Multimedia Đọc Báo in

Chuyện trong Kỳ họp Quốc hội đầu tiên

18:24, 10/04/2021

LTS: Bác sĩ, Nhà giáo Nhân dân Y Ngông Niê Kđăm là người con ưu tú, tiêu biểu của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Trong suốt hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng, ông đã đảm nhận nhiều trọng trách, làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong Đảng, trong Quốc hội, từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt, ông là đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên và liên tục được tín nhiệm bầu giữ trọng trách này trong 9 khóa liên tục. Báo Đắk Lắk trân trọng giới thiệu đoạn Hồi ký của bác sĩ Y Ngông Niê Kđăm kể về kỳ họp Quốc hội đầu tiên. Tư liệu do gia đình Nhà giáo Nhân dân Y Ngông Niê Kđăm cung cấp…

Sau khi trúng cử đại biểu Quốc hội, tháng 3-1946 tôi được mời ra họp Quốc hội lần đầu tiên. Chúng tôi về tập trung tại Huế cùng các đoàn miền Trung, được đồng chí Nguyễn Chí Thanh dặn dò rồi đi xe lửa ra Hà Nội. Tại Hà Nội, chúng tôi được bố trí ở một số nhà dân ở phố Hàng Bạc.

Ông Y Ngông Niê Kđăm (hàng đầu, bìa trái) tại kỳ họp Quốc hội năm 1996. Ảnh tư liệu
Ông Y Ngông Niê Kđăm (hàng đầu, bìa trái) tại kỳ họp Quốc hội năm 1996. Ảnh tư liệu

Trước khi họp, chúng tôi là những đại biểu các dân tộc ít người ở miền Nam được Bác Hồ mời gặp mặt. Đêm trước ngày hẹn gặp Bác, mọi người đều náo nức chờ đợi, thao thức trò chuyện suốt đêm. Từ 8 giờ sáng chúng tôi đã có mặt ở Bắc Bộ phủ. Đúng 9 giờ sáng Bác Hồ đến. Bác thật giản dị, đơn sơ trong bộ quần áo kaki, hơi gầy nhưng mắt sáng như sao, dáng dấp hiền từ. Khi Bác tới, chúng tôi đều đứng dậy chào, nhiều người ứa nước mắt vì xúc động. Bác ân cần hỏi thăm:

- Các chú có khỏe không ?

- Dạ có ạ.

- Thực dân Pháp đã tấn công miền Nam, đương đánh lên Tây kỳ, xâm chiếm lại các buôn làng dân tộc, các chú có buồn không? Có quyết tâm đánh lại chúng không ?

- Dạ có ạ.

Các đại biểu được nói chuyện với lãnh tụ rất cởi mở thân mật. Tôi nói tiếng Kinh chưa rõ, nên nói xen cả tiếng Pháp, tiếng Êđê với Bác:

- Thưa Bác, làm thế nào đánh đuổi giặc Pháp?

Bác trả lời ngay:

- Các chú ra họp Quốc hội, nói với Quốc hội, tỏ rõ quyết tâm trường kỳ kháng chiến đánh đuổi thực dân Pháp. Đồng bào các dân tộc miền Nam đoàn kết lại chặt như bó đũa sẽ đủ sức mạnh. Tới lúc đó thực dân Pháp sẽ phải thua chúng ta. Các chú thấy thế có được không nào?

- Dạ đúng thế ạ. Nhưng thưa Bác, chúng cháu không đủ súng đạn, mà thực dân Pháp có cả súng to, súng nhỏ, có cả xe tăng, máy bay.

Bác Hồ trả lời :

- Các chú có ná, có tên thuốc độc, bắn tỉa từng tên chúng phải chết. Ta vận động đồng bào làm bẫy đá, bẫy tre gỗ chắn đường tiến của chúng. Ban đêm bò vào đồn địch lấy súng của chúng để đánh lại chúng có được không?

- Dạ được ạ.

- Vậy các chú về phải kêu gọi đồng bào đoàn kết, tăng gia sản xuất nhiều lúa gạo để nuôi thanh niên đi đánh giặc.

Buổi gặp gỡ kết thúc, mọi người đều phấn khởi, tin tưởng, chuẩn bị tinh thần vào họp Quốc hội. Gặp được Bác Hồ rồi, thỏa mãn rồi. Lời dặn của Bác thấm gan, thấm thịt.

Vào họp Quốc hội, tôi còn nhớ, đại biểu chia ba khối, phân biệt bằng trang phục bên ngoài: Khối nghiên cứu chủ nghĩa Mác đeo caravat đỏ rực rỡ; Khối trung lập – không đảng phái, chỉ mặc complê; Khối của các đảng phái khác đeo caravat xanh tím.

Lần đầu tiên bước chân vào Hội trường Nhà hát lớn Hà Nội, tôi vừa lo, vừa sợ, vừa mừng. Ôi! Cuộc họp lớn quá, trang trọng quá. Tôi tự hỏi: “Thế nào là đại biểu Quốc hội?”, “Quốc hội thì phải làm gì?”

Thực ra lúc ấy tôi cũng chưa hiểu hết được. Tôi cố gắng tập trung theo dõi. Trên bàn chủ tịch gồm có: Người ngồi giữa là Bác Hồ, người ngồi bên cạnh là Bảo Đại, Nguyễn Tường Tam (đại diện Quốc dân Đảng) và cụ Bùi Bằng Đoàn (đại diện các nhân sĩ yêu nước). Tôi vô cùng cảm phục vì Bác Hồ đã tập hợp được các lực lượng đoàn kết lại để đấu tranh. Bác Hồ thật tài giỏi quá.

Chương trình của Quốc hội rất nhiều, tôi chỉ còn nhớ những nhiệm vụ chính của kỳ họp thứ nhất là: Thông qua nhiệm vụ toàn dân, toàn diện trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi; Bầu Chính phủ kháng chiến; Bầu Ủy ban Thường trực Quốc hội.

Đến phần mời các đại biểu tham gia ý kiến, mấy anh giục tôi: “Y Ngông nói đi”.

Tôi  mạnh dạn phát biểu, vì lúc đó rất ít người dám nói.Tôi rất hồi hộp, tim đập dồn dập nhưng do có ý thức chuẩn bị, muốn mang tiếng nói quyết tâm của Tây Nguyên theo kháng chiến nên tôi bình tĩnh lại. Tôi phải dùng cả tiếng Pháp, tiếng Kinh, tiếng Êđê mới diễn giải nổi. Tôi nói: “Tôi là người dân tộc Êđê tỉnh Đắk Lắk. Tôi rất sung sướng và tự hào vì được bầu vào khóa Quốc hội đầu tiên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Tôi rất lo lắng về trách nhiệm mà đồng bào đã giao cho mình nhưng tôi xin hứa làm tròn nhiệm vụ. Đồng bào dân tộc chúng tôi sau tổng khởi nghĩa đã được đổi đời khỏi ách áp bức bóc lột, khỏi cuộc đời nô lệ bị bọn Pháp khinh miệt như con trâu, con bò. Chế độ dân chủ cộng hòa hợp lòng dân nhất. Đồng bào tôi quyết tâm theo đuổi kháng chiến. Không biết ngày nào thắng lợi nhưng chúng tôi, những con người của Tây Nguyên bất khuất không sợ khó, không sợ khổ, không sợ chết, đánh giặc đến cùng để bảo vệ độc lập”.

Tôi vừa dứt lời thì nghe một tràng vỗ tay dồn dập tán thưởng. Tình cảm của tôi lúc đó rạo rực, khó tả lắm. Cuối cuộc họp có bỏ phiếu. Khi lấy biểu quyết gần như cả hội trường giơ tay ủng hộ nhiệm vụ kháng chiến. Trước khi các đại biểu ra về, Bác Hồ dặn: “Chúc các đại biểu ra về mạnh khỏe, động viên nhân dân đoàn kết tham gia kháng chiến. Có sức dùng sức, có của dùng của, không có của thì dùng lời nói của mình giải thích cho đồng bào về cuộc kháng chiến vô cùng gian khổ nhưng nhất định thắng lợi, đất nước sẽ tự do”.

Y Ngông Niê Kđăm (hàng thứ hai, thứ sáu từ phải sang) với các đại biểu Quốc hội. Ảnh tư liệu
Y Ngông Niê Kđăm (hàng thứ hai, thứ sáu từ phải sang) với các đại biểu Quốc hội. Ảnh tư liệu

Trong ba ngày Quốc hội họp, chúng tôi được nhân dân Hà Nội đối xử tốt lắm. Họ nhường buồng, nhường nhà và chăm sóc chúng tôi chu đáo. Họ thăm hỏi chúng tôi về đồng bào Tây kỳ, về tình hình giặc Pháp đang tấn công Tây kỳ. Khi trở về, mỗi đại biểu chúng tôi được mang về một tấm hình của Bác Hồ và của toàn thể Quốc hội chụp trước cửa Phủ Chủ tịch.

Khi chúng tôi về tới nơi thì hầu hết Tây Nguyên đang bị tấn công, chỉ còn lại huyện An Khê và một số miền trung du. Ủy ban Kháng chiến miền Trung đã được thành lập, Ban dân tộc miền Trung đóng ở An Khê. Ủy ban dân tộc theo dõi tình hình của đồng bào các dân tộc, động viên nhân dân giúp bộ đội đánh giặc. Tôi còn nhớ, khi đến các làng vùng ven tuyên truyền, bà con không tin có Bác Hồ, vì họ thắc mắc không hiểu Bác Hồ là người thế nào mà tài giỏi thế. Chúng tôi phải đem bức ảnh của Bác Hồ chụp chung với đại biểu Quốc hội ra cho đồng bào xem và giải thích thì đồng bào mới tin. Chúng tôi nói: “Bác Hồ là người có thật, là người Việt Nam mình, không phải người nước ngoài. Bác Hồ là người giỏi, có tài, suốt đời đấu tranh cho tự do và độc lập của người Việt Nam mình”.

Chúng tôi đi đâu cũng tranh thủ tình cảm của đồng bào với Bác Hồ và Việt Minh. Chúng tôi phải dùng mọi khả năng của mình, cố gắng tìm những lời nói, cử chỉ, so sánh làm cho dễ hiểu, dễ nhớ và bà con có thể truyền miệng được cho nhau. Cứ nói bằng tiếng Kinh rồi người của dân tộc nào lại có cán bộ của dân tộc đó phiên dịch lại ra tiếng của từng vùng. Tuy được yêu cầu ủng hộ kháng chiến, nhưng cho đến lúc đó dân vẫn chưa hiểu hết kháng chiến gian khổ thế nào. Họ chỉ biết cán bộ nói là tin, sống chết làm theo cán bộ. Chính vì vậy mà bản thân chúng tôi cũng tự đòi hỏi mỗi người phải có sự cố gắng lớn; phải chú ý từng lời nói, cử chỉ, tôn trọng phong tục tập quán của đồng bào.

Sau tổng khởi nghĩa, chúng tôi đã làm được bao nhiêu việc. Với một niềm tin sắt đá tôi thấy mình không hề biết mệt, ham làm, ham đi, ham nói. Đồng bào gặp mình, họ quý và che chở, làm tôi thấy mình giống như con cá được bơi lội tự do trong một hồ nước lớn, trong mát. Tôi càng làm việc càng thấy mình thông minh hơn, nhanh nhẹn hơn, thận trọng và gan dạ hơn. Nhiều anh em người Kinh lên công tác cũng tự nguyện cà răng, căng tai, mặc khố, đi chân đất, đeo gùi, học nói tiếng dân tộc. Các anh cũng chịu hy sinh xa vợ con, xa quê hương để đem tiếng nói của Đảng đến cho người dân quê tôi, cùng chúng tôi sống mái với kẻ thù. Những con người đó là những tấm gương trung kiên của những người cộng sản.

Hơn một tháng say sưa hoạt động, đang sống trong hơi thở, trong sức đấu tranh sôi sục của quần chúng thì tôi nhận được nhiệm vụ ra miền Bắc công tác, vì tại Kỳ họp Quốc hội tôi đã được bầu vào Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội khóa I.

Từ năm 1946, với niềm tin của đồng bào các dân tộc thiểu số, tôi đã là đại biểu Quốc hội Việt Nam suốt 9 khóa.

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.