Multimedia Đọc Báo in

Ghi lòng tạc dạ ngày đền ơn đáp nghĩa

07:55, 27/07/2021

Tháng 6-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm ngày Thương binh. Hội nghị trù bị họp ở xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên – Thủ đô kháng chiến quyết định lấy ngày 27-7-1947 là ngày kỷ niệm lần thứ nhất.

Bác Hồ đã viết lời kêu gọi đền ơn đáp nghĩa nhân dịp này: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí bị ốm yếu, què quặt. Vì vậy Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”.

 Bí thư Huyện Đoàn Krông Pắc Nguyễn Văn Hà thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Cự (xã Hòa An, huyện Krông Pắc). Ảnh: Nguyễn Văn
Bí thư Huyện Đoàn Krông Pắc Nguyễn Văn Hà thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Cự (xã Hòa An, huyện Krông Pắc) nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ. Ảnh: Nguyễn Văn

Phong trào lan tỏa. Cùng với thương binh thì thân nhân gia đình liệt sĩ cũng được chăm lo. Đó là người mẹ, người vợ và các con liệt sĩ đã vì nước hy sinh, tổn thất không gì bù đắp nổi. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đặc biệt đến ngày này. Từ  năm 1947 đến  năm 1969, Bác Hồ đã 14 lần gửi quà, tiền, nhân Ngày Thương binh – Liệt sĩ. Có lần Bác đã viết: “Tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi và các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một ngàn một trăm hai bảy đồng”.

Một đất nước qua hai cuộc chiến tranh dài một phần ba thế kỷ. Tiếp đến là chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc. Nghĩa trang liệt sĩ trải dài từ Bắc chí Nam, những người hy sinh vì Tổ quốc, những thương bệnh binh với chất độc da cam đeo đẳng mà di chứng đến cả thế hệ sau.

Tất cả đều khiến ta xúc động rưng rưng khi nghĩ đến. Nghĩa trang Vị Xuyên cực Bắc, Nghĩa trang Điện Biên Phủ cực Tây đến miền Trung là Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9… Nghĩa trang Trung ương Cục ở Tây Ninh hay mũi Cà Mau ghi dấu những đoàn tàu không số. Biết ơn các liệt sĩ và hoa rải trên dòng sông Thạch Hãn mà nghẹn ngào như thơ Lê Bá Dương:

Đò lên Thạch Hãn ơi... chèo nhẹ

Đáy sông còn có bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm

Lại nhớ ngày Bác Hồ về tiếp quản thủ đô, Người đã thăm đền Hùng và nói chuyện với đại đoàn Quân Tiên Phong: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Các thế hệ nối tiếp nhau gìn giữ giang sơn này.

Máu đã vẽ nên bản đồ Tổ quốc!

Bao bà mẹ đã hiến dâng những người con ưu tú cho đất nước. Dù chỉ một lần con không về cũng đau xót không nguôi. Thế mà mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam đã mười một lần mang băng tang con cháu. Đau xót lắm và vĩ đại lắm. Đất nước có những bà mẹ anh hùng.

Ở Đắk Lắk cũng có tượng đài bà mẹ anh hùng được đặt tại ngã ba Km5 từ Buôn Ma Thuột đi Krông Pắc và Cư Kuin. Hình tượng có thật của má Hai đặt con dưới gốc cây cà phê để tiếp tục cầm cờ cùng đoàn người từ Hòa Đông kéo vào Buôn Ma Thuột, Tết Mậu Thân 1968.

Cảm ơn các bà mẹ đã sinh thành, nuôi dưỡng các thế hệ anh hùng của dân tộc anh hùng. Phát huy, tỏa sáng rực rỡ trong thời đại Hồ Chí Minh.

Đảng ân tình, Dân ân tình, ghi ơn các anh hùng liệt sĩ, các thương bệnh binh. Mỗi việc làm của các thế hệ sau là hiếu nghĩa, là tri ân, những người có công với nước. Ngày 27-7 hằng năm càng sáng lên đạo lý uống nước nhớ nguồn. 74 năm qua đi, ngày này càng thể hiện lòng nhân ái, đạo lý Việt Nam. Tôi đã nhiều lần viếng đài liệt sĩ, có những câu cảm tác ân tình với lớp cha anh và cả đồng đội của mình:

Mỗi ngày mặt trời lại đến soi gương

Vào phiến đá xây nên đài liệt sĩ

Lẽ hy sinh trở thành giản dị

“Không có gì quý hơn Độc Lập – Tự Do”

Chân lí Việt Nam – Chân lí Bác Hồ

Tháng 7-2021

Hữu Chỉnh

 


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.