Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Búk: Quyết tâm bứt phá ngay từ đầu nhiệm kỳ

08:26, 09/04/2021

Với quyết tâm bứt phá ngay từ năm đầu nhiệm kỳ, sau thành công của Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Krông Búk lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã sớm xây dựng chương trình hành động với những giải pháp đồng bộ nhằm đưa địa phương phát triển mạnh, bền vững theo mục tiêu đề ra.

Triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khóa XVI, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Búk xác định một trong những mục tiêu hàng đầu mang tính chiến lược của địa phương là thực hiện thắng lợi chương trình xây dựng nông thôn mới. Toàn huyện có 7 xã thì đến nay đã có 3 xã (Pơng Drang, Cư Kpô và Tân Lập) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); riêng năm 2021, huyện đặt ra mục tiêu phấn đấu đưa xã Cư Pơng hoàn thành tất cả các tiêu chí.

Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Thương mại và sản xuất nông sản Sapo Đắk Lắk tại Cụm công nghiệp Krông Búk 1.
Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Thương mại và sản xuất nông sản Sapo Đắk Lắk tại Cụm công nghiệp Krông Búk 1.
“Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Huyện ủy Krông Búk đặt mục tiêu xây dựng huyện phát triển toàn diện. Bài học kinh nghiệm rút ra và tiếp tục được phát huy là nâng cao tinh thần đoàn kết thống nhất cấp ủy, hướng về cơ sở, đồng hành cùng nhân dân trong đổi mới tư duy phát triển kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững”.
Bí thư Huyện ủy Krông Búk Huỳnh Chiến Thắng

Đồng chí Trần Văn Tiến, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Cư Pơng cho biết, hiện nay địa phương đã hoàn thành 18/19 tiêu chí NTM, riêng tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn trên 10% (tiêu chí là dưới 7%). Để phấn đấu đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2021, xã xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là mục tiêu tiên quyết, vừa kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo vừa giữ vững và nâng cao các tiêu chí khác. Theo đó, Đảng ủy đã tập trung chỉ đạo các chi bộ trực thuộc; phân công trách nhiệm cụ thể cho từng tổ chức hội, đoàn thể; phát huy vai trò gương mẫu đi đầu của mỗi cán bộ, đảng viên trong phát triển kinh tế. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ, vận động tạo sự đồng thuận cao của nhân dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Hiện nay, hầu hết các hộ dân trong xã đều đã áp dụng hình thức sản xuất xen canh nhiều loại cây trồng như cà phê, tiêu, sầu riêng trên cùng một diện tích; nhiều hộ đã đưa giống cà phê mới vào tái canh trên diện tích già cỗi với năng suất thu được tăng trên 50% so với trước đây; nhiều mô hình chăn nuôi dê, bò, heo quy mô gia trại phát triển...

Ở lĩnh vực kinh tế, huyện Krông Búk quyết tâm đẩy mạnh 3 trụ cột chính là tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, “Phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”; Chủ động thu hút mời gọi đầu tư phát triển các ngành công nghiệp thế mạnh sẵn có của huyện như: năng lượng tái tạo, chế biến nông sản, thực phẩm; Nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, tổ chức các chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Theo Bí thư Huyện ủy Huỳnh Chiến Thắng, ngay sau Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo đảng ủy các xã xây dựng kế hoạch cụ thể để vận động, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng cường xen canh các loại cây ăn trái có tiềm năng, thế mạnh của địa phương và được thị trường ưa chuộng. Đồng thời, chỉ đạo UBND huyện, cùng các ngành chức năng tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất phát triển chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” gắn với xây dựng thương hiệu để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế các sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương, tạo điều kiện thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

Cán bộ xã Cư Pơng tham quan mô hình tái canh cà phê hiệu quả của người dân.
Cán bộ xã Cư Pơng tham quan mô hình tái canh cà phê hiệu quả của người dân.

Để tạo bước đột phá trong phát triển nông nghiệp, vừa qua huyện Krông Búk đã lập quy hoạch và đề nghị tỉnh cho triển khai hai dự án đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm: Dự án tại xã Cư Né (rộng 22,6 ha) và ở xã Cư Kpô (diện tích 252 ha). Một tín hiệu khả quan là một số nhà đầu tư đã đến nghiên cứu và thiết lập hồ sơ gửi lên cơ quan chức năng của tỉnh xem xét cho đầu tư vào hai dự án này. Bên cạnh đó, huyện cũng phát huy lợi thế của Cụm công nghiệp Krông Búk 1, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cho địa phương. Cụm công nghiệp hiện có 10 dự án đầu tư xây dựng, nhìn chung các dự án đều phát huy hiệu quả tích cực, góp phần tăng thêm nguồn thu ngân sách của huyện, giải quyết bài toán việc làm, tăng thu nhập cho người dân…Trong đó, có những nhà đầu tư sản xuất chế biến rau, củ, quả xuất khẩu, như Công ty TNHH Thương mại và sản xuất nông sản Sapo Đắk Lắk với quy mô sản xuất hàng trăm nghìn tấn trái cây mỗi năm. Ngoài ra, huyện cũng đang lập kế hoạch xúc tiến cho hai doanh nghiệp khác thực hiện dự án chế biến trái cây và chế biến cà phê trong cụm công nghiệp này.

Với những nỗ lực ngay từ đầu nhiệm kỳ, trong quý I năm 2021, tình hình kinh tế - xã hội của huyện Krông Búk đã đạt nhiều kết quả nổi bật: giá trị sản xuất ngành công nghiệp ước đạt 25,56 tỷ đồng (tăng 0,68% so với cùng kỳ năm 2020); tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 266,49 tỷ đồng (tăng 0,58%); tổng thu ngân sách ước được 15,125 tỷ đồng (đạt 29,51% kế hoạch)...

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.