông thôn mới.
Cấp ủy Chi bộ buôn H'Né (xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ) vận động người dân di dời hàng rào, chỉnh trang lại nhà cửa theo tiêu chí nông thôn mới.

Trước đây, việc phát triển đảng viên của Đảng bộ phường Bình Tân chủ yếu ở trường học và cán bộ, công chức, viên chức nên 7/7 chi bộ tổ dân phố đều chưa có đảng viên tại chỗ. Triển khai thực hiện Nghị quyết số 03 của Thị ủy, Đảng ủy phường Bình Tân đã có sự thay đổi trong phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác phát triển đảng viên. Đảng ủy phường đã giao trách nhiệm cho từng chi bộ tổ dân phố lựa chọn những quần chúng nổi trội, ưu tú để tập trung tuyên truyền, vận động, giáo dục, bồi dưỡng kết nạp Đảng. Bên cạnh đó, Đảng ủy phường tập trung thực hiện chủ trương cán bộ Mặt trận và các đoàn thể phải là đảng viên. Với cách làm đó, Đảng ủy phường Bình Tân đã tạo ra được “bước ngoặt” trong công tác phát triển đảng viên. Đến nay, Đảng bộ phường Bình Tân đã có 86 đảng viên, trong đó có 27 đảng viên là người có đạo, 12/13 tổ chức cơ sở đảng có đảng viên là người có đạo.

Không chỉ ở phường Bình Tân, việc thực hiện Nghị quyết số 03 đã giúp Đảng bộ thị xã Buôn Hồ đạt được kết quả đáng ghi nhận trong công tác phát triển đảng viên. Từ năm 2015 đến nay, thị xã Buôn Hồ đã phát triển được 70 đảng viên là người có đạo, tỷ lệ kết nạp đảng viên hằng năm luôn đạt và vượt chỉ tiêu giao. Đến nay, toàn thị xã có 89/149 chi bộ có cấp ủy, 136/149 chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố có đảng viên là người tại chỗ, 104/149 trưởng, phó thôn, buôn, tổ dân phố là đảng viên.

Huyện Cư Kuin có 3 tôn giáo chính gồm: Công giáo, Tin lành và Phật giáo với tổng số đồng bào có đạo là 50.823 người, chiếm trên 50% dân số toàn huyện. Để tập trung phát triển đảng viên trong vùng đồng bào có đạo, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành các đề án, kế hoạch về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị gắn với bố trí, sử dụng cán bộ là người có đạo. Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Cư Kuin Trần Văn Quế cho biết, từ năm 2015 đến nay, huyện đã bố trí 12 đảng viên là người có đạo giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt các xã và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện. Đến nay, huyện Cư Kuin đã phát triển được 189 đảng viên là người có đạo.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Đổi mới nội dung, phương thức sinh hoạt của tổ chức đảng

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.