Multimedia Đọc Báo in

Cây Hông – một triển vọng mới trên vùng biên giới Ea Súp

10:42, 14/06/2010
Cây Hông (hay còn gọi là cây PAULOWNIA) đang được một số hộ dân trên địa bàn xã Ia R’vê (Ea Súp) trồng thử nghiệm và bước đầu được đánh giá thành công mở ra một triển vọng mới trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại Ea Súp.
Sau vài năm nghiên cứu về điều kiện tự nhiên, vào đầu mùa mưa năm 2009, bà Nguyễn Thị Chiến, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tư Tùng (gọi tắt là Công ty Tư Tùng) tại thôn 4, xã Ia R’vê (Ea Súp) phối hợp với Công ty TNHH Giống cây trồng Xứ Sở Xanh thuộc huyện Tân Yên, tỉnh Bình Dương đã ươm giống và triển khai trồng thử nghiệm 2 ha cây Hông tại một số hộ gia đình thuộc 14 thôn trên địa bàn xã Ea R’vê. Đến thời điểm này, cây sinh trưởng và phát triển tốt, thích nghi với điều kiện đất đai, khí hậu tự nhiên của địa phương. Đại diện Công ty Tư Tùng cho biết, sau từ 4-9 năm, cây Hông sẽ được khai thác, trung bình 4 năm khai thác một lần, với lợi nhuận 350 triệu đồng/ha, cây Hông sẽ liên tiếp tái sinh 7 lần trong vòng 28 năm, theo phương thức cắt tỉa phù hợp.
Cây Hông trồng được 6 tháng tuổi.
Cây Hông trồng được 6 tháng tuổi.   (Ảnh: T.L)

Gia đình ông Lành Văn Thủy, thôn 13 xã Ia R’vê, trồng 1 ha cây Hông; đây cũng là vườn mô hình trồng Hông của Hội Người cao tuổi thôn 13, do Công ty Tư Tùng đầu tư toàn bộ cây giống, vốn, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật trồng chăm sóc bảo vệ và bao tiêu sản phẩm với đơn giá hợp đồng ban đầu là 700.000 đồng/m3 đối với gỗ tạp 4 năm tuổi và 2.500.000 đồng/m3 đối với gỗ cứng 9 năm tuổi hoặc có thể cao hơn tùy thuộc vào giá thị trường. Toàn bộ diện tích cây Hông đã được ông Thủy trồng trên vùng đất pha cát bạc màu, thường thiếu nước trầm trọng vào mùa khô. Đến nay, vườn Hông hơn 3 tháng tuổi không cần đến nguồn nước tưới vẫn phát triển xanh tốt, cây Hông cao trung bình 1,5m, tỷ lệ cây sống đạt 98%.
Trước đó, vào cuối tháng 8-2009, Công ty Tư Tùng đã trồng thử nghiệm 100 cây giống tại vườn của gia đình ông Nguyễn Văn Mỹ ở thôn 5 theo phương thức trồng xen trong vườn cây ăn quả. Mặc dù không được chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật nhưng cây Hông vẫn phát triển rất nhanh đến sau 6 tháng mỗi cây đã cao 9 mét, có đường kính 17-20cm.
 
Cây Hông có đặc điểm thích nghi với nhiều loại đất, dễ trồng, dễ sống, ít sâu bệnh gây hại, lớn nhanh hơn nhiều so với các loại cây lấy gỗ khác như bạch đàn, keo lai, keo tai tượng, lại có giá trị về nhiều mặt. Gỗ Hông có thể dùng để chế tác đồ thủ công mỹ nghệ, trang trí nội thất cao cấp, đóng thuyền, vật liệu trên máy bay hoặc sản xuất bột giấy cao cấp, in tiền polyme. Gỗ Hông nhẹ, không cong vênh hay nứt nẻ, mịn đẹp, chịu đựng được mọi điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, thân thiện với môi trường. Lá cây Hông chứa nhiều chất Vitamin dùng để làm thức ăn cho gia súc. Bên cạnh đó, cây Hông còn có khả năng chống cháy cao về mùa khô; ở một số nơi người ta có thể trồng cây Hông thành những đường “Băng xanh” cản lửa phòng chống cháy rừng rất hiệu quả.
 
Có thể coi cây Hông là loại cây trồng mới, do người dân xã Ia R’vê trồng tự phát cần được các cấp chính quyền quan tâm, nghiên cứu về kỹ thuật trồng, tác động môi trường và khả năng tiêu thụ. Nếu thực sự phù hợp, hy vọng cây Hông mở ra một triển vọng mới cho vùng đất biên giới, từng bước thay thế dần những vườn điều “cao sản” đã trồng nhiều năm nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người dân. Hiện nay, chính quyền xã Ia R’vê đã vận động nhân dân tiếp tục mở rộng diện tích cây Hông lên 500 ha từ nay đến năm 2013, riêng mùa mưa năm 2010 xã sẽ trồng 200 ha cây Hông phân tán tại các vườn hộ.
Đình Yên

Ý kiến bạn đọc