Multimedia Đọc Báo in

Tăng trưởng xuất khẩu: Việt Nam nên gia nhập chuỗi sản xuất giá trị cao

19:01, 25/07/2010
Xuất khẩu của Việt Nam còn có thể tăng trưởng một cách mạnh mẽ hơn nữa nếu  chú trọng  việc gia nhập các chuỗi sản xuất giá trị cao.
Đó là ý kiến của Đại sứ, Trưởng đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Sean Doyle trong buổi giới thiệu bản Báo cáo tình hình kinh tế Việt Nam 2010 do Phái đoàn EU và Tham tán Thương mại 27 quốc gia thành viên EU tại Hà Nội vừa thực hiện.
Đại sứ Sean Doyle khẳng định, tình hình xuất khẩu khó khăn nhất của Việt Nam đã qua. Hiện EU vẫn duy trì ở vị trí thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ. Tuy giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang EU giảm 14%, nhưng mức độ không đáng lo ngại bởi ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua. Giá trị xuất khẩu vào EU của Việt Nam không thể thấp hơn được nữa bởi EU đang có những biện pháp phục hồi và quản lý kinh tế hữu hiệu hơn. 
Bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2009 và đầu năm 2010 tương đối sáng sủa, nhưng cũng bộc lộ những yếu kém trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Kinh tế Việt Nam cần phải được tái cơ cấu nhanh chóng hơn, đặc biệt là đối với doanh nghiệp Nhà nước để có thể mang lại sự tăng trưởng bền vững và nâng cao tính cạnh tranh.
Trong quan hệ thương mại hai chiều, Đại sứ Sean Doyle cho biết, Việt Nam tiếp tục được hưởng thặng dư mậu dịch ở mức khoảng 4 tỷ USD. Trên thực tế, thâm hụt thương mại của Việt Nam phần lớn là do cán cân thương mại bất cân bằng với Trung Quốc. Trong khi EU đang là thị trường nhập nhiều hàng tiêu dùng của Việt Nam với mức 1,9 tỷ USD hàng giầy da, 1,1 tỷ USD hàng thủy sản, và 1,7 tỷ USD hàng dệt may.
sản phẩm qua chế biến
Sản phẩm cà phê chế biến xuất khẩu được giới thiệu tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 2
Về triển vọng quan hệ mậu dịch Việt Nam- EU, Việt Nam nên gia nhập chuỗi sản xuất hàng hóa giá trị cao như điện tử, máy tính cá nhân…, không nên cạnh tranh hàng giá rẻ. DN Việt Nam thay vì xuất khẩu sản phẩm nguyên liệu thô nên xuất sản phẩm chế biến để thu được lợi nhuận cao. Chẳng hạn không nên xuất khẩu cà phê hạt, hải sản thô, hàng thủ công mỹ nghệ đơn giản mà chỉ xuất khẩu sản phẩm này đã qua chế biến bằng công nghệ cao. Việc dịch chuyển nhanh hơn trên thang chuỗi giá trị là cơ hội duy nhất cho các DN vừa và nhỏ phát triển mạnh mẽ; không những sẽ giúp cho xuất khẩu Việt Nam có lợi nhuận cao hơn mà còn là điều kiện tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nhân công.
Đại sứ cũng đánh giá, việc Việt Nam nhập khẩu mạnh vật liệu thô không phải hiện tượng đáng lo ngại, vì khi xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ thì nảy sinh nhu cầu tăng cường nhập khẩu nhằm  mục đích có thiết bị vật tư thô để sản xuất các sản phẩm xuất khẩu. Ngoài ra, việc nhập khẩu cũng xuất phát từ chính nhu cầu nội tại . Gần đây, Việt Nam đầu tư rất nhiều vào việc xây dựng các nhà máy điện, cảng hàng không, cảng biển - vốn đòi hỏi một mức đầu tư rất lớn. Tuy nhiên, về lâu dài, sự đầu tư này sẽ mang lại nhiều ích lợi cho Việt Nam.

H.H ( Nguồn: CTO)

Ý kiến bạn đọc