Multimedia Đọc Báo in

Phong trào đoàn viên giúp nhau phát triển kinh tế ở Buôn Ma Thuột

17:53, 08/05/2010
Đến nay, các cơ sở đoàn tại TP. Buôn Ma Thuột đã xây dựng được 16 điểm trình diễn, 5 câu lạc bộ khuyến nông nhằm hỗ trợ các đoàn viên về kỹ thuật.
Mô hình trồng rau của Phan Văn Phồn do các đoàn viên ở thôn 2 xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột giúp đỡ.
Mô hình trồng rau của Phan Văn Phồn do các đoàn viên ở thôn 2 xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột giúp đỡ.
Sinh ra trong gia đình đông anh chị em, bố mẹ mất sớm nên đoàn viên Ngô Thế Tuyên (thôn 2, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) phải tự lập từ nhỏ. Nghỉ học sớm để đi làm thuê kiếm sống nên Tuyên luôn có ý thức tiết kiệm từng đồng tiền do mình khó nhọc làm ra. Sau nhiều năm tích lũy, Tuyên đã mua được 2 sào cà phê và tính chuyện cưới vợ. Hai vợ chồng trẻ không có vốn, nghề nghiệp cũng không, nên dù được anh chị giúp mua cho 7 sào đất cũng không có điều kiện canh tác, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Trong một lần đi sinh hoạt ở Đoàn xã Ea Kao, nghe giới thiệu các mô hình đoàn viên, thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế, sau nhiều đêm trăn trở, một ý định táo bạo đã lóe lên trong đầu Tuyên. Năm 2005, Tuyên mạnh dạn rủ 3 đoàn viên cùng thôn đóng góp mỗi người 3 triệu đồng, ngày công lao động, lần lượt giúp nhau trồng, chăm sóc cà phê. Những lúc rảnh rỗi lại tranh thủ đi làm thuê “lấy ngắn nuôi dài”. Sau đó lại tiếp tục góp vốn, ngày công giúp nhau đào ao nuôi cá, làm chuồng chăn nuôi heo, gà và trồng rau xanh các loại. Với cách làm này, đến nay, mỗi năm, gia đình Tuyên thu hoạch được 3,5 tấn cà phê nhân, 3 tạ cá giống cộng với tiền bán heo, rau nên cũng có lãi khoảng 40 đến 50 triệu đồng. Giới thiệu về mô hình đa cây, đa con của mình, Tuyên chia sẻ: “Những gì gia đình tôi có ngày hôm nay là kết quả của phong trào đoàn viên, thanh niên giúp nhau làm kinh tế. Nhờ sự hỗ trợ của các bạn, mọi việc trở nên thuận lợi, dễ dàng hơn, ai có vốn giúp vốn, người nào có kinh nghiệm thì chia sẻ kinh nghiệm. Đồng thời, chúng tôi đã được Đoàn xã hỗ trợ thông qua việc động viên, khích lệ tinh thần, tổ chức cho tham quan, học tập các mô hình làm ăn hiệu quả và cả tín chấp cho vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh”. Nhờ phong trào giúp nhau đó mà đến nay cả Ngô Thế Tuyên, Phan Văn Phồn và Nguyễn Văn Bắc cùng ở thôn 2, xã Ea Kao đều có cơ ngơi khá ổn định với các mô hình trồng cà phê; rau xanh, nuôi cá, heo. 
 
Tốt nghiệp khoa Kế toán, Trường Đại học Nha Trang, Trần Xuân Thế (sinh năm 1985) trở về sinh hoạt tại Đoàn phường Tân Tiến (TP. Buôn Ma Thuột) và được tín nhiệm bầu làm Trung đội trưởng Đội Dân quân cơ động phường kiêm Bí thư chi đoàn Quân sự phường. Với trình độ đại học kinh tế, Thế có thể xin vào làm việc trong một công ty nhưng anh đã cùng 6 đoàn viên khác trong phường lập dự án, thành lập tổ vay vốn để lập nghiệp. Nhưng mọi dự định, kế hoạch ban đầu đều tiêu tan do không vay được nguồn vốn vì không ai thuộc diện hộ nghèo cả. Không chịu bỏ cuộc, cuối năm 2009, Thế cùng Lê Xuân Hùng (sinh năm 1988) Phó Bí thư Đoàn phường Tân Tiến và Nguyễn Hoàng Bảo Lộc, Bí thư chi đoàn Tổ dân phố 11 cùng góp 120 triệu đồng tiền vốn thuê mặt bằng, sửa sang và mua sắm vật dụng để mở quán cà phê H.T ở số 5 đường Hoàng Hoa Thám (TP. Buôn Ma Thuột). Mô hình liên kết mở quán cà phê của Thế không chỉ đem lại thu nhập cho 3 bạn mà còn tạo việc làm cho 6 đoàn viên, thanh nên khác. Cùng lúc đó, Thế cũng mạnh dạn vay vốn của gia đình mở quán Internet H.T trên đường Nguyễn Hữu Thọ tạo việc làm cho 3 đoàn viên, thanh niên với mức lương ổn định 800.000 đồng/tháng. Nói về kinh nghiệm của mình, Thế cho biết: “Ngoài sự mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm của tuổi trẻ, các bạn đoàn viên, thanh niên khi có ý định liên kết để giúp nhau làm kinh tế cần căn cứ điều kiện thực tế của địa phương và bản thân để chọn cho mình một hướng đi phù hợp”.
Đoàn viên Trần Xuân Thế đang điều hành quán Internet.
Đoàn viên Trần Xuân Thế đang điều hành quán Internet.
Theo anh Nguyễn Ngọc Hoàng, Chủ tịch Hội LHTN thành phố, Phó Bí thư Thành Đoàn Buôn Ma Thuột thì, phong trào đoàn viên, thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế đã được các cấp bộ đoàn triển khai từ nhiều năm qua, nhất là từ khi Trung ương Đoàn phát động phong trào “Hỗ trợ thanh niên về nghề nghiệp và việc làm”, “Bốn đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của công tác đoàn trong tình hình mới nên Thành Đoàn đã chỉ đạo mỗi cơ sở đoàn, nhất là vùng nông thôn phải xây dựng được một mô hình đoàn viên, thanh niên giúp nhau phát triển kinh tế dựa trên đặc thù và thế mạnh của từng vùng và chủ động nhân rộng mô hình. Để hỗ trợ thêm cho đoàn viên, các tổ chức đoàn sẽ phối hợp với các đoàn thể của địa phương, các ngành chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật. Đến nay, các cơ sở đoàn đã xây dựng được 16 điểm trình diễn, 5 câu lạc bộ khuyến nông nhằm hỗ trợ các đoàn viên về kỹ thuật. Để thực hiện hiệu quả chương trình giúp đoàn viên, thanh niên phát triển kinh tế nhất là những thanh niên có hoàn cảnh khó khăn thoát nghèo, Ủy ban Hội LHTN tỉnh đã triển khai chương trình “Hỗ trợ vốn giúp thanh niên lập nghiệp”. Các đề án chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây lương thực, hoa màu, dịch vụ, kinh doanh nhỏ khả thi sẽ được cho vay tối đa 20 triệu đồng không tính lãi trong vòng một năm…
Nguyễn Xuân

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.