Multimedia Đọc Báo in

Vụ thu hoạch điều: Được giá, nhưng... mất mùa!

15:16, 12/04/2010

Từ đầu vụ đến nay, giá điều liên tục tăng cao, hiện dao động ở mức 17.000 - 18.000 đồng/kg điều tươi, gần gấp đôi giá năm trước. Nhưng  do mất mùa, lợi nhuận thu được từ trồng điều không tăng bao nhiêu.

Ông Lê Ngọc Bảo (xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) đưa nắm hoa điều khô cho chúng tôi xem và lắc đầu than: “Tỷ lệ hoa, trái khô non chiếm khoảng 20% làm năng suất, chất lượng hạt giảm đáng kể. Hiện, vụ thu hoạch đã gần kết thúc, nhưng sản lượng thu được chỉ bằng khoảng 2/3 năm trước!”. Gia đình ông Bảo có gần 3ha điều kinh doanh, những năm trước, bình quân một ngày ông thu được gần cả tạ hạt, nhưng năm nay, cách vài ba ngày mới thu một lần cũng chỉ được vài chục kg, nhẩm tính vụ này, ông chỉ thu được khoảng 2 tấn hạt tươi, tương đương khoảng 35 triệu đồng, tăng hơn vụ trước trên dưới 5 triệu đồng. Gia đình ông Trương Quang Hòa (xã Dray Sáp, Krông Ana) có khoảng 1,2ha điều đang cho thu hoạch còn thất thu hơn. Mấy vụ trước, cứ cách 2 ngày ông hái 1 đợt, được khoảng 70kg, cả vụ được gần 9 tạ. Năm nay, cách 4 – 5 ngày mới hái một lần nhưng cũng chỉ được 30 – 40 kg, ước tính cả vụ chỉ đạt chừng 4 - 5 tạ. Theo tính toán của những người trồng điều, mặc dù giá điều năm nay cao gần gấp đôi năm trước, nhưng lợi nhuận thu được tăng không đáng kể, có trường hợp còn kém hơn do sản lượng quá thấp, trong khi chi phí đầu vào (nhân công, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…) tăng cao. Ở nhiều địa phương khác như M’Drak, Ea Kar, Lak, Buôn Đôn… cũng gặp trường hợp tương tự. Nguyên nhân mất mùa điều năm nay là do thời tiết diễn biến phức tạp, ngày nắng nóng, đêm lạnh và sáng sớm sương mù, một số địa phương có mưa trái mùa nên phần lớn diện tích điều bị bọ xít muỗi đỏ, bọ trĩ và nhiễm bệnh thán thư dẫn đến khô bông, trái non rụng hàng loạt.

Gia đình anh Lê Ngọc Bảo đang thu hoạch điều
Gia đình anh Lê Ngọc Bảo đang thu hoạch điều

Thực tế, nguyên nhân dẫn đến năng suất điều đạt thấp, ngoài ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh còn do lối canh tác của người trồng. Hiện toàn tỉnh có hơn 41.500ha điều (diện tích kinh doanh khoảng 27.662ha), hầu hết  trồng ở những vùng đất cằn cỗi, bạc màu nhưng lại không được chăm sóc chu đáo. Thậm chí, có những vườn điều chẳng bao giờ được bón phân, phun thuốc phòng trị bệnh. Mặt khác, phần lớn diện tích điều trồng bằng cây giống thực sinh, hỗn tạp, chất lượng thấp nên cây phát triển kém, dễ bị nhiễm bệnh, lại không được chăm sóc chu đáo dẫn đến ảnh hưởng tới năng suất. Các nhà khoa học khuyến cáo, thời kỳ cây điều ra hoa đậu trái, nếu có biểu hiện yếu hoặc thời tiết không thuận lợi như sương nhiều, không khí ẩm thấp, ít nắng, gió thì cần kết hợp phun thuốc trừ sâu bệnh. Trường hợp xảy ra mưa bất thường vào thời kỳ cây ra hoa kết trái thì sau mưa phải phun thuốc trừ bệnh ngay. Ngoài ra, khi thu hoạch điều xong nên dọn vườn, cắt tỉa cành để tạo thông thoáng cho vườn cây và đốt ngay các cành bị sâu bệnh để ngăn chặn mầm bệnh phát triển. Cũng theo các nhà khoa học, để tăng năng suất cây điều, biện pháp không thể thiếu là người trồng phải quan tâm áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; có thể sử dụng các chất kích thích ra hoa, đậu quả như NAA, GA3, Ethylen…đang có bán rộng rãi trên thị trường. Hiện tại, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cũng nghiên cứu thành công một loại chế phẩm (ĐQĐ) kích thích ra hoa, đậu quả, làm tăng năng suất cho cây điều từ 20 – 30%. Theo tính toán của Kỹ sư Trần Thị Hoàng Anh (tác giả nghiên cứu ra chế phẩm (ĐQĐ), khi phun chế phẩm này cho cây điều sẽ làm tăng lợi nhuận từ 3 - 8 triệu đồng/ha, nhưng chi phí chỉ tăng thêm chưa đến 1 triệu đồng gồm tiền mua chế phẩm và công phun.

Lê Ngọc

 


Ý kiến bạn đọc