Thể chế chính trị ưu việt là đem lại lợi ích cho nhân dân
Đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập ở Việt Nam không phải là vấn đề mới, nó đã xuất hiện và được bàn luận, đề cập nhiều từ thế kỷ thứ 19, khi giai cấp tư sản đang độc quyền thống trị xã hội.
Đặc biệt, sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, Đảng Cộng sản nắm quyền lãnh đạo xã hội ở một số nước, một số học giả, chính trị gia tư sản, những người đại diện cho giai cấp tư sản mạnh mẽ đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập để “tạo nên sự đa dạng, phong phú trong ý thức hệ tư tưởng” và “là nhân tố bảo đảm cho một nền dân chủ thực sự” trong quan niệm của họ.
Thực chất của đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập
Đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập phủ định tính thống nhất của thế giới, cường điệu cái riêng; phủ nhận sự phân chia xã hội thành giai cấp, phủ nhận đấu tranh giai cấp; chủ trương xây dựng một cơ chế quản lý xã hội theo nguyên tắc đa lực lượng, đa đảng phái. Thực tế cho thấy, hầu hết các nước tư bản đều đang thực hiện đa nguyên, đa đảng nhưng quyền dân chủ của nhân dân có được bảo đảm hay không, nhân dân có thực sự làm chủ vận mệnh của mình hay không lại là chuyện khác. Những cuộc lật đổ, tranh giành quyền lực giữa các phe phái chính trị ở một số nước châu Âu, của chế độ độc tài ở một số nước châu Phi, Mỹ Latinh, ở một số nước khu vực châu Á kéo dài gần suốt thế kỷ, làm cho hàng triệu người dân thiệt mạng, hàng chục triệu người bị nghèo đói…
Lịch sử đã chứng kiến sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Liên Xô, Đông Âu trước đây cũng bắt đầu từ trào lưu đòi đa nguyên, đa đảng, đòi hủy bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Từng là thành trì của cách mạng thế giới, nhưng khi trào lưu đòi đa nguyên, đa đảng phát triển, khi Đảng Cộng sản chủ trương nhận thức lại nguyên tắc tập trung dân chủ đã đẩy nhanh việc tư hữu hóa ở Liên Xô, đẩy nhanh sự suy vong của Đảng Cộng sản Liên Xô. Để rồi, từ chỗ chủ trương đa nguyên chính trị đến từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ, từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lênin, hậu quả là công cuộc cải tổ đã đi chệch hướng, Đảng Cộng sản Liên Xô mất vai trò lãnh đạo, thành quả của chủ nghĩa xã hội (CNXH) hơn 70 năm mà nhân dân Liên Xô và một số nước Đông Âu xây dựng bị phá tan.
Ở Việt Nam, sau ngày đất nước thống nhất (năm 1975), cả dân tộc hân hoan với niềm vui đoàn tụ thì một số bộ phận người bỏ trốn khỏi đất nước, được các thế lực thù địch nuôi dưỡng, xúi giục, ra sức tuyên truyền, xuyên tạc, bôi nhọ chế độ XHCN ở nước ta, đả kích Đảng, lợi dụng một số yếu kém, khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý xã hội để làm lung lay tư tưởng, niềm tin của một bộ phận nhân dân với Đảng. Cùng với đó, khi góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, trong xã hội cũng xuất hiện một số người đòi xóa bỏ Điều 4 trong Hiến pháp, đòi đa nguyên, đa đảng. Những người này, dù là ai, dù đang sống ở đâu cũng không thể đại diện cho hơn 97 triệu người dân Việt Nam và dù quá trình đấu tranh đòi đa nguyên, đa đảng có thể diễn ra vài chục năm nay nhưng không thể thay thế được thực tế lịch sử hơn 90 năm qua của dân tộc ta.
Đa đảng không phải là yếu tố duy nhất, nền tảng duy nhất đảm bảo dân chủ thực sự mà bản chất của dân chủ là quyền lực thuộc về nhân dân. Dân chủ là một giá trị xã hội, được hình thành và đảm bảo bởi nhiều yếu tố, trong đó có lực lượng cầm quyền xã hội, cơ chế quản lý xã hội và trình độ làm chủ của người dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “dân chủ là dân làm chủ, dân là chủ”. Vì vậy, bất cứ xã hội nào, nếu đảng cầm quyền và nhà nước quan tâm thể chế đảm bảo quyền lực thực tế của nhân dân, tôn trọng nhân dân, chăm lo cho nhân dân, coi dân là gốc, là chủ thể của quyền lực… được thể hiện trong cương lĩnh, mục tiêu, chương trình hành động, thông qua hệ thống Hiến pháp và pháp luật… thì xã hội đó có dân chủ, người dân được làm chủ và là người chủ đất nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi đời sống người dân huyện Krông Ana nhân chuyến công tác tại Đắk Lắk năm 2018. Ảnh: Hoàng Gia |
Đi lên chủ nghĩa xã hội là nguyện vọng của dân tộc Việt Nam
Chỉ đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, với định hướng, mục tiêu rõ ràng: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, Đảng đã tập hợp, thu hút được tuyệt đại đa số nhân dân và được tuyệt đại đa số nhân dân ủng hộ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đã giành được độc lập, nhân dân ta được tự do. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Đảng là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhân dân giành và giữ vững nền độc lập, tự do cho dân tộc, mang lại đời sống ấm no cho nhân dân.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt sau 35 năm đổi mới đất nước, thế và lực của dân tộc Việt Nam ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế; đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Nền kinh tế không ngừng phát triển. Đất nước thoát khỏi tình trạng nghèo, kém phát triển. Nhân dân đang được sống trong hòa bình, không có tình trạng bất ổn xã hội. Dân chủ XHCN từng bước được thực hiện. Người dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp là tự mình lựa chọn đại biểu của mình thông qua các cuộc bầu cử Quốc hội, HĐND, thông qua hình thức dân chủ đại diện là Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội để bày tỏ nguyện vọng và chính kiến của mình; để kiểm tra, giám sát hoạt động của Đảng và chính quyền, để phản biện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH của Đảng, Hiến pháp của nước ta đều thể hiện rõ “mọi quyền lực thuộc về nhân dân”, “Nhân dân lao động là người chủ đất nước”.
Đối với Việt Nam, đi lên CNXH là nguyện vọng của dân tộc ta, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là lựa chọn duy nhất của nhân dân ta. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được nghiêng ngả, dao động”. Điều này càng khẳng định vai trò của nền tảng tư tưởng của Đảng, một nhân tố cực kỳ quan trọng không thể tách rời sự phát triển của đất nước cho đến ngày nay..
Cẩm Trang
Ý kiến bạn đọc