Nông dân Krông Pak nỗ lực cứu lúa
Hơn 2000 ha cây trồng vụ hè thu ở Krông Pak bị khô hạn do thiếu nước tưới hoặc có nước nhưng bấp bênh. Trên các cánh đồng, người nông dân đang tìm mọi cách để cứu lúa.
Đợt nắng hạn kéo dài, các hồ đập trên địa bàn (chủ yếu lượng nước tưới dựa vào các hồ, đập tự nhiên) đều cạn kiệt, không còn nước để bơm tát. Trước tình trạng khô hạn, nhiều nông dân ở Krông Pak, đợi sau Tết Đoan Ngọ mới dám xuống giống. Vụ hè thu năm nay, tại các cánh đồng xã Hòa An, Vụ Bổn… nông dân chủ động sạ khô để kéo dài thời gian sinh trưởng, tuy nhiên, lúa gieo sạ lên không được bao nhiêu. Người dân tỏ ra lo lắng vì trong khi lịch thời vụ thì đã khép lại từ hơn một tháng, thay vì chờ mưa xuống có nước, nhiều hộ đã phá bỏ lúa để làm đất sạ lại.
Hơn 11 giờ trưa, nắng như đổ lửa, trên cánh đồng Sình Trầu (xã Hòa An) vẫn còn rất đông nông dân đang khẩn trương chống hạn. Đang loay hoay kéo ống nước, chỉnh máy bơm, đưa nước từ giếng ra đồng, anh Nguyễn Văn Giai (thôn 2) nói: “Trên đồng lúa ngày càng héo dần, đất nứt nẻ, nhìn mà ứa nước mắt, chỉ mong trời mưa xuống mới cứu vãn được tình hình khô hạn. Mọi năm, thời điểm này, lúa đã tốt đến ngang đầu gối rồi…”. Hơn 1.500 m2 ruộng của anh đã sạ được hơn mười ngày mà lúa mọc lên vẫn lưa thưa, cây được cây không, cao chưa đến một gang tay, lại càng không dám bỏ phân. Bên cạnh thửa ruộng của anh Giai, ruộng của ông Trần Xuân Lộc cũng đang bị chết dần vì thiếu nước. Giống sạ xuống, thiếu nước, cây lúa chỉ bằng cây tăm, thưa thớt; khó có thể cứu vãn được nữa, ông Lộc đang có ý định làm đất sạ lại cho kịp vụ. Không ít thửa trên cánh đồng rộng của Sình Trầu đều chịu chung một cảnh như thế. Ruộng nứt nẻ, lúa mọc thưa thớt, héo rũ, người nông dân đang phập phồng lo lúa chết từng ngày. Anh Ama Ngân (thôn 8, xã Hòa An) thở dài ngán ngẩm, 5 sào lúa, vụ trước phát triển rất tốt, nhưng vụ này trông rất èo uột. Hôm nay đã 15 ngày rồi, ruộng khô nẻ, mấy sào lúa nhà anh đang chờ nước từng ngày. Ama Ngân không giấu nổi tâm trạng lo lắng: “Ruộng thiếu nước như vậy, mấy tháng tới, không biết lấy gì mà ăn”. Hiện, nhiều diện tích lúa hè thu của Krông Pak đang trong thời kỳ sinh trưởng và phát triển nên rất cần nước. Theo nhiều nông dân các xã Hòa An, Vụ Bổn, hạt giống vừa sạ xuống đã đối mặt ngay với những nguy cơ mất mùa tới 50- 60 %. Vụ này chắc chắn không bù nỗi chi phí bỏ ra, bởi tiền giống, phân bón, thuê máy làm đất, chưa kể, nếu phải thuê tưới, công gặt lúa nữa thì tiền vốn đã vượt gấp 2-3 lần sản lượng lúa thu được.
Thiếu nước, nhiều ruộng lúa mọc lên không nổi. |
Để cứu lúa, nhiều nông dân đã dùng máy bơm nước liên tục từ các giếng lân cận vào ruộng. Một số hộ không nhờ được giếng tưới, đã thuê tưới theo giờ với giá 15- 20. 000 đồng/ giờ, mặc dù vẫn chưa biết có cứu được lúa hay không, và nếu cứu được thì không biết vụ này thu có đủ bù vào số tiền đã bỏ ra! Thậm chí, có người biết chi phí để cứu lúa sẽ cao hơn thu về, có khi mất trắng, nhưng không ai chịu buông xuôi. Ông Lê Phụng Biểu, một hộ dân đã làm ruộng hơn 10 năm ở cánh đồng Sình Trầu nói, so với những năm trước, tình hình khô hạn năm nay gay gắt hơn nhiều. Hiện, 7 sào lúa sạ của ông đang dần chết khô, đất ruộng nứt nẻ bởi thiếu nước. Để cứu lúa, sau khi xuống giống được mười ngày, ông đã phải sử dụng máy bơm, dẫn nước từ các giếng lân cận vào ruộng mà vẫn không thấm vào đâu. Dù vẫn biết chi phí chống hạn ngày càng tăng, có cứu được lúa thì cũng bị lỗ nặng nhưng chị Phan Thị Hồng (xã Hòa An) vẫn bỏ tiền ra thuê giếng tưới với giá 15. 000 đồng/ giờ, chị nói, làm nông dân chỉ biết có hạt lúa, không lẽ thấy lúa héo dần mà không cứu; còn tìm được nguồn nước còn cứu, đến khi không thể có cách nào nữa thì đành chịu vậy. Còn tại cánh đồng Sình Kim, xã Ea Phê, do khô hạn cộng với công trình thủy lợi Krông Buk hạ đang thi công nên đến thời điểm này, đã muộn để xuống giống vụ hè thu, cả cánh đồng chỉ lác đác vài ba người đang dọn ruộng, đắp bờ. Nông dân đang chờ nước để xuống giống, song vẫn canh cánh nỗi lo nếu gieo sạ muộn quá thì dễ rơi vào tình trạng bỏ lúa chín ngoài đồng không thu hoạch được do bão lũ!
Ông Đoàn Doãn Toản, Phó Phòng NN - PTNT huyện cho biết, tính đến thời điểm này, toàn huyện đã gieo cấy được 15.863 ha cây ngắn ngày, trong đó, diện tích lúa gần 5.500 ha, đạt 82% kế hoạch. Tuy nhiên, có đến hơn 2.000 ha bị khô hạn, thiệt hại về tiền giống hơn 1 tỷ đồng. Nhiều hộ đã chủ động gieo cấy muộn hơn so với mọi năm, chọn giống dài ngày, tuy nhiên, một phần diện tích lúa hè thu đang bị thiếu nước. Trước tình trạng này, ước tính diện tích gieo trồng chỉ bảo đảm 90 - 95% kế hoạch, theo đó, năng suất sản lượng lúa sẽ bị giảm rất nhiều.
Ý kiến bạn đọc