Đoàn xã Ea Tân (huyện Krông Năng):
Hiệu quả từ các tổ góp vốn giúp nhau phát triển kinh tế
Mô hình tổ thanh niên góp vốn giúp nhau phát triển kinh tế là nét mới trong phong trào Đoàn ở xã Ea Tân (huyện Krông Năng). Với việc nhân rộng mô hình thiết thực này, Đoàn xã Ea Tân không chỉ “giữ được chân” đoàn viên thanh niên mà còn nâng cao chất lượng công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi ở địa phương.
Anh Phan Văn Trong, Bí thư Đoàn Xã Ea Tân cho biết, tổ hùn vốn ban đầu tự phát, do một số thanh niên ở thôn Yên Khánh có cùng sở thích đã góp tiền giúp nhau mua cây con giống, đầu tư phát triển sản xuất, học nghề. Thấy mô hình hiệu quả, các chi đoàn thôn Quyết Tâm, Thống Nhất, Bắc Trung cũng vận động đoàn viên thanh niên (ĐVTN) thành lập các nhóm hùn vốn. Tùy điều kiện thực tế, các chi đoàn có những hình thức gây quỹ góp vốn như: huy động ĐVTN nhận khoán chăm sóc, thu hái cà phê; mượn đất chưa sử dụng của dân, đất chuyên dụng thôn để tăng gia sản xuất…
Cùng với Bí thư Đoàn xã Ea Tân chúng tôi đến thăm mô hình trồng khoai lang rộng gần 2 sào của Chi đoàn thôn Quyết Tâm đúng lúc các bạn đang làm cỏ lứa đầu. Mặc dù đã quá trưa, những giọt mồ hôi chảy dài trên khuôn mặt, ướt đẫm cả lưng áo, các bạn vẫn hăng say nhổ cỏ khoai, xới đất vun gốc ngô lai được trồng xen canh. Bạn Nguyễn Ngọc Ánh cho biết, với những ĐVTN là chủ gia đình, việc lấy tiền nhà góp vốn khá dễ dàng, còn đối với ĐVTN đang ở chung với bố mẹ, chưa có gia đình riêng thì mỗi đợt góp vài trăm ngàn là rất khó. Từ thực tế đó, Chi đoàn Quyết Tâm đã tự xây dựng nguồn vốn giúp nhau bằng cách mượn lô đất bỏ hoang của một người dân trong thôn trồng khoai lang Nhật. Lần đầu trồng chưa có nhiều kinh nghiệm, không dám đề ra “chỉ tiêu” khoai sẽ đạt năng suất từ 30 - 40 tấn/ha như ở một số địa phương ở tỉnh Dak Nông, chỉ cần đạt một nửa và với giá 5.000 đồng/ kg, cuối năm nay chi đoàn sẽ có 10 triệu đồng để giúp nhau lập thân lập nghiệp. Thấy mô hình trồng khoai lang Nhật của thanh niên hứa hẹn kết quả khả quan và có ý nghĩa, nhiều hộ trong thôn đã giúp công lao động và ủng hộ tiền mua nước uống. Mới đây, Ban tự quản thôn Quyết Tâm đã đồng ý cho Chi đoàn TN mượn tiếp 4 sào đất quy hoạch làm nghĩa trang để trồng sắn gây quỹ giúp nhau phát triển kinh tế.
Mô hình trồng khoai lang Nhật của ĐVTN Chi đoàn thôn Quyết Tâm (xã Ea Tân, huyện Krông Năng). |
Tuy nguồn vốn huy động chưa nhiều nhưng các chi đoàn ở Ea Tân đã giúp được 5 thanh niên học nghề sửa chữa xe gắn máy, cơ khí, cửa sắt, lái xe, kinh doanh nhỏ, đặc biệt giúp hàng chục thanh niên có tiền mua phân bón trồng và chăm sóc cà phê, hồ tiêu. Bạn Nguyễn Thị Lan, Chi đoàn thôn Quyết Tâm nói: em vay 500.000 đồng của nhóm để mua các phụ kiện như: giấy màu, giỏ mây, kéo, hồ dán làm hoa giấy bán cho các trường học trên địa bàn xã. Số tiền vay tuy ít, nhưng sẽ giúp em tự tin kinh doanh, tích lũy kinh nghiệm chuẩn bị việc mở cửa hàng văn phòng phẩm sau này. Còn Nguyễn Đức Phước phấn khởi nói đầu mùa mưa năm ngoái em cũng đã được vay của nhóm hơn 4 triệu đồng để mua phân bón cho 800 gốc hồ tiêu. Nếu không có số tiền vay ấy, chắc vườn hồ tiêu của em không xanh và đẹp như bây giờ.
Đoàn viên Nguyễn Đức Phước (xã Ea Tân, huyện Krông Năng) chăm sóc vườn hồ tiêu. |
Có một thực trạng chung hiện nay, ở khu vực nông thôn, công tác xây dựng tổ chức Đoàn (gồm cả công tác đoàn kết tập hợp thanh niên của Hội LHTN) gặp rất nhiều khó khăn bởi các chương trình hoạt động không thiết thực, rập khuôn máy móc, việc vận động thanh thiếu nhi còn mang tính hình thức, cầm chừng, chưa tạo được sức hút mạnh mẽ. Nhận thức rõ những khó khăn khách quan đó, Đoàn xã Ea Tân đã chỉ đạo các Chi đoàn nhân rộng mô hình tổ góp vốn giúp nhau phát triển kinh tế, thường xuyên tổ chức cho ĐVTN tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất từ các mô hình mới như: trồng cây ăn quả, nuôi bò, nhím, heo rừng lai… Đồng thời phối hợp với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ xã cho ĐVTN tham gia các lớp chuyển giao khoa học - kỹ thuật thâm canh cây trồng vật nuôi, tìm kiếm các mô hình giống cây con mới để nhân rộng. Đặc biệt, thông qua những buổi sinh hoạt Chi đoàn, các bạn đã cùng nhau bàn bạc cách thức tăng thêm nguồn vốn cho quỹ, phương án vay vốn, đối tượng được ưu tiên vay vốn… nhờ đó, đã thu hút ngày càng đông đảo ĐVTN đến với tổ chức Đoàn. Tính đến cuối tháng 6 -2010, Đoàn xã Ea Tân có 1.378 ĐV, sinh hoạt tại 20 chi đoàn, tăng gần 10,5% ĐVTN so với đầu năm 2008; trong đó, có 10//20 chi đoàn vững mạnh, tăng 2 chi đoàn so với cùng kỳ năm 2009. Đặc biệt, đến thời điểm này Đoàn xã Ea Tân không còn chi đoàn xếp loại yếu.
Mô hình tổ hùn vốn đã đáp ứng được nguyện vọng của thanh niên nông thôn trong tình hình hiện nay. Những nỗ lực này đã tạo ra trạng thái “động” trong tư duy của tuổi trẻ về lao động, việc làm; từng bước khắc phục tâm lý trông chờ, ỷ lại trong thanh niên. Vấn đề đặt ra, các chi đoàn cần phải có kế hoạch sử dụng và cách thức quản lý nguồn vốn chặt chẽ, khoa học có như vậy mới phát huy tốt nguồn vốn phát triển kinh tế gia đình.
Ý kiến bạn đọc