Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021: Dấu ấn từ sự đổi mới, trách nhiệm
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ và bám sát chương trình hoạt động, trong nhiệm kỳ 2016 – 2021, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND tỉnh khóa IX đã phát huy vai trò trong hoạt động thảo luận, chất vấn và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, của tỉnh.
Từ nghị trường Quốc hội
Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về chuyển sinh hoạt đối với đại biểu Quốc hội Bùi Văn Cường từ Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai đến sinh hoạt tại Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk, Đoàn ĐBQH tỉnh có 10 đại biểu. Các đại biểu đều được phân công bầu vào thành viên của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội.
Nhiệm kỳ qua, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tham gia 72 buổi thảo luận tại tổ và 356 buổi thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường, 12 buổi thảo luận riêng tại Đoàn về công tác nhân sự. Tại các buổi thảo luận ở tổ, Đoàn Đắk Lắk có 318 ý kiến phát biểu (chiếm 45,29% lượt người phát biểu). Tại các buổi thảo luận tại hội trường, Đoàn có 134 lượt được phát biểu thảo luận, chất vấn và tranh luận.
Nội dung thảo luận, chất vấn tập trung vào những vấn đề lớn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và địa phương. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc thực hiện sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk theo Nghị quyết số 30, ngày 12-3-2014 của Bộ Chính trị và Nghị định 118, ngày 17-12-2014 của Chính phủ.
Xuất phát từ thực tế, trên địa bàn tỉnh có 46 công ty nông – lâm trường trực thuộc tỉnh và thuộc tập đoàn, tổng công ty của Nhà nước. Theo kế hoạch, trong năm 2018 phải cổ phần hóa, giải thể và sắp xếp lại 25 công ty do tỉnh quản lý. Để phát huy hiệu quả chủ trương cổ phần hóa, Đoàn ĐBQH tỉnh đã đề nghị Chính phủ quan tâm, có cơ chế cho tỉnh sử dụng nguồn kinh phí thu được từ cổ phần hóa để mua lại vườn cây và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cấp lại cho người thiếu đất sản xuất, đất ở và các hộ trực tiếp nhận khoán, không chuyển kinh phí này theo quy định cho công ty đầu tư và kinh doanh vốn của Nhà nước.
Đoàn giám sát của Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh làm việc tại UBND huyện Ea Súp. Ảnh: Lan Anh |
Theo đồng chí Y Biêr Niê, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, vấn đề cổ phần hóa các công ty nông – lâm trường trực thuộc địa bàn tỉnh luôn được cử tri quan tâm, phản ánh qua các đợt tiếp xúc cử tri. Tuy nhiên, do khó khăn trong việc xác định nguồn gốc sử dụng đất, công tác quản lý nhà nước về đất đai thiếu chặt chẽ, gây nhiều cản trở trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa. Vì vậy, trong nhiệm kỳ tới, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục đề nghị Chính phủ quan tâm, bố trí kinh phí hỗ trợ thực hiện công tác đo đạc, cắm mốc ranh giới đất của các công ty nông – lâm nghiệp và giao lại cho địa phương quản lý nhằm sớm giải quyết đất ở, đất sản xuất cho người dân.
Quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương
“Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và HĐND tỉnh khóa IX, các đại biểu đã có những bước chuyển biến tích cực trong việc cải tiến phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, đáp ứng cơ bản nguyện vọng của cử tri và nhân dân trong tình hình mới”.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Y Biêr Niê
|
Với vai trò là cơ quan đại diện ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, trong nhiệm kỳ 2016 – 2021, HĐND tỉnh khóa IX đã thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ theo quy định pháp luật; xem xét, quyết định nhiều chủ trương, giải pháp trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng.
Qua 16 kỳ họp, HĐND tỉnh khóa IX đã ban hành 254 nghị quyết, trong đó có 87 nghị quyết quy phạm pháp luật. Nội dung nghị quyết cụ thể hóa kịp thời chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, phù hợp với thực tế địa phương, tạo khung hành lang pháp lý quan trọng cho UBND tỉnh quản lý, điều hành và được nhân dân đồng tình ủng hộ cao. Có thể kể đến một số nghị quyết như: kiên cố hóa kênh mương; hỗ trợ kinh phí từ ngân sách tỉnh cho Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, giai đoạn 2016 – 2020; Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh, giai đoạn 2016 – 2020; Quy định mức giá cụ thể đối với các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn tỉnh; Quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh; Quy định nội dung và mức chi hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông từ nguồn kinh phí khuyến nông địa phương trên địa bàn tỉnh; Quy định về việc hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2030…
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường đánh giá: Các nghị quyết HĐND tỉnh khóa IX ban hành đều mang tính thời sự, bắt kịp, cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy và thực sự đi vào cuộc sống; phát huy tiềm năng, thế mạnh địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, nâng cao phúc lợi, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân và xây dựng, củng cố bộ máy chính quyền. Qua đó tạo tiền đề quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (giai đoạn 2020 - 2025) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.
Nguyễn Xuân - Lan Anh
Ý kiến bạn đọc