Chuyển đổi số - cơ hội để bứt phá (kỳ 1)
Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, đòi hỏi phải có sự thay đổi mạnh mẽ để phát triển. Nghị quyết số 04/NQ-TU, ngày 2-4-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định, chuyển đổi số là cơ hội vô giá, là một trong những giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, từng bước xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên.
Bước đột phá trong phát triển của tỉnh
Việc chủ động thực hiện chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và xã hội, là bước đột phá trong phát triển của tỉnh. Xác định điều đó, thời gian qua, các ban, ngành, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã và đang từng bước liên kết, phát huy mọi nguồn lực để thực hiện chuyển đổi số trong cơ quan, đơn vị mình.
Xu thế tất yếu
Trên thế giới, chuyển đổi số đã được các chính phủ và nhiều doanh nghiệp ứng dụng để thúc đẩy nâng cao hiệu quả, phát triển tạo ra giá trị mới. Ở Việt Nam, chuyển đổi số được Chính phủ khuyến khích đẩy mạnh trong những năm gần đây. Cụ thể, theo Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3-6-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với tầm nhìn 10 năm sẽ thay đổi toàn diện đất nước và thực hiện được các mục tiêu: Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử, kinh tế số đóng góp 30% GDP; năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 8%; mọi người dân có cơ hội tiếp cận, trải nghiệm các dịch vụ thiết yếu thông minh, không ai bị bỏ lại phía sau... Theo kế hoạch, trong năm 2021 và cả giai đoạn 2021 - 2025 sẽ là thời điểm tăng tốc với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.
Cán bộ BHXH tỉnh hướng dẫn cái đặt ứng dụng VssID để tra cứu thông tin về BHXH trên nền tảng thiết bị di động. |
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà cho hay, đứng trước thời cơ và thách thức mới, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh quyết tâm chọn chuyển đổi số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, tái định hình cách mọi người sống, làm việc và liên hệ với nhau.
|
Xác định chuyển đổi số là thời cơ để Đắk Lắk bắt kịp, đi cùng và có thể vượt lên về ứng dụng khoa học, công nghệ vào mọi mặt của đời sống xã hội, Nghị quyết số 04/NQ-TU của Tỉnh ủy đã đề ra mục tiêu phấn đấu từ năm 2025 duy trì chỉ số chuyển đổi số trong nhóm 20 tỉnh dẫn đầu của cả nước, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân (SiPas), chỉ số cải cách hành chính (PAR Index); kinh tế số đóng góp 20% GRDP của tỉnh; đến năm 2030, Đắk Lắk trở thành tỉnh khá trong cả nước về chuyển đổi số, hoàn thành cơ bản các mục tiêu chuyển đổi số theo Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ…
Chuyển đổi số một cách toàn diện
Quá trình chuyển đổi số có thể nói là đã hiện hữu ở tất cả mọi hoạt động của đời sống xã hội. Cụ thể, trong giải quyết thủ tục hành chính, công nghệ thông tin (CNTT) đã giúp cắt giảm tối đa thời gian, chi phí đi lại cho công dân; hệ thống dịch vụ hành chính công tích hợp Một cửa điện tử liên thông (iGate) từ tỉnh đến xã cung cấp 1.686 dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, dịch vụ công trực tuyến mức 3 và 4 là 1.060 thủ tục giúp các cơ quan hành chính nhà nước nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, 100% các đơn vị có mạng LAN, Internet và được kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành đã triển khai từ cấp tỉnh đến cấp xã; có trên 46.016 tài khoản thư điện tử công vụ được cấp cho các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức dùng để trao đổi thông tin trong công việc; cấp phát 4.253 chữ ký số cho tổ chức, cá nhân và 688 chữ ký số trên SIM PKI để ký số trên các thiết bị di động…
Đối với các doanh nghiệp, chuyển đổi số đã và đang được triển khai vào cả hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đơn cử như Công ty TNHH Ban Mê Green Farm, ngoài việc ứng dụng các hệ thống thiết bị nông nghiệp thông minh trong việc quản lý nhân sự, thuế, trồng và chăm sóc để tạo ra sản phẩm chất lượng cao cho cây trồng thì đơn vị đã liên kết với nhiều tổ chức, cá nhân qua mạng xã hội để tiêu thụ sản phẩm cà chua Nova cho người nông dân mà không cần gặp mặt trực tiếp người mua… Theo Giám đốc Công ty Nguyễn Thị Thái Thanh, đó cũng chính là sức mạnh của công nghệ, kỹ thuật số.
Đại diện Công ty Cổ phần công nghệ Sao Bắc Đẩu miền Nam giới thiệu về hệ thống giám sát kho thuốc thông minh ở Hội thảo Chuyển đổi số tại TP. Buôn Ma Thuột. |
Ở lĩnh vực y tế, tháng 3-2021, Sở Y tế và Viettel Đắk Lắk đã ký thỏa thuận hợp tác triển khai giải pháp ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, trong giai đoạn tới ngành y tế sẽ phối hợp với Viettel Đắk Lắk phát triển hạ tầng số y tế, ứng dụng CNTT chuyển đổi số trong bệnh viện; hợp tác triển khai các sản phẩm để làm giàu hệ sinh thái cho ngành y tế Đắk Lắk; phát triển nguồn nhân lực; triển khai hoạt động hỗ trợ cộng đồng…
Trong đại dịch Covid-19 vừa qua, chuyển đổi số đã thể hiện hiệu quả tích cực, rõ nét trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội như ngành giáo dục đã ứng dụng dạy học trực tuyến trên truyền hình, qua Internet; ngành y tế đã số hóa việc đăng ký khám, chữa bệnh…Trong một hội thảo về chuyển đổi số do UBND tỉnh tổ chức vừa diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột, công nghệ số đã được ứng dụng từ khâu đăng ký tự động; thông báo từ trung tâm thông tin; tương tác giữa khách mời với diễn giả có thể qua những ứng dụng Zalo, Viber, Zoom; đánh giá ý kiến khách hàng qua công cụ Driver…
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc