Multimedia Đọc Báo in

Thu mua hạt giống lúa lai: Giá thấp, nông dân kêu trời (!)

11:03, 06/07/2010

Với giá thu mua tại gốc của các công ty giống chỉ có 18.000 đồng/kg đối với giống Bio, 17.000 đồng/kg giống Nhị ưu và 15.000 đồng/kg giống Bắc ưu nhiều hộ tham gia sản xuất giống lúa lai ở Ea Kar đang đối mặt với thua lỗ vì giá quá thấp so với mức đầu tư người dân bỏ ra.

Giá thấp... nông dân lao đao!
“Chi phí đầu tư quá cao mà giá thu mua thì lại thấp”, đó là bức xúc của rất nhiều nông dân tham gia sản xuất giống lúa lai ở huyện Ea Kar. Ông Nguyễn Bá Học, tổ trưởng tổ sản xuất lúa lai số 12, Công ty cà phê 720 cho biết: Sản xuất lúa giống phức tạp hơn lúa thương phẩm ở khâu kỹ thuật, đòi hỏi việc áp dụng các biện pháp thâm canh phải chuẩn xác, đặc biệt là khâu thụ phấn giữa lúa bố và lúa mẹ. Các khâu còn lại như bón phân, phun thuốc trừ sâu cũng phải theo một trình tự nghiêm ngặt. Theo đó, bà con nông dân cũng vất vả hơn rất nhiều, đó là chưa kể đến chi phí về thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, công lao động đều cao hơn so với lúa thương phẩm. Theo tính toán của ông Học thì với 6 sào lúa của gia đình, số công bỏ ra nhiều hơn lúa thương phẩm là 20 công, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón cũng sử dụng cao hơn gần gấp đôi, vậy mà giá thu mua lúa giống của các công ty giống với bà con nông dân lại quá thấp chỉ bằng khoảng 1/3 giá thị trường hiện nay. Nếu so với làm lúa thương phẩm, năng suất bình quân đạt khoảng 10 tấn/ha, giá bán 4.600 đồng/kg (giống lúa lai năng suất đạt bình quân từ 3 – 4 tấn/ha), tính ra sản xuất giống lúa lai không cao hơn lúa thương phẩm là bao, nhưng chi phí cao hơn và người dân lại vất vả hơn. Ngoài ra, việc sản xuất giống lúa lai cũng đối mặt với nhiều rủi ro hơn lúa thương phẩm, bởi giống lúa bố mẹ rất nhạy cảm với thời tiết, chỉ cần nóng quá hoặc lạnh quá cũng ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng. Trong vụ năm nay, nông dân ở đây phải đối mặt với sự thay đổi bất thường của thời tiết khiến phần lớn diện tích bị mất mùa, nhiều hộ rơi vào tình trạng “khóc dở, mếu dở”. Hộ ông Lương Đình Huấn (tổ 12, Công ty cà phê 720) cho biết, trong vụ vừa rồi, 4 sào lúa giống Nhị ưu 838 của gia đình chỉ thu được gần 6 tạ, vừa đủ trả mọi chi phí, chưa kể công mà gia đình bỏ ra. Với giá lúa thu mua như hiện nay thì nông dân rất khó để gắn bó với việc tham gia sản xuất giống lúa lai, xây dựng vùng nguyên liệu lúa giống cho cả nước. Hay hộ anh Nguyễn Bá Quảng với gần 3 sào nhưng chỉ thu chưa được 2 tạ, nếu tình trạng này kéo dài, anh dự tính sẽ không tiếp tục sản xuất nữa.

Nông dân huyện Ea Kar đang thu hoạch lúa lai.
Nông dân huyện Ea Kar đang thu hoạch lúa lai.

Để nông dân gắn bó hơn với sản xuất lúa lai
Những năm gần đây, nhiều nông dân huyện Ea Kar đã tham gia vào quy trình sản xuất hạt giống lúa lai, chủ yếu là Nhị ưu, Bắc ưu, Bio. Điều này đã giúp họ tiếp cận với kỹ thuật cao và tiến thêm một bước xa hơn trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, do giá thu mua lúa giống của các công ty quá thấp, khiến mức thu nhập của nông dân không tương xứng với công sức và chi phí họ bỏ ra. Vì thế, nhiều hộ không còn hồ hởi với việc sản xuất giống lúa lai như ban đầu. Theo anh Thủy, một cán bộ kỹ thuật của Công ty giống cây trồng Cường Tân (hiện đang hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ sản xuất lúa lai ở Ea Kar) thì ở các tỉnh phía bắc, khi nông dân tham gia sản xuất giống lúa lai, họ được hỗ trợ vật tư và chính sách về giá, vì vậy họ chỉ bỏ công là chủ yếu nên mức thu nhập rất cao. Trong khi đó, nông dân ở đây chỉ được cấp giống và hỗ trợ kỹ thuật, giá thu mua lại thấp nên mức thu nhập không cao. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được cho việc sản xuất lúa giống, nhất là hệ thống thủy lợi chưa tốt, mới chỉ có 2 kênh, một ở giữa cánh đồng, một nằm bên ngoài; vẫn còn tình trạng ruộng thì thiếu, ruộng thì thừa nước… Do đó, sản xuất lúa cũng gặp nhiều rủi ro hơn các địa phương khác vì nguồn nước không bảo đảm cho lúa phát triển. Theo những hộ làm lúa lai thì trong 5 năm tham gia sản xuất, tỷ lệ vụ được mùa không cao, chỉ có 2/5 vụ, trong khi đó nông dân chăm lúa như “chăm con mọn”, suốt ngày phải ở ngoài đồng, đặc biệt trong những ngày lúa thụ phấn hoặc lúa bố mẹ bị trổ lệch pha thì bà con phải bám đồng dày hơn. Theo họ, giá lúa thu mua phải cao hơn 20.000 đồng/kg mới thu hút được nông dân tham gia xây dựng vùng nguyên liệu lúa giống cho cả nước. Anh Trần Quang Trung, cán bộ kỹ thuật Trung tâm giống cho biết, nguyên nhân giá lúa thấp do trong thời gian qua các công ty giống tham gia chuyển giao công nghệ sản xuất và thu mua lúa giống còn ít. Đồng thời, việc ký kết hợp đồng đều phải thông qua trung gian các công ty cà phê đang đứng chân trên địa bàn nên nông dân đã bị thiệt thòi. Trong thời gian tới, khi Trung tâm giống lúa lai Ea Kar đi vào hoạt động ổn định sẽ sớm giải quyết những vướng mắc này. Hiện, trung tâm cũng đang chọn lọc những công ty có giá thu mua cao để ký hợp đồng, đồng thời đề nghị các công ty đang tham gia thu mua tăng giá cho nông dân… Mong rằng, các chính sách hỗ trợ sản xuất giống lúa lai sớm được triển khai thực hiện để người dân trong vùng nguyên liệu nâng cao thu nhập và gắn bó với công việc.

 

Thuận Nguyễn

 


Ý kiến bạn đọc