Multimedia Đọc Báo in

Cảnh giác với chiêu trò lợi dụng quyền "tự ứng cử" để chống phá bầu cử

08:35, 19/05/2021

Sau thất bại trong việc chống phá Đại hội Đảng lần thứ XIII, các thế lực phản động, cơ hội chính trị lại tiếp tục sử dụng mạng Internet và mạng xã hội để chống phá bầu cử, trong đó có việc lợi dụng một số cá nhân “tự ứng cử” bị loại do không bảo đảm các tiêu chuẩn, quy định để xuyên tạc, vu cáo tính dân chủ trong công tác bầu cử của nước ta.

Từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên tháng 1-1946 để bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, các thế lực thù địch như lực lượng Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc) do Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam... cầm đầu và Việt Nam Cách mạng đồng minh hội (Việt Cách) do Nguyễn Hải Thần nắm giữ gây sức ép, tìm mọi cách để giành ghế trong Quốc hội. Mục đích của chúng là biến nghị trường của Quốc hội thành diễn đàn để chống phá, hình thành phe đối lập, phá hoại, cản trở, hướng lái việc quyết định các chủ trương, định hướng lớn của đất nước.

ự ứng cử với ý đồ xấu, phá hoại bầu cử không bao giờ được cử tri chấp nhận
Tự ứng cử với ý đồ xấu, phá hoại bầu cử không bao giờ được cử tri chấp nhận. 

Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013 tại Điều 27 quy định: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND…” và Nghị quyết số 1185/NQ-UBTVQH, ngày 11-1-2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XV, cơ cấu số lượng đại biểu là người ngoài Đảng từ 25 - 50 đại biểu (5 - 10%). Lợi dụng các quy định này, các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức phản động ra sức kích động, cổ súy một số cá nhân trong nước vốn là những người bất đồng chính kiến thường xuyên sử dụng mạng xã hội để chống phá Đảng, Nhà nước đăng ký tự ứng cử. Chúng thừa hiểu các ứng cử viên sẽ không bảo đảm các quy định và sẽ bị nhân dân nơi cư trú phản đối, loại ra nhưng vẫn tổ chức các chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội một cách rầm rộ để quảng bá cho các ứng cử viên, kêu gọi quyên góp tài chính “trang trải cho người tự ứng cử”.

Hai “diễn viên” đắc lực cho “vở tuồng cũ” của thế lực thù địch trong thời gian qua là Lê Trọng Hùng, Trần Quốc Khánh. Tự tuyên bố ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV nhưng hai đối tượng này đã có một thời gian dài trước đó thông qua tài khoản mạng xã hội cá nhân xuyên tạc tình hình đất nước, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Điều này giải thích tại sao các trang truyền thông của các thế lực thù địch hải ngoại ra sức tung hô, ca ngợi hai đối tượng này. Khi hai “diễn viên” không được nhân dân nơi cư trú tín nhiệm, giới thiệu và khi cơ quan an ninh điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Trọng Hùng, Trần Quốc Khánh về tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam" quy định tại Điều 117, Bộ luật Hình sự năm 2015 thì theo kịch bản các thế lực ra sức lu loa, “cào phím” để vu cáo chính quyền “gây khó dễ”, “triệt tiêu” người dám tự ứng cử; rằng chỉ những người theo Đảng mới trúng cử; quyền “tự ứng cử” là hình thức; hội nghị cử tri nơi cư trú chỉ là “nơi đấu tố”, lên án, loại bỏ người tự ứng cử. Nhưng rõ ràng không có chuyện hai ứng viên bị bắt tạm giam là vì tự ứng cử mà là vì những vi phạm pháp luật trong thời gian trước đó và nếu đối chiếu các quy định của pháp luật thì họ cũng không đủ tiêu chuẩn là người đại biểu của nhân dân. Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi năm 2014) có quy định các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, trong đó có tiêu chuẩn “Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…”

Mặc dù chiêu trò “tự ứng cử” của một số đối tượng thất bại nhưng với sức lan truyền của truyền thông mạng xã hội, những thông tin xấu, độc mà các thế lực thù địch phát tán có ảnh hưởng nhất định đến một bộ phận người dân. Vì vậy, mọi người dân cần nâng cao cảnh giác, chọn lọc khi tiếp nhận thông tin, nhất là thông tin từ mạng xã hội; tìm hiểu và nắm vững quyền và nghĩa vụ của mỗi cử tri, thực hiện đúng, đủ quy trình khi tham gia bầu cử; tuyên truyền, phổ biến thông tin để người thân của mình có nhận thức đúng đắn trước các luận điệu xuyên tạc, chống phá bầu cử của các thế lực thù địch.

Minh Bảo


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.