Giải pháp nào cho thực trạng: Chuyển đổi đất rừng sang trồng cây công nghiệp, hoa màu?
Từ năm 1989, hơn 334 ha đất rừng đã được đồng bào dân tộc thiểu số xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) nhận trồng mới phủ xanh. Song đến nay, sau những lần khai thác không “hiệu quả”, nhiều người đã tự ý chuyển đổi sang trồng các loại cây khác.
Chuyển đổi cây trồng
Ea Tiêu là một xã có diện tích trồng rừng khá lớn, những năm qua việc giao đất trồng rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số ở đây luôn được chính quyền địa phương quan tâm. Trong tổng số 24 thôn, buôn toàn xã thì diện tích đất rừng chủ yếu tập trung ở 6 buôn Krăm, Ciết, Ega, HLúk, Ebung, Etiêu. Năm 1989, mỗi hộ được giao trồng từ 1-3 ha với các loại cây như keo lá tràm, muồng, xoan, nhờ vậy những cánh đồi trọc dần được phủ kín một màu xanh. Tuy nhiên, đến khi khai thác, không ít người đã thất vọng, Bà H’Bank (buôn Krăm) cho biết, sau hơn 10 năm chăm sóc 7 sào rừng, đến khi khai thác chỉ nhận được một số tiền quá ít. Bây giờ tôi chỉ trồng hơn 3 sào, số diện tích đất còn lại chuyển sang trồng điều và cây hoa màu.
Gia đình bà H’Bank đã chuyển đổi phần lớn diện tích đất rừng sang trồng điều. |
Đây không chỉ là trường hợp riêng của bà H’Bank, mà là hoàn cảnh chung của phần lớn người dân tham gia trồng rừng ở đây. Bởi sau khi nhận đất, các hộ dân được Lâm trường Ea Tiêu hỗ trợ cây giống, phân bón và chi phí chăm sóc (1-2 triệu đồng/ha). Đến thời kỳ khai thác, thì họ chỉ thu được thêm từ 1-2 triệu đồng/ha. Với khoảng thời gian trồng, chăm sóc hơn 10 năm mà mỗi hộ chỉ nhận được số tiền quá ít như vậy khiến nhiều người không tiếp tục trồng mới lại rừng sau khi đã khai thác. Điều này, dẫn đến một thực trạng buồn là những cánh rừng xanh tốt khi khai thác xong đã trở thành đồi trọc. Anh Y Zuê (buôn Ega) trồng hơn 1 ha rừng nguyên liệu, nhưng bây giờ đã bỏ hoang vì sau 10 năm trồng, chăm sóc anh chỉ nhận được 2 triệu đồng. Đã hơn 10 năm nay, anh H’Dri (buôn Ciết) trồng 5 ha rừng nguyên liệu, nhưng từ 2 năm nay anh đã chuyển đổi 2 ha sang trồng măng tre xen điều, số diện tích rừng còn lại anh không trồng mới mà chủ yếu là để rừng tự phục sinh. Anh tâm sự, trồng rừng hàng chục năm trời mà đến khi thu hoạch chỉ có được mấy triệu đồng. Trong khi đó, cuộc sống gia đình phải chạy ăn từng bữa, nên tôi không trồng rừng nữa mà chuyển sang trồng tre lấy măng. Cũng như anh H’Dri, anh M’Nội, anh M’Bốt (buôn Krăm) đã chuyển đổi 2 ha rừng nguyên liệu của mình sang trồng ca cao. Anh Y Pơ với 2 ha rừng thì bây giờ một nửa diện tích trồng điều, nửa còn lại bỏ hoang.
Ông Y Kuếh Kban, Chủ tịch Hội Nông dân xã bày tỏ: “Đời sống của hầu hết đồng bào ở địa phương còn rất khó khăn vì thu nhập thấp đã khiến họ không gắn bó với việc trồng mới diện tích rừng. Hiện tại, số diện tích đất rừng được phủ xanh chỉ hơn 50% (chủ yếu là cây rừng còn lại và rừng phục sinh). Năm 2010, chỉ tiêu trồng mới lại rừng là 8.000 cây, nhưng đến giờ rất ít người đăng ký tiếp tục trồng.
Diện tích đất rừng ở xã Ea Tiêu ngày càng bị thu hẹp. |
Để công tác trồng rừng có hiệu quả!
Có thể nói, việc người dân đồng loạt chuyển đổi diện tích đất trồng rừng sang trồng các loại cây ngắn ngày đã khiến hàng trăm ha rừng trở nên hoang hóa. Ở buôn H’Luk và buôn Krăm hiện gần 60% đồng bào không tiếp tục trồng rừng, mà chuyển đổi sang trồng điều, tre lấy măng. Buôn Etiêu, buôn Ega,… giờ chỉ còn lại một số ít là cây lâu năm, không có cây trồng mới. Buôn Knia thì diện tích đất rừng đã chuyển đổi sang trồng sắn, bắp mà chưa có hộ nào đăng ký trồng lại rừng. Trước thực trạng này, ông Y Min Ênuôl, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Hầu hết đồng bào ở đây khi khai thác rừng đều không theo khuôn khổ, mà họ khai thác tràn lan, triệt để. Điều này, là do cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn, không có nguồn thu nhập nào khác ngoài việc nhận đất trồng rừng, họ chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt chứ không hướng đến mục tiêu lâu dài. Đến khi khai thác xong, người dân không trồng mới rừng, mà chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày để tăng thu nhập”.
“Bây giờ phải trồng các loại cây ngắn ngày, nhanh cho thu nhập nhằm bảo đảm cuộc sống gia đình, chứ nếu tiếp tục trồng rừng như thế này thì không đủ sống. Sau này, khi mức hỗ trợ trồng và chăm sóc rừng cao hơn thì mình sẽ tiếp tục trồng”, anh H’Dri tâm sự.
Việc người dân tự ý chuyển đổi diện tích đất trồng rừng sang các loại cây ngắn ngày khác là vấn đề đang được chính quyền địa phương quan tâm. Bởi một khi đất rừng bị hoang hóa, thì nó kéo theo một loạt hệ lụy lâu dài về sau như môi trường, khí hậu… Thiết nghĩ, để động viên, khuyến khích người dân tích cực tham gia trồng rừng cần phải có chính sách hỗ trợ thỏa đáng từ khâu chăm sóc đến khi khai thác, để công tác trồng mới, chăm sóc và bảo vệ rừng ngày càng có hiệu quả.
Ý kiến bạn đọc