Multimedia Đọc Báo in

Đại hội XIII của Đảng: Hiện thực hóa ý chí, khát vọng của nhân dân

17:02, 29/01/2021

Tại Đại hội XIII của Đảng, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết và thể hiện niềm tin, khát vọng xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường, giàu mạnh. Phóng viên Báo Đắk Lắk ghi nhận một số ý kiến của các đại biểu bên lề Đại hội...

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh Trần Hồng Ngân:

3 đột phá chiến lược ở Đại hội XIII  được đặt ở một tầm mới

Đại biểu
Đại biểuTrần Hồng Ngân trả lời phỏng vấn tại Đại hội XIII

Tôi rất quan tâm và tâm đắc khi trong phương châm trong báo cáo chính trị lấy dân làm gốc, phương châm có mới hơn so với trước đây là dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng. Điều đó thể hiện báo cáo chính trị lần này được chuẩn bị rất công phu về trí tuệ, đã lắng nghe và tiếp thu đầy đủ các ý kiến. Điều đó cho chúng ta niềm tin rằng nghị quyết sẽ sớm đi vào đời sống giúp đất nước chúng ta thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh.

Từ Đại hội XI, XII, đến nay là Đại hội XIII, bên cạnh sáu giải pháp quan trọng thì chúng ta tiếp tục thực hiện ba giải pháp chiến lược. Chúng ta đã nghe ba đột phá chiến lược rất nhiều lần trong suốt 10, 15 năm qua nhưng vẫn chưa đạt được, do đó chúng ta phải tiếp tục thực hiện đột phá chiến lược này ở mức cao hơn. Chúng ta đã có hệ thống luật rất nhiều nhưng vấn đề là làm sao cho đồng bộ, làm sao cho "tuổi thọ" của luật phải dài hơn, giảm bớt sự chồng chéo. Quan trọng là đại hội lần này khẳng định thể chế đó phải giúp cho sự phát triển của các mô hình mới, các loại hình kinh doanh mới, tức là phải kết hợp với những đổi mới sáng tạo, những ngành nghề kinh doanh mà thể chế có thể chưa bắt kịp được. Vấn đề thứ hai, chúng ta đề cập đến hạ tầng. Trước đây đã đề cập đến hạ tầng kinh tế, lần này đã nhấn mạnh hơn là kết cấu hạ tầng đồng bộ không chỉ về kinh tế mà còn về mặt xã hội, an ninh, quốc phòng và nhấn mạnh đến hạ tầng số, hạ tầng về công nghệ viễn thông. Thứ ba là đột phá về nguồn nhân lực. Đại hội lần này nhấn mạnh đến nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, chúng ta phải có một chiến lược giáo dục mới, đổi mới một cách toàn diện hơn để đảm bảo sự hội nhập với quốc tế.  

Thực hiện ba đột phá chiến lược là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Cần nhận thức sâu sắc rằng, việc thực hiện nhiệm vụ này gặp nhiều khó khăn, phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, không chỉ đòi hỏi sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị, trong xã hội và sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, tổ chức thực hiện, mà còn đòi hỏi chi phí, sử dụng tiết kiệm, hợp lý các nguồn lực của đất nước.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường:

Tập trung quy hoạch và thúc đẩy phát triển vùng, liên vùng

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường
Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường trả lời phỏng vấn tại Đại hội XIII

Văn kiện Đại hội XIII lần này đề ra các định hướng lớn, chiến lược, có tầm nhìn xa đến năm 2045 xây dựng khát vọng một Việt Nam hùng cường. Các dự thảo văn kiện đề cập tổng thể, toàn diện những vấn đề lớn, giải pháp khả thi đối với sự nghiệp xây dựng Đảng và phát triển đất nước trong 5 năm, 10 năm và 25 năm tới. Trong đó, phát triển vùng tiếp tục là một vấn đề xác đáng và là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới. Định hướng này trình Đại hội XIII của Đảng thật sự là kỳ vọng của cấp ủy, chính quyền, nhân dân tỉnh Đắk Lắk nói riêng và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung.

Phát triển vùng nhằm tạo các bước chuyển biến, khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong khu vực; tăng cường liên kết, nhiều công trình hạ tầng kết nối vùng được hoàn thành. Đối với vùng Tây Nguyên, nơi chiếm 6,1% dân số, 16,5% diện tích và đóng góp 3,5% GDP cả nước, GDP bình quân đầu người của vùng bằng 58% mức trung bình cả nước (năm 2019), việc nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, kết nối với Đông Nam Bộ và một số tuyến đường nối Tây Nguyên với các địa phương ven biển, đã góp phần tạo động lực mạnh mẽ phát triển vùng.

