Multimedia Đọc Báo in

Quá trình thực thi cam kết quốc tế về quyền con người ở Việt Nam

17:34, 12/12/2020

“Tuyên ngôn thế giới về quyền con người” được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua ngày 10-12-1948, gồm 30 điều quy định về các quyền dân sự, chính trị, kinh tế - xã hội và văn hóa. Ngày nay, nó là một văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng về vấn đề quyền con người.

Các quốc gia dân chủ hoặc muốn được công nhận là có nền dân chủ thì một trong những yêu cầu phải cam kết về mặt quốc tế là ký kết các công ước quốc tế về quyền con người; trong nước thì phải có tuyên bố pháp lý về việc đảm bảo quyền con người thông qua Hiến pháp và hệ thống pháp luật của quốc gia.

Việt Nam luôn coi trọng và nỗ lực thực hiện các cam kết quốc tế của mình trên lĩnh vực quyền con người. Nhiều năm qua, các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân luôn được Đảng và Nhà nước ta coi trọng. Việc thực hiện những quy định đảm bảo quyền con người trong Hiến pháp và hệ thống pháp luật đã đạt được những kết quả quan trọng.

Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị về nhân quyền của Liên hiệp quốc.  Ảnh: TTXVN
Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị về nhân quyền của Liên hiệp quốc. Ảnh: TTXVN

Quá trình đổi mới nhận thức về vấn đề quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân ở nước ta bắt đầu từ Chỉ thị 12/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng năm 1992, trong đó Đảng ta xác định quyền con người là mục tiêu, động lực của sự phát triển và là bản chất của chế độ ta. Chỉ thị khẳng định: Đối với chúng ta, vấn đề quyền con người được đặt ra xuất phát từ mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, từ bản chất của chế độ ta và bao quát rộng rãi nhiều lĩnh vực, từ chính trị, tư tưởng, văn hóa đến kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, pháp chế... Quan điểm chỉ đạo này đã được cụ thể hóa trong Điều 50, Hiến pháp năm 1992: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và pháp luật”. Tiếp đó, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) cũng nêu rõ: Quan tâm hơn nữa việc chăm lo hạnh phúc và sự phát triển tự do, toàn diện của con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con người, tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết. Điều này khẳng định bản chất Nhà nước ta là nhà nước dân chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, cam kết bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Điều này được cụ thể hóa trong Hiến pháp năm 2013.

Trong Hiến pháp năm 2013, Khoản 1, Điều 2, Chương 1 khẳng định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”. Tuyên bố này khẳng định quan điểm của Nhà nước ta là quyết tâm xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mà một trong những tôn chỉ mục đích của nhà nước pháp quyền là phải đảm bảo quyền con người. Việc đảm bảo quyền con người trước tiên phải được thể hiện bằng tuyên bố pháp lý “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”, “do Nhân dân làm chủ” (Mục 2, Điều 2). Điều này tiếp tục được cụ thể hóa trong Điều 6: “Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thông qua các cơ quan khác của Nhà nước” và Khoản 2, Điều 8: “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền”.

Không phải đến Hiến pháp năm 2013 Nhà nước ta mới coi trọng vấn đề quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, mà trong các bản Hiến pháp trước, từ Hiến pháp năm 1946 đến Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi 2011) đã ghi nhận các quyền cơ bản và thiêng liêng của con người. Tuy nhiên chỉ khi đến Hiến pháp năm 1992 thì khái niệm “quyền con người” mới được đề cập một cách chính thức và đến Hiến pháp năm 2013 thì chế định quyền con người được ưu tiên trình bày trong trọn một chương (Chương 2). Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 cũng thể hiện rõ ràng sự đổi mới quan điểm, cách nhìn nhận của Nhà nước ta về vấn đề quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Thực tiễn vấn đề phát huy quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân ở Việt Nam trong nhiều năm qua đã khẳng định tuyên bố pháp lý này đã được thực hiện một cách có hiệu quả trong thực tế, được nhân dân cả nước đồng tình và các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Đó là cơ sở thực tiễn để Nhà nước ta đi đến một cam kết: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện” (Điều 3, Hiến pháp năm 2013).

TS. Ngô Khắc Sơn

Học viện Chính trị khu vực III


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.