Multimedia Đọc Báo in

Hội thảo về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI): Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI

16:31, 07/05/2010
Đào tạo đội ngũ cán bộ, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là một trong những kiến nghị của nhiều đại biểu nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tại Hội thảo về PCI do UBND tỉnh Dak Lak phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng nay (7-5). Tham dự Hội thảo có lãnh đạo VCCI chi nhánh Đà Nẵng, đồng chí Trần Sỹ Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại diện UBND các huyện, thành phố, thị xã và các sở, ngành liên quan.
PCI đánh giá, đo lường trên chất lượng thực tế của điều hành kinh tế địa phương, những chính sách thuộc thẩm quyền của bộ máy chính quyền địa phương, những sáng kiến ứng dụng hiệu quả tại địa phương, không có mô hình lý thuyết nào. Đánh giá PCI dựa vào 9 nhóm chỉ số thành phần: gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tính năng động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động và thiết chế pháp lý.
Các đại biểu tham dự Hội thảo (Ảnh: Lê Ngọc)
Các đại biểu tham dự Hội thảo (Ảnh: Lê Ngọc)
Trong số 63 tỉnh thành, kết quả PCI của Dak Lak qua các năm 2006, 2007, 2008 và 2009, thứ tự xếp hạng lần lượt là 35, 48, 33 và 38. Theo đánh giá của VCCI, PCI của Dak Lak năm 2009 có 3 chỉ số đã có sự cải thiện về thứ hạng là: chỉ số về tính minh bạch từ thứ hạng 43 (năm 2006) lên thứ hạng 31 (năm 2009), chỉ số đào tạo nghề từ thứ hạng 49 (năm 2006) lên thứ hạng 11 (năm 2009), chỉ số chi phí thời gian từ thứ hạng 51 (năm 2007) lên 35 (năm 2009). Tuy nhiên, có 3 lĩnh vực còn có trọng số thấp là: tiếp cận đất đai, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và thiết chế pháp lý. Tại Hội thảo, các đại biểu cũng được giới thiệu nhiều mô hình cải thiện môi trường kinh doanh đã đem lại hiệu quả ở một số tỉnh, thành phố. Tiêu biểu như: Quy trình xử lý vấn đề của doanh nghiệp “trực tuyến” tại Bình Dương nhằm cắt giảm thời gian cho doanh nghiệp; đào tạo kỹ năng giao tiếp, tâm lý khách hàng cho cán bộ đăng ký kinh doanh của Bắc Ninh; mô hình họp giao ban định kỳ của Đồng Nai theo trình tự 3 cấp (cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp trong từng khu công nghiệp, đại diện Ban Quản lý khu công nghiệp và công ty hạ tầng khu công nghiệp, lãnh đạo và sở ngành có liên quan); mô hình hỏi đáp trực tuyến của Lào Cai; xây dựng trang web 5 thứ tiếng để đăng tải thông tin phục vụ doanh nghịêp (Bình Dương); chính quyền tổ chức các đoàn trực tiếp đi thăm, khảo sát và tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp (Tiền Giang)…
Đại diện VCCI phát biểu
Đại diện VCCI (bên trái) phát biểu       (Ảnh: Lê Ngọc)
Từ tình hình thực tiễn của địa phương, để nâng cao thứ hạng, theo VCCI, Dak Lak cần tập trung cải cách ở các nhóm chỉ số còn có trọng số thấp là: Chi phí gia nhập thị trường, thiết chế pháp lý, tính năng động, tiếp cận đất đai và chi phí thời gian. Một số đại biểu đề nghị cần học tập kinh nghiệm các địa phương, đặc biệt quan tâm đến nhóm giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh như ngoài việc đẩy mạnh cải cách hành chính nên thường xuyên tổ chức đối thoại, lắng nghe ý kiến và kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp bởi PCI cũng là nhiệt kế hiệu quả đối với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đào tạo đội ngũ cán bộ cả về trình độ và thái độ ứng xử, kỹ năng giao tiếp cũng là vấn đề được đại biểu bàn thảo để nâng cao chỉ số PCI. 
đồng chí Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, kết quả điều tra, xếp hạng về PCI do VCCI tiến hành mỗi năm đã và đang được Dak Lak xem như một công cụ quan trọng để đo lường, đánh giá công tác quản lý và điều hành kinh tế nhằm kịp thời điều chỉnh, xây dựng chính sách phù hợp để phục vụ doanh nghiệp tốt hơn
Đồng chí Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, kết quả điều tra, xếp hạng về PCI do VCCI tiến hành mỗi năm đã và đang được Dak Lak xem như một công cụ quan trọng để đo lường, đánh giá công tác quản lý và điều hành kinh tế. (Ảnh: Lê Ngọc)
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, kết quả điều tra, xếp hạng về PCI do VCCI tiến hành mỗi năm đã và đang được Dak Lak xem như một công cụ quan trọng để đo lường, đánh giá công tác quản lý và điều hành kinh tế nhằm kịp thời điều chỉnh, xây dựng chính sách phù hợp để phục vụ doanh nghiệp tốt hơn. Đồng thời đề nghị các sở ngành có liên quan nhanh chóng kiểm tra, rà soát, phân tích những việc làm được và chưa được làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư để rút kinh nghiệm và  sớm xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để cải thiện từng lĩnh vực, từng chỉ số.
Đàm Thuần
   

Ý kiến bạn đọc