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, đối với vùng Tây Nguyên, Trung ương định hướng, nâng cao hiệu quả các diện tích cây công nghiệp, cây dược liệu, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, bảo quản và phân phối, xây dựng thương hiệu sản phẩm trên thị trường quốc tế; khôi phục và phát triển kinh tế rừng; phát triển năng lượng tái tạo; hình thành các tuyến du lịch chuyên đề đặc thù vùng Tây Nguyên. Song song đó, cần phát triển nguồn nhân lực, ổn định dân cư, ưu tiên bảo tồn và khôi phục các giá trị truyền thống, bản sắc của các dân tộc vùng Tây Nguyên; nâng cấp các tuyến giao thông kết nối các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và với nam Lào và đông bắc Campuchia. Bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong mọi tình huống…

Phát triển vùng và liên vùng để giải quyết những đề lớn, trọng đại như: Phát triển kinh tế - xã hội, môi trường, sinh thái... Đây là điều kiện căn cốt để phát triển bền vững đất nước được Đại hội XIII đặc biệt chú trọng.

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Y Thanh Hà Niê K'đăm:

Giữ vững vai trò nòng cốt của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế

Bí
Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Y Thanh Hà Niê Kđăm trả lời phỏng vấn tại Đại hội XIII

Chủ trương, quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế đã có những thay đổi qua các kỳ Đại hội của Đảng cùng với quá trình đổi mới tư duy, nhận thức của Đảng, sự phát triển của nền kinh tế, của doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác và quá trình mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương và các tổ chức đảng, cấp ủy đảng trực thuộc đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nắm vững và cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy thành tích, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.

Đảng bộ Khối phấn đấu đến năm 2025, các doanh nghiệp nâng cao một bước quan trọng hiệu quả sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh. Các tập đoàn, tổng công ty hoàn thành cơ bản mục tiêu, nhiệm vụ về cổ phần hóa và thoái vốn. Để đạt được mục tiêu này là tạo cơ chế, chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước phát triển bền vững. Chỉ khi đó mới nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước để làm tốt vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong các lĩnh vực kinh tế then chốt, tạo điều kiện để phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, bảo đảm doanh nghiệp Việt Nam thật sự trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.

Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn:

Xây dựng đội ngũ doanh nhân có tầm, có tâm, có khát vọng 

Bí thư
Đại biểu Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Để đất nước phát triển một cách cường thịnh thì không thể thiếu những thế hệ doanh nhân có tầm, có tâm, có khát vọng vươn lên tầm khu vực và thế giới. Chính vì vậy, ngay từ rất sớm, Trung ương Đoàn đã xây dựng chương trình Thanh niên khởi nghiệp, trong đó có năm nhóm giải pháp để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong thời gian tới nhằm góp phần xây dựng một đội ngũ doanh nhân tương lai vươn tầm khu vực và thế giới.

Nhóm giải pháp thứ nhất là tập trung cổ vũ, tuyên truyền, động viên để khơi gợi khát vọng vươn lên của thanh niên Việt Nam, đặc biệt là khát vọng lập nghiệp, khởi nghiệp thông qua những gương doanh nhân trẻ tiêu biểu thành đạt, những tấm gương thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi, thông qua những câu chuyện truyền cảm hứng để các bạn có thể vượt qua những nỗi sợ hãi khi khởi nghiệp.

Thứ hai, tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng để trang bị cho thanh niên có những mong muốn khởi nghiệp, kiến thức, kỹ năng, phương pháp khởi nghiệp một cách đầy đủ.

Thứ ba, hình thành các thiết chế, mạng lưới như Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, các văn phòng hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp của các địa phương, hệ thống cố vấn, các mentor để thực hiện tư vấn hỗ trợ kịp thời, thường xuyên các thanh niên khởi nghiệp về tài chính, chính sách thuế, xúc tiến thị trường, hội nhập quốc tế…

Thứ tư, có những hỗ trợ cụ thể về vốn thông qua quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, về mặt bằng thông qua các không gian làm việc chung, các hỗ trợ thông qua cơ kết nối với các nhà đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư thiên thần, các quỹ đầu tư, các doanh nghiệp lớn để các bạn có được cơ hội tiếp cận đầy đủ trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia và tìm kiếm được cho mình những cơ hội, điều kiện để ươm mầm những ý tưởng, dự án khởi nghiệp của mình trở thành hiện thực.

Thứ năm, kịp thời phát hiện, biểu dương, tôn vinh những tấm gương, điển hình tiên tiến thông qua các giải thưởng như Sao đỏ, Sao vàng đất Việt, doanh nhân trẻ người việt xuất sắc, doanh nhân ASEAN xuất sắc. Chính cách động viên, tuyên dương kịp thời không chỉ tạo động lực cho thanh niên khởi nghiệp mà còn có tác dụng lan tỏa đến các đối tượng thanh niên khác khát vọng vươn lên. Đó cũng là một cách đóng góp rất tốt cho sự hùng cường của đất nước trong tương lai.

Lê Hương (thực hiện)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.